Xứng danh là vùng đất Tây Đô
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 04:27 - 24/06/2016
Theo ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, hiện Cần Thơ vẫn còn nhiều tiềm năng để nâng cao các chỉ tiêu cạnh tranh với các đô thị lớn khác. Để có góc nhìn toàn diện về quyết tâm chính trị của tập thể Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân TP.Cần Thơ, Báo LĐ&XH đã có cuộc trò chuyện với ông Lê Văn Tâm xoay quanh những đổi thay này.
* Thưa ông, để trở thành một đô thị đầu tàu khu vực đồng bằng sông Cửu Long như hiện nay, TP.Cần Thơ đã vượt qua những khó khăn thách thức như thế nào?
- Trước những khó khăn về tình hình kinh tế, tài chính của thế giới trong những năm qua đã tác động không nhỏ đến kinh tế trong nước nói chung và đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, trong đó có TP.Cần Thơ. Đảng bộ thành phố đã tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, năng động, sáng tạo, đề ra nhiều chủ trương, giải pháp phù hợp với tình hình thực tế, vượt qua khó khăn, thách thức và lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu Nghị quyết Thành ủy giai đoạn 2010 - 2015. Riêng năm 2015, đạt và vượt 17/17 chỉ tiêu Nghị quyết, cụ thể như: Tổng sản phẩm GDP (giá so sánh 2010) của thành phố đã đạt 78.085 tỷ đồng, tăng 12,28% so với năm 2014, chỉ số GRDP (đạt 57.082 tỷ đồng), tăng trưởng GRDP (đạt 6,76%) của năm vừa qua.
Nhìn chung tăng trưởng kinh tế ở cả ba khu vực đều tăng so cùng kỳ, nhất là cơ cấu kinh tế (GDP) tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tăng dần tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng (khu vực II) và thương mại, dịch vụ (khu vực III) chiếm 93,42%; giảm dần tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (khu vực I) chiếm 6,58%. Hiện nay GDP bình quân đầu người của thành phố đã đạt 79,4 triệu đồng, tăng 6,6 triệu đồng so với năm 2014.
* Được biết, có được những thành công trên một phần nhờ vào nguồn thu hút đầu tư của thành phố, vậy theo ông thành phố đã có những chính sách gì để mời gọi đầu tư?
- Năm 2015 thành phố đã thu hút một lượng lớn các đăng ký đầu tư mới vào các KCN, KCX trên địa bàn. Cụ thể, các khu công nghiệp thu hút 12 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 30,6 triệu USD, đến nay các khu công nghiệp có 220 dự án còn hiệu lực, cho thuê 296,7 ha đất công nghiệp, tổng vốn đầu tư đăng ký 1.957 triệu USD; vốn thực hiện 894,5 triệu USD, chiếm 45,7% vốn đầu tư đăng ký. Tính chung tổng doanh thu của các doanh nghiệp ước đạt 1.437,3 triệu USD, tăng 5% so năm 2014, với tổng số lao động đang làm việc tại các KCN trên địa bàn là 31.322 lao động.
Tuy nhiên, phải nói đến các tăng trưởng về thương mại - dịch vụ. Trong đó, hoạt động khu vực dịch vụ đạt nhiều kết quả khả quan, đóng góp 58,46% trong cơ cấu GDP của thành phố. Ngoài ra, một số dịch vụ có mức tăng khá như: Thương mại, dịch vụ tài chính - ngân hàng - bảo hiểm, công nghệ thông tin và viễn thông, dịch vụ lô-gíc-tíc, tư vấn khoa học và công nghệ...
Về thu hút đầu tư nước ngoài, năm qua thành phố đã cấp mới 8 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 42 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn 5 dự án với tổng vốn tăng là 40,6 triệu USD; không phát sinh thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Ngoài ra, thành phố có 69 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký 979,5 triệu USD, vốn thực hiện chiếm 35% tổng vốn đăng ký.
Lãnh đạo thành phố tăng cường gặp gỡ tiếp xúc các doanh nghiệp, lắng nghe giải quyết vướng mắc trong bồi hoàn giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, đồng thời, chú trọng cải cách thủ tục đầu tư; các ngành rút ngắn được thời gian, nhanh chóng cấp giấy phép cho nhà đầu tư đủ điều kiện...
Ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ trao phần thưởng cho các thanh niên TP. Cần Thơ.
Thêm vào đó, tình hình lưu chuyển hàng hóa trên thị trường khá sôi động, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, kết nối cung cầu hàng hóa... được tổ chức có hiệu quả; một số trung tâm thương mại mới đi vào hoạt động đã góp phần tác động thúc đẩy sản xuất, phát triển thị trường. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ đạt 81.248,8 tỷ đồng, vượt 0,4% kế hoạch, tăng 16,4% so năm 2014. Các giải pháp bình ổn, đảm bảo nguồn cung hàng hóa, giá cả thị trường ổn định, kiểm tra, kiểm soát thị trường được triển khai kịp thời.
* Với lợi thế về nông nghiệp, TP.Cần Thơ đã có những chính sách gì để phát triển nông nghiệp tại địa phương, đồng thời là đầu tàu nông nghiệp của đồng bằng sông Cửu Long?
- Cần Thơ có ưu điểm là về nông nghiệp công nghệ cao. Không chỉ năm 2015 mà nhiều năm trước chúng tôi đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; mở rộng mô hình nuôi thủy sản đặc sản có giá trị kinh tế; mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng nông nghiệp đô thị, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó là một quy trình giám sát chặt chẽ chăn nuôi, thực hiện tiêm phòng thường xuyên, định kỳ, kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm,...
Chỉ tính riêng về tình hình sản xuất các vụ lúa trong năm qua dù bị tác động của hạn mặn, nhưng vẫn đạt tăng trưởng khá. Trong đó, diện tích lúa xuống giống được 237.950 ha, vượt 7,9% kế hoạch, tăng 2,4%; sản lượng cả năm đạt 1. 403.000 tấn, vượt 14,9% kế hoạch, tăng 9,1% so năm 2014. Ngoài ra, diện tích nuôi thủy sản 13.156 ha, vượt 1,2% kế hoạch; tổng sản lượng thủy sản nuôi thu hoạch 185.068 tấn; sản lượng thủy sản khai thác 5.000 tấn, vượt 6,4% kế hoạch, tăng 4,2% so năm 2014.
* Ngoài những thành tựu đạt được về kinh tế, thương mại, thu hút đầu tư... Trong lĩnh vực văn hóa, lao động - xã hội thành phố đã có những đổi mới gì?
- Không chỉ quan tâm đến lĩnh vực kinh tế, chúng tôi cũng đặc biệt quan tâm và chỉ đạo thực hiện tốt các lĩnh vực văn hóa xã hội, nhiều hoạt động phong phú làm thay đổi chất lượng cuộc sống, công tác an sinh xã hội luôn được chú trọng. Chỉ riêng lĩnh vực LĐ-TB&XH đã giải quyết việc làm cho 60.220 lao động (tăng 17,9% so với năm 2014), vượt 20,4% kế hoạch (trong đó có 220 lao động đi làm việc ở nước ngoài). Chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề tiếp tục nâng lên, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn được phối hợp tốt.
Trong năm 2015, thành phố đã đào tạo nghề 40.102 lao động (tăng 5,4% so với năm 2014), vượt 0,26% kế hoạch; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 50,76%. Thành phố đã thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ chính sách người có công với nước, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo và hộ cận nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 1,84% (khoảng 5.644 hộ), đạt kế hoạch; công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, bảo vệ chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới được quan tâm thực hiện.
* Để duy trì vị trí đầu tàu của khu vực là một nhiệm vụ khó khăn, tuy nhiên với những kết quả trên đã cho thấy TP.Cần Thơ đang đi đúng hướng và xa hơn nữa có thể cạnh tranh với các đô thị lớn. Thực hiện nhiệm vụ này không dễ và đó có phải là mục tiêu không, thưa ông?
- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.Cần Thơ lần thứ 13 nhấn mạnh, luôn tập trung mọi nỗ lực để kết quả năm sau cao hơn năm trước. Đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản thì thành phố luôn tích cực huy động hợp lý tất cả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, kết hợp với đổi mới cơ chế phân bổ có tập trung, trọng tâm hơn và quản lý sử dụng vốn chặt chẽ, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán và lãng phí, nâng cao hiệu quả đầu tư nhà nước, quyết tâm quyết liệt nâng hạ tầng cơ sở kinh tế - kỹ thuật làm tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện nay thành phố cũng đang tập trung rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các đồ án quy hoạch xây dựng. Tính đến nay, thành phố đã chấp thuận 33 chủ trương quy hoạch, hủy bỏ 1 đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và 1 đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000. Triển khai lập thiết kế đô thị Khu vực trung tâm quận Ninh Kiều. Công tác quản lý hạ tầng kỹ thuật, trật tự kỷ cương đô thị, quản lý chất lượng xây dựng được đẩy mạnh.
TP. Cần Thơ năm 2016 với chủ đề: ”Đẩy mạnh thủ tục đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế”. Đây là một nhiệm vụ khó khăn, tuy nhiên tôi tin tưởng rằng với sự đoàn kết, phấn đấu của Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân và các doanh nghiệp TP. Cần Thơ trong tương lai sẽ rút ngắn khoảng cách như hiện nay.
* Theo ông, báo chí đã có tác động như thế nào vào sự phát triển của Cần Thơ? Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam ông có nhắn nhủ gì?
- Báo LĐ&XH là một tờ báo chuẩn mực về định hướng và phản ảnh lĩnh vực phụ trách, nhưng chưa “nóng”, có lẽ do đặc thù riêng của một tờ báo ngành.
Một điều dễ nhận thấy trong thời gian qua là báo song hành rất tốt với ngành LĐ TB&XH thành phố. Tuy nhiên, Báo cần được phản ảnh, nhắc nhở để lãnh đạo và các ngành phải quan tâm nhiều hơn cho cuộc sống, nhất là tầng lớp lao động vùng sâu, vùng xa, dân tộc...
Tôi hy vọng rằng trong thời gian tới, với chức năng và nhiệm vụ của mình, báo LĐ&XH nói riêng và báo chí cả nước sẽ đóng góp hơn nữa cho sự phát triển của đất nước và TP. Cần Thơ nói riêng, xứng đáng là tờ báo cung cấp thông tin tin cậy cho ngành và xã hội. Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 kính chúc các anh, chị nhà báo sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Trân trọng cảm ơn ông!