THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:02

Xuân về nơi đỉnh Na Tông

Chúng tôi từ thành phố Điện Biên Phủ vượt qua 60 km đường đèo, dốc hiểm trở để đến các bản Gia Phú, Sơn Tống, Huổi Chang thuộc xã Na Tông, huyện Điện Biên để tham dự Tết người Mông. Cái Tết bắt đầu vào ngày 27 tháng 11 đến ngày 6 tháng 12 âm lịch, đây là dịp để mọi người trong bản quây quần bên ly rượu thăm hỏi bà con hàng xóm, chúc nhau sang năm mới dồi dào sức khỏe,  mùa màng bội thu, cùng nhau chơi những trò chơi truyền thống.

Tết về nơi rẻo cao Na Tông

Bản nghèo nhất so với những nơi tôi từng đặt chân đến là bản Gia Phú. Bản có 37 hộ, với 246 nhân khẩu đa số là người Mông. Dù là bản nghèo ở nơi vùng biên giới nhưng đồng bào người Mông ở đây vẫn luôn giữ gìn bản sắc dân tộc của mình. Đặt chân đến đầu làng là thấy ngay hình ảnh người phụ nữ ngồi bên máy khâu hoặc ngồi bên đống lửa ấm ngoài sân cặm cụi thêu thùa váy mới. Tiếp đến là tiếng chày dã nện chắc xuống cối, là âm thanh phát ra từ nhóm người đàn ông đang quây quần làm bánh, cười nói rộn rã. Và giữa cái lạnh như “dùi nhọn chích cành cây” này, bếp than hồng dừng dực, ngồi cơm tỏa khói thơm khắp mọi nhà,… tất cả như đang thông báo, Tết đã đến bên hiên nhà.

Chúng tôi ghé thăm nhà anh Vừ A Lử để chúc Tết. Lừ quý khách như người thân ruột thịt lâu ngày mới gặp nhau. Trong nhà Lừ cũng đang có khách, cả chúng tôi nữa, cùng quây quần bên bếp lửa đỏ hồng, bên ly rượu ngô thơm lừng nhâm nhi món gà luộc, mọi người rôm rả cười nói kể cho nhau nghe những chuyện đã qua của năm cũ. Chuyện từ nhiều thập niên trước, thời ngửa mặt lên là thấy rừng xanh ngút ngàn, thời mà con lợn rừng không cho trồng sắn, thời con khỉ không cho trồng ngô, thời con sóc con chim không cho trỉa lúa, thời phát rừng phát rẫy làm nương và cả thời kỳ đầu đắp suối be bờ giữ nước tưới và đem ánh điện sáng về làng cùng cả chuyện sang năm mới làm ăn thế nào để xoa đuổi ma đói, ma thiếu chữ.

Trong cái gian truân chinh phục núi rừng, kiến tạo bản nghèo, người Mông cũng đã sinh ra và tiếp nhận, gìn giữ, lưu truyền nhiều tập tục độc đáo. Nói về điều này, Trưởng bản Gia Phú B, Thào A Dế cho biết: Tết người Mông không thể thiếu phần làm Lý vào đêm 30 Tết. Khi mọi thứ đã chuẩn bị đầy đủ, thầy cúng cầm roi làm bằng cành tre, được thắt nơ vàng ở cuống đi xua quanh nhà, người ta sẽ chọn con gà béo nhất, đẹp nhất đem cắt tiết. Cắt tiết xong, nhổ một ít lông trên sống lưng gà, nhúng đầu chân lông vào bát tiết, lấy dây buộc lại rồi dán vào tấm giấy, treo lên tường, thế là thành nơi thờ. Cùng với đó, loại hương cúng cũng là hương tự làm, hương được làm từ cây hương bài lấy trong rừng, phơi khô, giã nhuyễn rồi cuộn lại.

Cúng xong, cắm hương xuống nền đất ngay bên dưới tấm giấy trắng. Lời cúng thì nhiều nghĩa, cầu cho sức khỏe, cầu cho một năm yên ổn, cho mùa màng bội thu, cho con lợn không về phá lúa, con chồn không bắt con gà, con ngan; cho con ma rừng không làm con ngựa chết bệnh... Khi cúng ma ở gian nhà chính, chủ nhà không quên cắt thêm nhiều tấm giấy bằng bàn tay, dưới đuôi tấm giấy có các cạnh hình răng cưa. Người cúng đọc lời chú, thể hiện tâm niệm vào tấm giấy rồi mang đi dán tất tần tật đồ đạc trong nhà.

 tục cắt giấy treo lông gà của người Mông

Mỗi một đồ vật, một tờ giấy khi được dán luôn mang một ý nghĩa khác nhau. Dán vào cây cột để cột thêm vững chắc, dán vào chân giường để người ngon giấc, dán vào cái nồi để nồi luôn đủ cơm ăn, dán vào cửa nhà để ma rừng không vào quấy phá, dán vào chuồng trâu để trâu khỏe mạnh sớm sinh sôi, dán vào nồi rượu để rượu luôn đầy can, dán vào cái cày cái cuốc cho mùa màng thêm năng suất,... cái rìu, cái cuốc được rửa sạch, dựng bên dưới tấm giấy thờ trong gian nhà chính, ăn tết xong, cái gì đem ra dùng thì lấy tờ giấy đó ra, nếu không thì cứ để như vậy. Đó là điều mà người Mông tâm niệm, mọi đồ vật đều có linh hồn, sau một năm làm việc, cái cày, cái cuốc, con dao rồi đến cái giường, cái cột nhà cũng phải nghỉ ngơi và ăn tết. Đến khoảng 2 giờ sáng đầu năm, gia chủ đến các mó nước gần nhất để lấy nước về nhà đặt lên bàn thờ để cầu mong mọi thứ tốt tươi, công việc được thuận lợi.

Chia sẻ sâu hơn về ý nghĩa của những việc làm này, thầy mo Sùng Chống Só ở bản Sơn Tống nói: "Làm Lý nhằm mục đích là xua đuổi những cái xấu, đen đủi của năm cũ, cầu mong sang năm mới mọi người trong gia đình gặp được nhiều may mắn, sức khỏe dồi dào, làm ăn thuận lợi, ngoài ra làm Lý cũng để mời thần linh về cùng ăn Tết cùng gia đình".

Bên cạnh đó, Tết Mông cũng là dịp nảy nở nhiều mối tình. Vào các ngày Tết các đôi trai gái mặc những bộ áo quần truyền thống rực rỡ sắc màu cùng nhau chơi đùa các trò chơi truyền thống. Trong đó ném Pao là trò chơi được các nam thanh, nữ tú người Mông yêu thích. Trò chơi được chia thành hai bên một bên là các bạn nữ, một bên là các bạn nam đứng cách nhau vài mét, sau đó ném cho nhau những quả Pao được các thiếu nữ thêu đủ họa tiết xinh xắn, nam nữ vừa ném vừa trao nhau những ánh mắt, nụ cười. Sau khi trò chơi kết thúc các bạn có tình ý với nhau cùng rủ nhau tâm sự, trao nhau tình cảm, kết tình vợ chồng cũng từ đấy.

Quả đúng là đời sống, văn hóa của người Mông quá sâu sắc và đa dạng. Mỗi một nét văn hóa là một chi tiết về sự sống, sức sống và quan niệm về vũ trụ, triết lý nhân sinh quan.

Tết kết thúc mà lòng vẫn còn lưu luyến, vẫn muốn nâng ly rượu đầy, vẫn muốn nghe tiếng khèn, vẫn muốn nghe tiếng hát, tiếng chày, vẫn muốn nhìn những đôi tay khéo léo thêu thùa lên những bộ trang phục đặc sắc. Hẹn gặp lại, khi mùa Xuân hãy còn…

MINH QUÂN – THẾ THIÊN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh