THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 01:23

Xung quanh đề xuất di dời ga Hà Nội khỏi nội đô: Có khả thi?

 

Ga Hà Nội ngày nay (ảnh lớn). Ga Hàng Cỏ ngày xưa (ảnh nhỏ). Ảnh: Hồng Vĩnh.

 

Tái đề xuất di dời ga Hà Nội

Tại Hội nghị về công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn Hà Nội ngày 8/8 vừa qua, đề xuất “di dời nhà ga Hà Nội và tuyến đường sắt liên tỉnh ra khỏi khu vực nội thành” của ông Phạm Xuân Bình, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội đã làm cho dư luận một lần nữa xôn xao.

Lý giải về đề xuất trên, ông Bình cho rằng, hiện Hà Nội có khoảng 10 km đường sắt liên tỉnh đi xuyên tâm, với rất nhiều đường ngang giao cắt. Ga Hà Nội cũng là nơi tập trung đáng kể các chuyến đi và đến của các tuyến tàu hỏa hiện nay. Theo ông Bình, việc này đang gây ra nhiều xung đột, gia tăng áp lực giao thông và là một trong những nguyên nhân chính, trực tiếp dẫn đến tình trạng tai nạn giao thông đường sắt diễn biến ngày càng phức tạp.

Vị này cũng cho nói thêm hiện trên thế giới chỉ còn Hà Nội và 5 thành phố khác là còn có đường sắt liên tỉnh trong nội thành. Ông Bình cho rằng hệ thống đường sắt này vừa nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị vừa tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Về vị trí di dời, theo ông Bình nếu ga Hà Nội chuyển sang bên kia sông Hồng hoặc khu vực huyện Thường Tín thì sẽ giảm được tai nạn trong khu vực nội đô, tránh gây xung đột giao thông khi tàu đi qua, đồng thời giãn mật độ người dân di chuyển từ ngoại thành vào trung tâm.

Liên quan đến vấn đề này, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết tai nạn giao thông đường sắt tại khu vực Hà Nội có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt tại những địa phương có nhiều đường ngang tự mở giao cắt với đường sắt. Theo thống kê của Ban An toàn giao thông Hà Nội (từ 16/12/2016 - 15/7/2017), khu vực thành phố đã xảy ra 14 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm 13 người chết.

Nguyên nhân một phần do người dân thiếu ý thức khi tham gia giao thông, tự ý vượt đường sắt khi tàu chạy qua; mặt khác, nhiều đường ngang do người dân tự mở thiếu hệ thống cảnh báo nguy hiểm. Ông Viện cho hay từ nay đến cuối năm, Sở sẽ phối hợp với Tổng Cty Đường sắt Việt Nam xây dựng gờ giảm tốc tại 92 vị trí giao cắt giữa đường bộ và đường sắt để đảm bảo an toàn giao thông.

Thực tế, đề xuất di dời ga Hà Nội ra khỏi khu vực trung tâm thành phố từng được đưa ra cách đây 2 năm. Cụ thể, tại cuộc họp giữa Bộ GTVT và Sở GTVT Hà Nội (ngày 15/4/2015), lãnh đạo Công an TP Hà Nội cho rằng, việc chuyển ga Hà Nội ra khỏi trung tâm Thủ đô là cần thiết vì mỗi lần tàu ra vào ga, tình trạng ùn tắc ở các điểm giao với đường sắt thường xuyên xảy ra; lực lượng CSGT rất vất vả trong việc điều tiết giao thông.

Chính vì vậy, lãnh đạo Công an Hà Nội đề nghị các cơ quan chức năng xem xét, di dời ga Hà Nội ra khỏi khu vực trung tâm thành phố nhằm xoá bỏ hẳn đường sắt liên tỉnh trong khu vực nội thành. Biện pháp này theo lãnh đạo Công an Hà Nội, sẽ giúp loại bỏ xung đột giao thông, giảm tải áp lực cho khu vực trung tâm và đặc biệt là hạn chế tai nạn giao thông đường sắt trên địa bàn Thủ đô.

 

Tàu hỏa rời ga Hà Nội cắt qua phố Khâm Thiên. Ảnh: Hồng Vĩnh.

 

Ga Hà Nội sẽ trở thành khu công cộng dịch vụ - văn hóa

Liên quan đến khu vực ga Hà Nội hiện nay, tại buổi tiếp xúc cử tri mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, hiện thành phố đang thuê một đơn vị tư vấn thiết kế nước ngoài tiến hành làm quy hoạch lại khu vực ga Hà Nội và khu vực phụ cận.

Theo Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội, năm 2016 Hà Nội đã ký kết hợp đồng tư vấn với một đơn vị của Nhật Bản để lập quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và vùng phụ cận tỷ lệ 1/2000. Mục tiêu của đồ án quy hoạch này nhằm khớp nối đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông trong khu vực, giữ gìn, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử, kiến trúc công trình ga Hà Nội. Bên cạnh đó, hình thành một khu trung tâm công cộng dịch vụ - văn hóa và cấu trúc hiện đại với chức năng “đầu mối giao thông”, “trung tâm thương mại - văn phòng”, “đầu mối giao lưu cấp vùng”.

Theo Sở này, việc lập quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận sẽ làm rõ hình ảnh tương lai của khu vực xứng đáng với chức năng là cửa ngõ, bộ mặt của Thủ đô, làm cơ sở cho việc tái thiết đô thị và thu hút đầu tư xây dựng, đặc biệt là đầu tư nước ngoài. “Ở đây sẽ được quy hoạch đồng bộ phát triển nhiều tầng từ không gian ngầm, cầu đi bộ trên cao và quảng trường trước ga. Nó sẽ được quy hoạch theo mô hình phát triển giao thông công cộng lấy nhà ga đường sắt làm trung tâm, đồng bộ với quy hoạch phân khu đô thị”, vị cán bộ của Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho hay.

KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam cho rằng, ga Hà Nội là một dấu ấn không chỉ với người dân Hà Nội mà còn hiện hữu trong tâm trí người dân cả nước. Vì thế, đề xuất di dời không chỉ đơn thuần là chuyện “nhà ga” mà là cả giá trị văn hóa. Mặt khác, theo KTS Tùng, theo quy hoạch chung Thủ đô được phê duyệt, các hệ thống tuyến đường, trong đó có tuyến ga Hà Nội phải được giữ nguyên. “Theo xu thế thế giới, các ga đầu mối giao thông đặt càng gần trung tâm đô thị càng tốt. Nó sẽ là nơi kết nối các hệ thống giao thông đô thị như tàu điện ngầm, đường sắt trên cao, xe bus…, sẽ giảm bớt cự li đi lại và lưu lượng đi lại giữa các tuyến với nhau. Di dời ra khỏi trung tâm thành phố chắc chắn sẽ phá vỡ toàn bộ hệ thống kết nối giao thông”, ông Tùng phân tích.

KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, nếu di dời cả hệ thống đường sắt liên tỉnh và ga Hà Nội ra ngoài thì các hệ thống đường ray cho đến hệ thống nhà ga phải được di dời hết. “Nếu di dời thì vô cùng tốn kém, khó khăn và không đơn giản. Ga Hà Nội chỉ có thể điều chỉnh chức năng hoạt động của ga, quy hoạch và đầu tư lại cho tốt lên chứ không thể phá bỏ, di dời. Tất cả phải căn cứ quy hoạch chung được Thủ tướng duyệt và Luật Thủ đô quy định”, ông Nghiêm nói.

 

GS.TS. KTS Hoàng Đạo Kính: Cần cái nhìn chiến lược cho ga Hà Nội

Người ta nói rằng nhiều thành phố lớn trên thế giới đều có khu nhà ga giữa trung tâm, nhưng Hà Nội không phải thế. Nhà ga Hà Nội quá nhỏ bé, lạc hậu, không thể cải tạo được. Nếu có đường sắt hiện đại làm sao có thể chạy qua đường nhỏ hẹp như Khâm Thiên, Phùng Hưng (cầu đường sắt phải coi di tích tương tự cầu Long Biên). Nếu muốn giữ đường sắt chạy qua thành phố, phải dỡ bỏ nhiều dãy phố nhỏ cũ kỹ nhỏ như hiện nay, hoặc phải chui xuống ngầm. Nếu để như hiện nay thì không thể hiện đại hóa đường sắt được, lại cản trở giao thông. Tôi nghĩ phải có chiến lược lâu dài, không thể giữ đường sắt nhỏ bé lạc hậu giữa thành phố như hiện nay.

 


 

Họa sỹ Nguyễn Đức Bình, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Mỹ thuật và Nhiếp ảnh: Có thể chuyển đổi thành bảo tàng Mỹ thuật Đương đại

Trung tâm Hà Nội hiện đang thiếu vắng không gian dành cho các công trình công cộng phục vụ sinh hoạt vui chơi giải trí của cộng đồng. Hiện nay nhiều bộ đã di chuyển trụ sở mới ra vùng ven đô như Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Công an nhưng các bộ này chưa trả trụ sở cũ ở các phố Trần Hưng Đạo, Yết Kiêu. Nếu các trụ sở này được dùng làm bảo tàng, nhà triển lãm mỹ thuật thì rất hợp lý. Ga Hà Nội nếu được di dời thì tòa nhà và mảnh đất ấy làm bảo tàng mỹ thuật đương đại thật lý tưởng, giúp nâng cao đời sống văn hóa và thu hút khách du lịch, đồng thời tác động đến sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam nói chung, mỹ thuật Hà Nội nói riêng. Tôi nghĩ nếu lãnh đạo Thủ đô làm được điều này sẽ thỏa nguyện lòng mong đợi của văn nghệ sĩ thủ đô và cả nước.

Bảo Hân (ghi)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh