Chiều 30/9/2022, Bộ Công Thương phối hợp các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng tổ chức hội nghị trực tuyến giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.
Đây là kỳ hội nghị lần thứ 3 trong chuỗi chương trình hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài được Bộ Công Thương tổ chức định kỳ hằng tháng.
Tốc độ tăng trưởng mạnh
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, nhờ sự đóng góp của hệ thống thương vụ nên kinh tế đất nước có sự lạc quan, tốc độ tăng trưởng mạnh, kim ngạch xuất nhập khẩu 9 tháng đạt gần 600 tỷ USD.
Nếu giữ được đà tăng như hiện nay, khả năng kim ngạch xuất nhập khẩu của năm 2022 sẽ đạt mức 750 - 800 tỷ USD.
Bộ trưởng đề nghị các Tham tán thương mại, cán bộ Thương vụ, Văn phòng xúc tiến ở nước ngoài chia sẻ các thông tin cập nhật, thời sự về thị trường sở tại, phân tích, dự báo các diễn biến có thể tác động tới kinh tế và xuất nhập khẩu và đánh giá cơ hội xúc tiến xuất khẩu, khai thác thị trường sở tại trong thời gian tới.
Đồng thời các Hiệp hội có doanh nghiệp xuất khẩu lớn trong 2 năm qua được mời tới dự Hội nghị cần có các phản ánh, đề xuất với các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo, sau Hội nghị này, Cục Xúc tiến thương mại cần biên tập thông tin gửi các địa phương, hiệp hội tránh thông tin bị “trôi” đi, tạo hiệu quả cho các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9/2022 ước đạt 29,94 tỷ USD, giảm 14,3% so với tháng trước và tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 282,52 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước.
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 9 tháng năm 2022: nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 89%, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 9/2022 ước đạt 28,8 tỷ USD, giảm 7,3% so với tháng trước và tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung trong 9 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 276 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung trong 9 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 6,52 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 3,44 tỷ USD).
Dư địa của các thị trường còn rất lớn
Tại Hội nghị, đại diện Thương vụ Việt Nam tại các nước và khu vực đã cập nhật tình hình chính sách, thị trường nước sở tại, đồng thời nêu lên nhiều khuyến cáo thiết thực với các Hiệp hội, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý trong nước ở Trung ương và địa phương nhằm tận dụng cơ hội thị trường, giảm thiểu các yếu tố bất lợi cả trước mắt và lâu dài.
Đại diện Văn phòng thương mại Việt Nam tại TP. Trùng Khánh (Trung Quốc) khuyến nghị doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động đón đầu việc Trung Quốc chuẩn bị khởi động dự án mang tính liên kết vùng “Cao nguyên Thành Đô Trùng Khánh” với quy mô thương mại hàng hoá đạt tương đương 300 tỷ USD, thương mại dịch vụ 35 tỷ USD.
Đáng chú ý Thương vụ tại Anh cho biết nhu cầu về đồ gỗ của thị trường Anh đang giảm mạnh, người Anh có xu hướng không chi tiêu cho những nhu cầu không thiết yếu. Thương vụ khuyến cáo, trong bối cảnh kinh tế Anh hiện nay, doanh nghiệp cần thận trọng khi ký hợp đồng bảo đảm an toàn, hạn chế giao hàng trước trả tiền sau kể cả bạn hàng truyền thống. Cần liên hệ Thương vụ để đánh giá "sức khoẻ" đối tác.
Thương vụ Việt Nam tại Pakistan thông báo đang nỗ lực cùng các cơ quan chức năng giải quyết vụ việc 7 container hồ tiêu có tổng trọng lượng 180 tấn trị giá 750.000 USD của doanh nghiệp Việt xuất khẩu sang đây có nguy cơ bị bán đấu giá do lưu tại cảng quá lâu trong khi đối tác mua hàng “câu giờ” việc thanh toán khoản tiền. Trước mắt lô hàng này tạm thời chưa bị liệt vào đối tượng bị đấu giá.
Thương vụ Việt Nam tại Bulgaria khuyến nghị doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng thị trường bạn tuy là thị trường “ngách” song không đòi hỏi tiêu chuẩn cao, phí vận chuyển rẻ hơn sang Tây Âu, không phải đầu tư kho ngoại quan, dư địa của thị trường này còn rất lớn.
Văn phòng thương vụ tại Houston (Hoa Kỳ) lưu ý doanh nghiệp Việt khi nhận chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp Hoa Kỳ trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, tự động hoá cần đặc biệt quan tâm tuổi thọ cũng như hiệu năng của các con chip, tránh việc chỉ đạt hiệu quả hạn chế, dùng được vài năm.
Còn Thương vụ Việt Nam tại Pháp từ việc đưa thành công đưa gạo Lộc Trời vào thị trường Pháp cho rằng từ câu chuyện này cùng với câu chuyện 10 năm trước đây, gạo Campuchia chưa hề có mặt tại Pháp mà giờ đã có mặt khắp nước Pháp cho thấy doanh nghiệp cần chủ động cùng Thương vụ thực hiện chiến lược 3 bước gồm xây dựng chiến lược tiếp cận thị trường - tìm kiếm doanh nghiệp xuất khẩu- đàm phán đi đến thoả thuận thống nhất tầm nhìn chung.