Xuất hiện nhiều trung tâm "ma” khiến trẻ nhỏ đứng trước nguy cơ bại liệt
- Y học 360
- 08:28 - 11/06/2023
Thận trọng khi dùng thuốc bổ thận
Hiện nay, số lượng người mắc bệnh thận ngày càng gia tăng. Không ít người tự tìm hiểu và mua nhiều loại thuốc khác nhau để cải thiện, tăng cường chức năng của thận. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc bổ thận một cách tùy tiện có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường.
Tiến sĩ, bác sĩ Trương Thị Ngọc Lan (Viện Y Dược học Dân tộc TP.HCM) cho biết: “Khi tự ý sử dụng thuốc bổ thận, nhiều người hoàn toàn không biết nguồn gốc của thuốc là gì. Đồng thời, chúng ta phải xác định được đó là thận gì. Nếu thận âm suy nhưng lại dùng các loại thuốc quá nóng thì người dùng sẽ cảm thấy khó chịu. Ngược lại, nếu thận dương suy nhưng lại dùng các thuốc có tính hàn sẽ rất dễ bị tiêu chảy.
Đồng thời, chúng ta cũng cần lưu ý đến 3 điều: khi nào uống thuốc bổ, thuốc bổ cho bộ phận nào và thời gian dùng trong bao lâu. Những việc này đòi hỏi có chuyên gia về y học cổ truyền tư vấn kỹ càng hơn, không nên tùy tiện sử dụng các loại thuốc bổ”.
Tiến sĩ, bác sĩ Ngọc Lan nhấn mạnh thêm: “Việc sử dụng thuốc tùy tiện khi không hiểu rõ nguồn gốc và tác dụng của thuốc sẽ làm cho người dùng từ không bệnh trở thành bệnh, từ bệnh nhẹ trở thành nặng hơn”.
Tin vào lời của các thầy thuốc tay ngang, chị T.K.T (TP.HCM) đi mua một bài thuốc về sử dụng nhưng hiệu quả đâu không thấy, trái lại bệnh tình ngày càng nặng thêm: “Tôi bị suy nhược cơ thể, mệt mỏi nhưng không tìm ra được nguyên nhân. Tin lời vào người hàng xóm, tôi tìm đến thầy thuốc ở Tây Ninh mua dùng nhưng cảm thấy cơ thể càng mệt mỏi hơn. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, tôi sẽ bị suy thận”.
Thực tế, cách bổ thận hiệu quả nhất là xây dựng thói quen sinh hoạt lành mạnh từ lúc nhỏ cũng như cách chăm sóc sức khỏe đúng đắn, uống đủ nước, hạn chế sử dụng các chất kích thích và tầm soát bệnh thường xuyên.
Cẩn thận khi nắn chỉnh cột sống trẻ em
Những ngày gần đây, mạng xã hội bất ngờ xuất hiện các “bác sĩ” online với những lời chào mời, giới thiệu hấp dẫn về phương pháp nắn chỉnh sột sống cho trẻ em, giúp cải thiện tình trạng cột sống như mong muốn. Theo lời từ các “trung tâm” này, phương pháp nắn chỉnh cột sống còn giúp tăng chiều cao, hỗ trợ điều trị các chứng đau bụng, táo bón, trào ngược dạ dày ở trẻ. Lỡ đặt niềm tin nhầm chỗ nhưng không chịu tìm hiểu kỹ càng, nhiều gia đình, cha mẹ đã phải hối hận.
Theo các chuyên gia y tế, việc nắn chỉnh cột sống là một kỹ thuật y khoa phức tạp, yêu cầu độ chính xác cao. Những bài tập trên mạng hầu như không mang lại hiệu quả chữa trị vì cơ thể trẻ vốn yếu ớt, vô cùng nhạy cảm và không thể nắn chỉnh nhiều. Phương pháp này nếu được thực hiện bởi những “bác sĩ online” không đủ chuyên môn sẽ khiến trẻ đối mặt với nguy cơ chấn thương, nguy hiểm hơn là dẫn đến bại liệt.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Văn Tư (Giảng viên trường Đại học Nguyễn Tất Thành, TP.HCM) cho biết: “Nếu bị vẹo cột sống, trẻ phải được đi khám bởi các bác sĩ chuyên khoa về chấn thương chỉnh hình trẻ em. Từ đó, bác sĩ sẽ biết được mức độ vẹo cột sống ở mức độ nào và sẽ thiết kế một áo nẹp để điều chỉnh lại cột sống trong một thời gian dài. Cơ, xương của trẻ em rất mềm và dẻo. Nếu xoa nắn quá mức sẽ gây ra tổn thương trên cột sống và xương khớp của trẻ em”.
Để đảm bảo an toàn cho các, các bận cha mẹ phải tỉnh táo tìm hiểu và nghiên cứu thật kỹ, không nên tin vào những lời giới thiệu trên mạng xã hội. Khi muốn thăm khám, điều trị bất kỳ bệnh lý nào cho con, các bậc cha mẹ nên tìm đến những bác sĩ có chuyên môn, phòng khám, bệnh viện uy tín.
Lời cảnh báo là một chương trình mang đầy tính thời sự. Bên cạnh việc phản ánh những vấn đề đang được xã hội quan tâm, Lời Cảnh Báo còn cung cấp cho người dân nhiều kiến thức bổ ích về những vấn đề khác nhau trong cuộc sống như: kinh tế, sức khỏe, giáo dục, an ninh, trật tự xã hội,…
Lời cảnh báo được phát sóng vào lúc 19h50 Thứ Hai và Thứ Tư hàng tuần trên kênh THVL1.