Cần Thơ: Quy hoạch phát triển làng nghề để giảm nghèo
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 14:31 - 02/05/2016
Là vùng đất trung tâm thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nơi có đầu mối giao thương thuận tiện với nhiều tỉnh, thành, Cần Thơ hiện có khá nhiều làng nghề nổi tiếng. Làng nghề ở Cần Thơ đa dạng, phong phú và được gìn giữ lưu truyền qua nhiều thế hệ. Đó là các làng nghề đan lọp Thới Long, làng hoa Thới Nhựt, làng bánh tráng Thuận Hưng hay làng đan lưới Thơm Rơm, làng nghề chằm nón lá Thới Tân...
Thời gian qua, nhằm tạo thêm việc làm, nâng cao mức sống cho người lao động nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, TP Cần Thơ đã phê duyệt quy hoạch phát triển làng nghề đến năm 2020 với mục tiêu phát triển 32 làng nghề tại các quận Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn, Thốt Nốt, huyện Phong Điền, Vĩnh Thạnh.
Làng nón Thới Tân A.
Để các làng nghề của thành phố mang lại hiệu quả kinh tế cao, không gây ra các tác hại xấu cho môi trường, thành phố đã ưu tiên phát triển các ngành nghề: Mành trúc, may thêu, mộc dân dụng, sản xuất gạch ngói, nấm rơm, bánh kẹo, bánh tráng, khâu nón, dệt chiếu, đan thúng, rổ, đan lục bình, hàng thủ công mỹ nghệ từ tre, mây, trúc phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Có 8 làng nghề tại quận Ô Môn và Thốt Nốt được ưu tiên xây dựng trước. Từ nay đến năm 2020 sẽ có 24 làng nghề khác được phát triển thêm. Cùng với đó, việc quy hoạch phát triển làng nghề ở Cần Thơ còn được lồng ghép, gắn với phát triển du lịch. Đến Cần Thơ, ngoài việc thăm thú chợ nổi, vườn trái cây... nhiều du khách còn được giới thiệu và rất thích thú khi đến thăm làng chằm nón ở ấp Thới Tân A. Làng nghề này có khoảng trên 70 năm, hiện nay đã thành lập được Nghiệp đoàn chằm nón lá với trên 36 hộ sống với nghề. Mỗi cái nón người thợ có thể thu lãi khoảng 8.000 đồng, trung bình một người, ngoài công việc chính trong ngày, có thể làm thêm được từ 2 đến 3 chiếc nón, phần nào phụ giúp được gia đình có thêm nguồn thu nhập. Sản phẩm của Nghiệp đoàn chằm nón lá ở ấp Thới Tân A chủ yếu bán ở chợ Thới Lai và một số nơi khác như ở chợ Vĩnh Thuận, Vĩnh Tuy... Nghề chằm nón lá ở đây đã tạo được nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương và đặc biệt cũng thu hút sự chú ý của du khách từ mọi miền về thăm làng nghề truyền thống này.
Thời gian qua, các làng nghề ở Cần Thơ đã thu hút trên 100.000 lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan. Sản phẩm mây, tre, lá buông, gốm sứ được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, trong đó xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Anh, Pháp đạt 800.000 USD.
Để làng nghề phát triển ổn định, Cần Thơ khuyến khích các tổ chức, cá nhân và cơ sở ngành nghề nông thôn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng làng nghề, cụm cơ sở ngành nghề nông thôn. Đồng thời, hỗ trợ đầu tư hạ tầng làng nghề và ngoài hàng rào các cụm cơ sở ngành nghề nông thôn. Với các cơ sở ngành nghề nông thôn có dự án đầu tư có hiệu quả sẽ được tạo điều kiện thuận lợi về giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất tại các cụm cơ sở ngành nghề nông thôn và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Đặc biệt, Cần Thơ sẽ dành ngân sách địa phương hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và xử lý môi trường cho các làng nghề, cụm cơ sở ngành nghề nông thôn. Với các dự án sản xuất kinh doanh có hiệu quả sẽ được hưởng ưu đãi đầu tư theo Luật Đầu tư; hỗ trợ lãi suất sau đầu tư theo quy định hiện hành; vay vốn từ quỹ hỗ trợ giải quyết việc làm đồng thời sẽ được bảo lãnh vay vốn tại các tổ chức tín dụng. Đã có hàng trăm hộ làm nhang, đan lợp, bánh tráng, hủ tíu, bún trong tỉnh được vay ưu đãi trên 2 tỷ đồng mua nguyên liệu sản xuất. Ngoài ra, Cần Thơ cũng tăng cường thông tin thị trường, tổ chức cho các làng nghề mở rộng hoạt động dưới hình thức tổ liên kết, câu lạc bộ, hợp tác xã, đồng thời gắn hoạt động của các làng nghề với du lịch nhằm tăng sức hấp dẫn và thu nhập cho người lao động. Làng nghề ở Cần Thơ đã phát huy tốt hiệu quả không chỉ trong giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động mà còn góp phần gìn giữ những nét đẹp truyền thống của văn hóa Việt Nam.