THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 09:20

Xuất khẩu sang Hàn Quốc: Số vụ vi phạm vệ sinh ATTP có xu hướng giảm

Doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng thực phẩm chế biến của Việt Nam sang Hàn Quốc cần thực hiện nghiêm chỉnh hơn nữa các quy định của Hàn Quốc về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo báo cáo Xu hướng thực phẩm nhập khẩu năm 2019 và năm 2020 của Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc (MFDS), số vụ vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các lô hàng thực phẩm chế biến nhập khẩu từ Việt Nam sang Hàn Quốc có xu hướng giảm. 

Cụ thể năm 2019 phát hiện 117 vụ, đến năm 2020 (đến ngày 21/12/2020) xuống còn 37 vụ.

Số vụ vi phạm có xu hướng giảm phần nào cho thấy những nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc tuyên truyền phổ biến, nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu trong việc tuân thủ các quy định của nước sở tại đã phát huy hiệu quả tích cực. 

Tuy nhiên, hiện Việt Nam vẫn đứng thứ 3 sau Trung Quốc và Hoa Kỳ trong số những nước có số vụ thực phẩm nhập khẩu vi phạm nhiều nhất vào Hàn Quốc.

Do đó, trong thời tới, doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm chế biến sang Hàn Quốc cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan chức năng của hai nước, với Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc và đối tác Hàn Quốc để cập nhật các quy định liên quan, tránh ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu cũng như hình ảnh sản phẩm Việt Nam đối với người tiêu dùng Hàn Quốc.

Bộ Công Thương cho biết, phía doanh nghiệp có thể tham khảo các quy định của Hàn Quốc về vệ sinh an toàn thực phẩm tại đường link: https://www.mfds.go.kr/eng/index.do

Một số vi phạm trong sản phẩm của Việt Nam như: Trong thành phần có hàm lượng gây hại vượt quá mức cho phép (aflatoxin, benz (a) pyrene, enrofloxacin, ciprofloxacin); Vi phạm tiêu chuẩn sử dụng chất bảo quản; Không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm tại nơi chế biến; Phát hiện dị vật trong sản phẩm...

Theo quy định của Hàn Quốc (Luật đặc biệt về quản lý an toàn thực phẩm nhập khẩu), khi phát hiện sản phẩm thực phẩm nhập khẩu có chất gây hại thì cơ quan chức năng có quyền yêu cầu nhà nhập khẩu phải thu hồi, hủy toàn bộ lượng hàng đang phân phối.

Trong vòng 01 tháng, nhà nhập khẩu phải trình phương án xử lý đối với thực phẩm nhập khẩu đã được xác định là không phù hợp/vi phạm.

Trường hợp nhà nhập khẩu muốn tiếp tục nhập khẩu các sản phẩm không phù hợp trong tương lai, cần thực hiện các biện pháp cần thiết như xác định nguyên nhân, yêu cầu nhà sản xuất của nước xuất khẩu cải thiện chất lượng sản phẩm. 

Ngoài ra, các lô hàng tiếp theo sẽ bị kiểm tra với tần suất nhiều hơn cho đến khi đạt tiêu chuẩn quy định.

Nguyễn Thanh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh