CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:59

Xúc động thơ ca thời chống Mỹ cứu nước

Xuất hiện nhiều tên tuổi lớn

Thơ và trường ca là thể loại có sức sống lâu bền nhất của văn chương. Thơ ca trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước mang âm hưởng chủ đạo là anh hùng ca với tinh thần quyết chiến quyết thắng kẻ thù xâm lược và tinh thần lạc quan tràn trề. Nhiều tên tuổi tham gia kháng chiến đã sáng tác và nổi tiếng như: Hữu Thỉnh, Phạm Tiến Duật, Chính Hữu, Thanh Thảo, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Đức Mậu, Lê Anh Xuân, Ngô Thế Oanh, Vương Trọng, Nguyễn Hữu Quý, Hoàng Trần Cương…

Thế hệ các nhà thơ kháng chiến chống Mỹ là một thế hệ mới mẻ, khác với thời kháng chiến chống Pháp. Họ được trang bị đầy đủ về kiến thức cộng hưởng của không khí thời đại, có bản sắc độc đáo. Các nhà thơ ý thức trách nhiệm nghiêm cẩn vì tương lai dân tộc, cùng tinh thần lạc quan. Nên thơ có đủ nỗi trăn trở con người, tâm trạng riêng tư, không hề bị giản lược và hời hợt. Từ những cá tính sáng tạo khác nhau, ta vẫn thấy nổi bật nhất là khát vọng cháy bỏng, mong cho đất nước thống nhất, quê hương được toàn vẹn với vẻ đẹp vốn có, như trong mọi kỷ niệm tuổi thơ và trải nghiệm bình dị của đời mình. Nhiều nhà nghiên cứu phê bình văn học cho rằng, thơ ca thời kỳ kháng chiến chống Mỹ không chỉ mang ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại, mà còn là một hiện tượng nghệ thuật lớn, đặc sắc, là một giai đoạn phát triển mạnh mẽ, có nhiều thành tựu xuất sắc trong tiến trình thơ hiện đại Việt Nam. Những giá trị tư tưởng và nghệ thuật của thơ kháng chiến chống Mỹ đã được khẳng định trong thực tiễn, từ đông đảo công chúng văn học đương thời cũng như trong nhiều công trình phê bình, nghiên cứu cả trước và sau năm 1975.

Hình tượng người lính đã tạo nguồn cảm hứng sáng tạo cho nhiều thế hệ nhà thơ.

Hình tượng người lính đã tạo nguồn cảm hứng sáng tạo cho nhiều thế hệ nhà thơ.

Còn theo nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, hình ảnh người lính ra trận phổ biến là những thanh niên xếp bút nghiên lên đường đánh giặc. Lớp lớp mười tám, đôi mươi/Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai (Tố Hữu). Đối với những người lính thời ấy không có gì cao quý hơn khi được ra chiến trường đánh giặc: Đường ra trận mùa này đẹp lắm (Trường Sơn đông, Trường Sơn tây  Phạm Tiến Duật).

Đọc lại những vần thơ để thêm tình yêu nước

Mới đây, tôi có dịp trở lại Di tích Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), thắp hương cho 10 cô gái thanh niên xung phong đã hy sinh. Tại phần mộ của 10 nữ thanh niên, có hai cây bồ kết xanh tốt, cao hơn nhiều so với những cây thông, cây vú sữa bên cạnh. Trời nắng, bồ kết xòe tán tỏa bóng mát cho cả khu mộ. Dưới cây bồ kết, dựng tấm bia đá khắc bài thơ “Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc” của nhà thơ Vương Trọng. Bài thơ đọc lại bao nhiêu lần, cảm xúc vẫn tươi nguyên:

…Hai mươi tám năm trôi qua, chúng tôi không thêm một tuổi nào/Ba lần chuyển chỗ nằm, lại trở về Đồng Lộc/Thương chúng tôi, các bạn ơi, đừng khóc/Về bón chăm cho lúa được mùa hơn/Bữa ăn cuối cùng, mười chị em không có gạo/Nắm mì luộc chia nhau, rồi vác cuốc ra đường.

Cần gì ư? Lời ai hỏi trong chiều/Chúng tôi chưa có chồng và chưa ngỏ lời yêu/Ngày bom vùi, tóc tai bết đất/Nằm xuống mộ rồi, mái đầu chưa gội được/Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang/Cho mọc dậy vài cây Bồ kếtHương chia đều trong hư ảo khói nhang.

Tháng 7/1995, nhà thơ Vương Trọng đến thăm Đồng Lộc, tưởng nhớ 10 bông hoa tuổi mười tám, đôi mươi, lứa tuổi đẹp nhất cuộc đời, ông đã xúc động viết bài thơ này. Với thể thơ tự do, không câu nệ vần điệu, nhà thơ đã “hóa thân” để nói hộ suy nghĩ của 10 cô gái. Việc xuất hiện cây bồ kết tại khu mộ 10 cô gái thanh niên xung phong là có nguyên do. Khi Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Tiến Tuẫn, Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh đã đọc được bài thơ này trong một tuyển tập thơ về Ngã ba Đồng Lộc, ông xúc động và đã về Hương Sơn tìm hai cây bồ kết đưa về trồng cạnh mộ 10 cô gái thanh niên xung phong. Hai cây bồ kết giờ đã vươn rộng, tươi cành, xanh lá chở che khu mộ các chị.

Qua tìm hiểu, có hàng trăm nhà thơ viết về Ngã ba Đồng Lộc, như “Ngã ba Đồng Lộc” của Huy Cận; “Cúc ơi” của Yến Thanh, “Hà ơi” của Bùi Quang Thanh; “Chiều Ngã ba Đồng Lộc” của Trần Sĩ Tuấn; “Trước phần mộ chị Trần Thị Hường ở Ngã ba Đồng Lộc” của Nguyễn Ngọc Vượng… Trong đó bài thơ “Cúc ơi” của nhà thơ Yến Thanh, tên thật là Nguyễn Thanh Bính - cán bộ kỹ thuật ngành giao thông vận tải, đã để lại niềm xúc động vô bờ bến:

Tiểu đội đã xếp một hàng ngang

Cúc ơi em ở đâu không về tập hợp?

Chín bạn đã quây quần đủ hết

Nhỏ - Xuân - Hà - Hường - Hợi - Rạng - Xuân - Xanh

A trưởng Võ Thị Tần điểm danh

Chỉ thiếu mình em

(Chín bỏ làm mười răng được!)

Bọn anh đã bới tìm vẹt cuốc

Đất sâu bao nhiêu bọn anh không cần

Chỉ sợ em đau nên nhát cuốc chùng

Cúc ơi! em ở đâu?...

Phải khẳng định, đọc lại những bài thơ của các thế hệ nhà thơ chống Mỹ lúc nào cũng thấy tươi nguyên cảm xúc tự hào, xúc động. Như bài “Đường ra mặt trận” của Chính Hữu:

Đi trong rừng anh nói với emNói với những ai mai sau sẽ hỏi/Về những vùng rừng không dân/Nơi bao người đi qua hầu hết tuổi/thanh xuân

Hay:

Hai mươi năm mưa, nắng, đêm, ngày/Hành quân không mỏi/Sung sướng bao nhiêu, tôi là đồng đội/Của những người đi, vô tận, hôm nay…

Thể loại trường ca cũng có nhiều tác phẩm hay, như “Ở làng Phước Hậu”, Trần Vũ Mai ghi lại nhiều gian khổ của vùng cực nam Trung bộ, nơi những người lính đói cơm cuốc bộ đêm ròng, sống cảnh nồi sắn sôi và buốt lạnh sau lưng, những mặt người sốt rét nằm lại một nguồn sông, chết trong mùa mưa lũ và hình ảnh đi tìm đồng đội:

Những ai cầm súng đi tìm bè bạnĐêm cột võng giữa rừng nhấm hạtmuối rangCác anh trở về vai ướt đầm sương sớmLòng nhớ thêm một ngôi mộ bên đường...

Hữu Thỉnh là một trong những tên tuổi lớn của thơ ca Việt Nam. Ông có nhiều tác phẩm thơ được phổ nhạc và phổ biến rộng rãi, có đóng góp cho thể loại trường ca. Đặc biệt là trường ca “Đường tới thành phố”. Tác phẩm xuất sắc này đã tổng kết lại cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước khốc liệt mà hào hùng; gian khổ, hy sinh, thấm đượm nghĩa tình mà thắng lợi vẻ vang. Có mặt giữa chiến trường, Hữu Thỉnh có điều kiện ghi lại cuộc chiến đấu bằng trải nghiệm thực tiễn, những tên đất, tên người được định danh khá cụ thể (đây là điểm mạnh so với thế hệ đàn anh). Những cái tên đồng chí, đồng đội, mảnh đất, tên làng… được ghi lại chân thực bằng “ký sự thơ” độc đáo.

Tác giả bên tấm bia khắc bài thơ xúc động về 10 cô gái thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc.

Tác giả bên tấm bia khắc bài thơ xúc động về 10 cô gái thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc.

Ngày nay, với những người trẻ được sinh ra trong thời bình, họ vẫn tiếp nối dòng chảy dòng thơ ca cách mạng, mang cái nhìn độc đáo và tạo dựng dấu ấn trong lòng bạn đọc, như nhà thơ Lữ Mai, Đoàn Văn Mật, Nguyễn Thị Kim Nhung, Những Quang Hưng, Phùng Thị Hương Ly. Nhà thơ Phùng Thị Hương Ly vừa đạt giải trong cuộc thi thơ do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức, với chùm thơ về đề tài chiến tranh cách mạng, được bạn đọc đánh giá cao chia sẻ: “Tôi viết về chiến tranh cách mạng là viết về những điều tôi thấy, nghĩ về những gì sót lại sau chiến tranh, với nhiều cảm xúc đan xen từ nỗi ám ảnh, tự hào, niềm lạc quan, tin tưởng và hy vọng. Là người trẻ, tôi đã lựa chọn một góc nhìn “gần nhất” để bắt đầu suy tư cho việc viết: Những câu chuyện, nhân vật mà tôi đọc trong sách sử, được chứng kiến hoặc nghe kể. Qua đó, trong sáng tác của mình, tôi mong có thể khắc họa sự khốc liệt của chiến tranh, sự hy sinh, cả những nỗi đau tận cùng mà thế hệ cha ông đã phải trải qua”.

Với nhà thơ trẻ hôm nay, họ cũng tự đặt trách nhiệm lên vai mình, là phải tiếp tục viết về đề tài chiến tranh cách mạng. Họ luôn cố gắng tìm cho mình lối viết mới, giữ cảm xúc và sự rung động trước các câu chuyện mà mình được kể lại và trải nghiệm, tránh trùng lặp với các tác giả khác.

Khánh Diên

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh