Xung đột Armenia - Azerbaijan: "Màn thi đấu" tên lửa tàn khốc sắp bùng nổ?
- Công nghệ
- 17:56 - 05/10/2020
Ngày Chủ Nhật (4/10) đã chứng kiến thêm một bước theo thang mới trong quan hệ giữa Armenia và Azerbaijan khi hai nước tiếp tục sử dụng tên lửa và rocket bắn vào các mục tiêu của nhau.
Vụ tập kích vào thị trấn Stepankert của Armenia hôm thứ Bảy đã ngay lập tức bị đáp trả bằng một đòn tấn công bằng tên lửa tầm xa vào địa bàn Ganja ở Azerbaijan.
Nhiều thông tin cho thấy, Azerbaijan đã sử dụng tên lửa LORA do Israel chế tạo. Trong khi đó, Azerbaijan cũng cáo buộc Armenia đã triển khai tên lửa Tochka-U của Nga.
Cuộc giao tranh dường như đang bước vào một giai đoạn khốc liệt hơn sau những tiến triển ban đầu của Azerbaijan vào tuần trước. Hôm thứ Bảy, Azerbaijan nói rằng họ đã "giải phóng" 7 ngôi làng và cuộc tấn công ngày Chủ Nhật lại càng ác liệt hơn.
Một số nguồn tin cho biết, Armenia đã sử dụng tên lửa Tochka-U pháo kích vào Ganja nhưng Yerevan đã lên tiếng bác bỏ. Trong khi đó, Armenia tuyên bố Azerbaijan đã tấn công Stepankert bằng tên lửa Polonez và Smersh hôm thứ Bảy khiến thành phố này chìm ngập trong bóng tối.
Cả hai bên đều đang sử dụng các tên lửa và phương pháp tác chiến có nguồn gốc từ thời Liên Xô.
Sau một tuần giao chiến, có vẻ như xung đột đang bắt đầu leo thang. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều khả năng các tên lửa sẽ sớm được huy động cho các mục tiêu mang tính chiến lược hơn và nằm sâu hơn ở bên kia biên giới. Mỗi bên có thể sẽ sử dụng tới nhiều tên lửa có tầm bắn lên đến vài trăm km.
Trên lý thuyết, Azerbaijan có vẻ như được trang bị tốt hơn. Ngoài các hệ thống tên lửa cũ hơn của Nga như Tochka hay Polonez của Belarus, Azerbaijan còn đang có trong biên chế các tên lửa LORA hiện đại hơn của Israel.
Số lượng các bệ phóng tên lửa đã được biết đến của Armenia dường như ít hơn nhiều, có lẽ chỉ bằng một nửa lực lượng tên lửa và rocket của Azerbaijan. Tất nhiên, cả hai nước có thể còn các hệ thống vũ khí khác mà họ chưa công bố.
Chưa rõ, liệu bên nào sẽ có nhiều hệ thống phòng không để bắn hạ số lượng tên lửa lớn hơn của đối phương. Tuy nhiên, cả hai thường vẫn dựa vào công nghệ của Nga, ngay cả khi Azerbaijan đã tìm cách hiện đại hóa lực lượng của mình.
Baku tuyên bố đã tiêu diệt nhiều hệ thống phòng không của Armenia ở Nagorna-Karabkah, phá hủy hơn 30 đơn vị, nhiều khả năng là bằng các bay không người lái như Harpy của Israel hay Bayraktar của Thổ Nhĩ Kỳ.
Về phần mình, Armenia có S-300 và một số hệ thống phòng không tiên tiến khác. Có vẻ như Azerbaijan đã không thể bảo vệ được Ganja khỏi cuộc tấn công hôm Chủ Nhật. Điều này khiến Baku có thể phải tính tới các biện pháp trả đũa khác. Vì vậy, cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh khó có thể sớm kết thúc.