Xuất khẩu hàng hóa tiếp tục phục hồi tăng trưởng cao
- Huyệt vị
- 08:19 - 31/10/2022
Theo Tổng cục Thống kê, tình hình kinh tế cả nước vẫn tiếp đà tăng trưởng và thu được kết quả tốt trên nhiều lĩnh vực.
Cụ thể, trong 10 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp cả nước tăng 9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 3,8%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,6% (cùng kỳ năm 2021 tăng 5,1%), đóng góp 7,4% vào mức tăng chung.
Trong tháng 10, cả nước có hơn 13 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 13,6% so với tháng 9-2022 và tăng 58,3% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 10 tháng qua, cả nước có 178,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và trở lại hoạt động, tăng 38,3% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 122,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Cũng trong 10 tháng, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 387,7 nghìn tỷ đồng, bằng 67,1% kế hoạch năm và tăng 20,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Tính chung 10 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 4.643,6 nghìn tỷ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 10 tháng năm 2022 đạt 312,82 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 10 đạt 484,4 nghìn lượt người. Lũy kế 10 tháng năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 2.357,2 nghìn lượt người, gấp 18,8 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Theo nhận định từ Bộ Công Thương, trong những tháng cuối năm 2022, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ gặp không ít thách thức. Trong đó, giá xăng dầu tiếp tục diễn biến phức tạp; giá dầu tăng cao trong khi đây là nguồn nguyên liệu chính cho sản xuất và tiêu dùng; tình trạng thiếu hụt gián đoạn nguồn cung, chi phí sản xuất, vận tải toàn cầu gia tăng… tạo áp lực lên lạm phát, giá cả hàng hóa trong nước, ảnh hưởng đến kích cầu tiêu dùng đối với thương mại.
Hơn nữa, xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng tại nhiều quốc gia khi nguồn cung hàng hoá đứt gãy, các nước phải có biện pháp để ổn định hàng hoá trong nước.
Lạm phát tăng cao ở hầu hết quốc gia, là những thị trường lớn của Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng các mặt hàng không thiết yếu, gây sụt giảm nhu cầu hàng hoá nhập khẩu từ các nước. Nhiều nền kinh tế lớn, trong đó có Mỹ thực hiện điều chỉnh tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát gia tăng, dẫn tới đồng tiền bản địa mất giá so với đồng USD.
Về giải pháp, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh COVID-19, sự thay đổi trong chính sách thương mại của các nước, các đối tác lớn và trao đổi hàng hóa giữa các quốc gia để tham mưu cho Chính phủ các giải pháp điều hành ứng phó kịp thời với các yếu tố bất lợi.
Bên cạnh đó, chú trọng công tác triển khai thực hiện các hiệp định thương mại tự do, nhất là các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nắm được nội dung cam kết trong các FTA để vận dụng và phát huy có hiệu quả ưu đãi của hiệp định, tận dụng tối đa các cơ hội, hạn chế thách thức từ các hiệp định này.
Tiếp tục đổi mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại cấp quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu hàng nông sản; tổ chức các hoạt động kết nối cấp vùng miền nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nông sản hàng hóa.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác đơn giản hóa thủ tục hành chính. Trong đó, tập trung triển khai các thủ tục hành chính về lĩnh vực xuất nhập khẩu theo cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN… để tạo thuận lợi cho các hiệp hội và doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu.
Tăng cường công tác thông tin dự báo thị trường hàng hóa trong nước và thế giới, chính sách, tập quán buôn bán của các thị trường để Chính phủ, các bộ, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp có phản ứng kịp thời, giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, thâm nhập thị trường hiệu quả.
Tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước phát triển để giảm sự phụ thuộc vào khu vực FDI trong sản xuất và xuất khẩu…