Xuân về nơi đảo xa
- Y học 360
- 10:55 - 03/01/2023
Quần đảo Nam Du được ví như vịnh Hạ Long trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc, gồm 21 đảo lớn, nhỏ, trong đó 11 đảo có cư dân sinh sống, với 2 đơn vị hành chính cấp xã là xã An Sơn và Nam Du.
Xã đảo An Sơn cách trung tâm hành chính huyện Kiên Hải 60km (khoảng 33 hải lý), với diện tích tự nhiên 708,61ha. Xã có 3 ấp với 25 tổ dân phố tự quản, có 1.126 hộ với 4.139 nhân khẩu; trong đó, 2.318 người trong độ tuổi lao động, chiếm 56,01% dân số xã. Nhân dân sống chủ yếu bằng nghề khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản, thương mại dịch vụ du lịch. Trong những năm qua, ngành thương mại dịch vụ chiếm 70% trong phát triển kinh tế - xã hội của xã (kể từ khi xã được công nhận là khu du lịch năm 2018).
Dẫn chúng tôi rảo bước trên những con đường bê tông trên xã đảo, dưới những cánh mai rừng khoe sắc thắm trong ánh ban mai nhô lên từ biển, ông Võ Hoàng Hận, Chủ tịch xã An Sơn vui mừng khoe: “Dù còn rất nhiều khó khăn nhưng mùa xuân này, nhân dân xã đảo An Sơn sẽ đón một cái Tết đầy đủ, sung túc và vui vẻ hơn, khi xã đạt đủ 19/19 tiêu chí để được công nhận là xã Nông thôn mới. Đây là một sự nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã. Sự ghi nhận trên sẽ giúp An Sơn có những bước chuyển mình, khởi sắc tiếp theo trong những năm tới. Để đạt được 19/19 tiêu chí, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, cấp ủy, chính quyền và đoàn thể trong xã đã tích cực tuyên truyền, vận động để mỗi người dân nhận thức rõ ý nghĩa, lợi ích xây dựng nông thôn mới. Khi lòng dân đồng thuận thì mọi việc triển khai đều thuận lợi”.
Theo ông Võ Hoàng Hận, trước năm 2018 (khi xã chưa được công nhận là khu du lịch), đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn, mỗi ngày chỉ có một chuyến tàu sắt đi về đất liền (về Rạch Giá); đường sá chủ yếu là đường đất; đời sống của người dân phần lớn là thu nhập từ đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản, với mức thu nhập bình quân 30 triệu đồng/năm. Năm 2018, xã được công nhận là khu du lịch, được tỉnh đầu tư phát triển hạ tầng, mở tuyến đường thủy (hiện có 4 doanh nghiệp lữ hành tham gia khai thác) việc đi lại, trao đổi hàng hóa trên xã đảo ngày càng thuận tiện hơn, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. “Hiện, toàn xã có 76 nhà trọ, nhà nghỉ với 639 phòng và 18 phương tiện đường thủy; 8 ô tô khách và trên 200 xe mô tô phục vụ nhu cầu đi lại tham quan trên đảo của khách du lịch. Trung bình mỗi tháng xã đón từ 5000 - 6000 lượt khách du lịch đến tham quan, lưu trú. Nhờ việc đi lại dễ dàng, khách du lịch đến ngày một đông, nhờ đó, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao. Hiện, mức thu nhập bình quân đầu người là 80 triệu đồng/năm và không còn hộ nghèo, mặc dù đời sống cư dân trên đảo chưa thật sự giàu”, ông Hận thông tin.
Nhớ lại những ngày đầu ra đảo, ông Châu Văn Phẩm (84 tuổi), ở tổ 3, ấp Bảy Ngự, xã An Sơn kể, gia đình ông ra đảo sinh sống từ những năm 1970 (ông ra đảo sống là để trốn đi quân dịch cho chế độ Việt Nam Cộng hòa), khi đó trên đảo chỉ có 6 gia đình. Cuộc sống trên đảo thời điểm đó gần như không có gì, đường thì toàn đường đất và cây rừng; nước ngọt chủ yếu là hứng nước mưa, vào mùa khô thiếu nước ngọt vô cực khổ cực; cuộc sống trên đảo phụ thuộc vào đánh bắt hải sản, việc giao thương phần lớn nhờ vào ghe nhỏ thu mua trên biển; khi có người nhà ốm đau, phải nhờ hoặc thuê thuyền lớn để vào bờ chữa bệnh… “Những năm trước, cuộc sống rất cực khổ. Giờ cuộc sống tốt hơn trước nhiều rồi. Nhất là từ năm 2013, khi cơ sở hạ tầng như: Trường học, đường sá, trạm y tế được Nhà nước đầu tư xây dựng khang trang, đời sống của nhân dân xã đã thuận lợi hơn. Tàu bè bây giờ đi lại dễ dàng, nhanh chóng nên buôn bán, đánh bắt gì cũng thuận lợi. Mình muốn mua gì chỉ cần gọi điện thoại đặt hàng, hôm sau hàng đã ra đến đảo. Nhất là những ngày gần Tết, tàu ghe tấp nập buôn bán, mình phải chuẩn bị đầy đủ các mặt hàng để bán Tết”, ông Phẩm cho biết.
Trong những năm qua, dù Nhà nước đầu tư về cơ sở hạ tầng như: Đường giao thông, trường học, trạm xá, điện, nước sinh hoạt… cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, đi lại của người dân trên đảo. Tuy nhiên, hiện xã đảo An Sơn vẫn còn rất nhiều khó khăn khi chưa có điện lưới quốc gia (điện trên đảo vẫn phụ thuộc vào nhà máy phát điện bằng dầu được xây dựng cách đây hơn 10 năm) nên không đủ phục vụ cho nhu cầu nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản và phục vụ du lịch. Bên cạnh đó, dù đã được công nhận là khu du lịch nhưng vấn đề xử lý rác đang là vấn đề tồn tại. Dù đã được đầu tư xây dựng lò xử lý rác với công suất khoảng 3 tấn/ngày, nhưng do lượng rác thải trên đảo khoảng 4 tấn/ngày, nên không xử lý kịp gây ảnh hưởng đến môi trường và thu hút khách du lịch.
Được biết, huyện Kiên Hải đang hoàn thành đề án phát triển du lịch, trong đó có xã đảo An Sơn. Trên cơ sở đó, tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch, thúc đẩy hoạt động đầu tư xây dựng hệ thống dịch vụ du lịch, tạo ra các sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng, hấp dẫn nhằm thu hút khách du lịch. Bên cạnh đó, huyện tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh phát triển sản xuất, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao giá trị thương mại, dịch vụ du lịch. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch tại các khu: Bãi Cây Mến, Bãi Đất Đỏ (An Sơn), Hòn Mấu (Nam Du)... Đầu tư phát triển du lịch sinh thái dưới tán rừng, tắm biển, ngắm rạn san hô, mô hình du lịch cộng đồng; đầu tư nuôi cá lồng bè ven biển, quanh các đảo, tạo cảnh quan để phát triển du lịch sinh thái biển đảo; phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững gắn với dịch vụ du lịch.
Trước mắt, Kiên Hải mời gọi nhà đầu tư vào các khu du lịch Bãi Bộ, Bãi Cây Mến Lớn, Ba Hòn Nồm và khu lấn biển Nam Du phát triển các loại hình du lịch sinh thái nhà vườn, sinh thái biển đảo, các dịch vụ vui chơi giải trí, làng nghề, lễ hội; lấn biển tạo quỹ đất phát triển đô thị, thương mại, du lịch... Cùng với đó, thu hút mọi nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các xã đảo: Lại Sơn, An Sơn, Nam Du; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình, dự án trọng điểm như: Hồ chứa nước Bãi Nhà (Lại Sơn), hồ chứa nước Bãi Cây Mến (An Sơn), dự án lấn biển mở rộng khu dân cư Hòn Tre, khu du lịch Bãi Chén (Hòn Tre), Trung tâm thương mại xã An Sơn... Tăng cường công tác quản lý về môi trường, tài nguyên khoáng sản, nhất là quản lý nguồn nước ngọt tại các đảo. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vệ sinh môi trường cho nhân dân, nhất trên các tuyến đường quanh đảo, xử lý rác thải tại các khu dân cư, khu du lịch và bảo vệ môi trường sinh thái biển đảo. Qua đó, tạo hình ảnh du lịch Kiên Hải - “Vịnh Hạ Long phương Nam” thân thiện, mến khách trong lòng du khách trong và ngoài nước.
Mùa xuân năm nay chắc hẳn là mùa xuân đầy niềm vui và hy vọng đối với người dân xã đảo An Sơn khi xã được công nhận xã Nông thôn mới. Trên những tuyến đường đầy sắc hoa và rợp bóng cờ bay, mọi nhà đều chuẩn bị tươm tất cho ngày Tết cổ truyền - Xuân Quỹ Mão.