THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 10:13

Xuất khẩu lô cà phê, chanh leo đầu tiên theo EVFTA

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, cà phê là một trong 13 nông sản chủ lực quốc gia, với lợi thế cạnh tranh cao, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên, nơi tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo.

Xuất khẩu lô cà phê, chanh leo đầu tiên theo EVFTA - Ảnh 1.

Phát lệnh xuất khẩu lô càphê đầu tiên của Việt Nam sang Châu Âu. Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN

Ngành cà phê đóng góp 3% GDP cả nước, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 600 nghìn hộ nông dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo ở Tây Nguyên và các vùng trồng cà phê khác của Việt Nam.

Từ nhiều năm nay, Việt Nam luôn là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới và đứng đầu thế giới về xuất khẩu cà phê Robusta, đạt kim ngạch xuất khẩu thường xuyên trên 3 tỷ USD/năm (chiếm 17,4% về lượng và 9,5% về trị giá xuất khẩu cà phê của thế giới).

Cà phê Việt Nam hiện đã có mặt ở hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. EU là thị trường tiêu thụ nhiều cà phê nhất của Việt Nam, chiếm 40% trong tổng lượng và 38% về tổng trị giá xuất khẩu cả nước (trung bình trị giá xuất khẩu cà phê sang EU đạt 1,2 – 1,4 tỷ USD/năm trong 5 năm qua).

Trên thực tế về mặt con số, EVFTA có hiệu lực từ 1/8/2020 đã bước đầu cho thấy những kết quả tích cực với ngành cà phê Việt. Tháng 8/2020, trị giá xuất khẩu mặt hàng cà phê của Việt Nam vào EU ước đạt gần 76 triệu USD, tăng 34,7% so với tháng 7/2020.

Với việc thực thi Hiệp định EVFTA, EU đã xóa bỏ thuế cho toàn bộ cho các sản phẩm cà phê chưa rang hoặc đã rang (giảm từ 7 – 11% xuống 0%); các loại cà phê chế biến từ giảm 9 – 12% xuống còn 0% vào thời điểm Hiệp định có hiệu lực. Đồng thời, trong số 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được EU cam kết bảo hộ khi EVFTA chính thức đi vào thực thi có chỉ dẫn địa lý về cà phê. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho ngành cà phê Việt Nam với các đối thủ tại thị trường EU.

Chanh leo là một trong những loại trái cây được thị trường EU rất quan tâm. Ở Việt Nam, hiện Chanh leo được trồng rộng rãi tại nhiều tỉnh, chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên, Nghệ An, Hòa Bình và Sơn La,...

Trong 5 năm qua, Việt Nam đã nổi lên như một quốc gia sản xuất và xuất khẩu chanh leo hàng đầu khu vực do điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sản xuất và nhu cầu gia tăng về chanh leo và các sản phẩm chế biến từ chanh leo trên thị trường quốc tế, đặc biệt là các thị trường cao cấp. Do đó, tiềm năng xuất khẩu chanh leo của Việt Nam còn rất lớn.

Từ 2015 - 2018, sản lượng và trị giá xuất khẩu chanh leo đã tăng hơn 300%, tương ứng từ 95 nghìn tấn quả tươi/năm (2015) lên 300 nghìn tấn quả tươi (2018) và trị giá từ 19,6 triệu USD lên 66,2 triệu USD, đưa Việt Nam vào "top" 10 quốc gia xuất khẩu chanh leo lớn nhất trên thế giới, sau Brazil, Peru, Ecuador, …

Năm 2019, các sản phẩm chế biến từ chanh leo là mặt hàng nông sản xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao (trên 65% tổng giá trị chanh leo xuất khẩu) và có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong các loại trái cây (tăng hơn 50% so với 2018). Sáu tháng đầu năm 2020, xuất khẩu chanh leo đạt 18,4 triệu, tăng 41% so với cùng kỳ 2019.

Trong hơn 1 thập kỷ trở lại đây, chanh leo là thực phẩm được ưa chuộng tại các quốc gia phát triển nhờ hương vị độc đáo và nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Hiện chanh leo Việt Nam đã xuất khẩu tới cả các thị trường có yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng, kiểm dịch và an toàn thực phẩm như Pháp, Đức, Hồng Kông, Hà Lan, Hàn Quốc, Đài Loan, Thụy Sĩ...

Thời gian tới, Bộ NN&PTNT mong muốn các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây của Việt Nam sẽ tận dụng tốt cơ hội, lợi thế tại thị trường EU, tiếp tục cải tiến công nghệ, phát triển các sản phẩm chế biến sâu để phục vụ tốt nhất cho thị trường EU.

K.VÂN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh