Xuân ấm lòng với gia đình chính sách, hộ nghèo
- Dược liệu
- 18:35 - 01/02/2022
Đảm bảo mọi người dân đều có Tết ấm no, bình an
Đón chào năm mới 2022 và Tết cổ truyền Nhâm Dần, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 11 ngày 8/12/2021 về việc tổ chức Tết Nhâm Dần 2022 nhằm chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ nhân dân đón mừng năm mới 2022 và vui xuân, đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân theo tinh thần tương thân tương ái. Quan tâm, chăm lo cho các gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; hộ nghèo, đồng bào các địa phương bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; công nhân, người lao động làm việc tại các KCN, KCX, cụm công nghiệp. Đặc biệt, chăm lo, thăm hỏi các gia đình có người thân, trẻ em có cha mẹ mất do dịch Covid-19... bảo đảm mọi nhà, mọi người đều được vui xuân đón Tết. Cùng với đó, tổ chức tốt việc thăm hỏi, chúc Tết các đối tượng, gia đình chính sách, lực lượng đang ở tuyến đầu chống dịch.
Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 2408/QĐ-CTN ngày 27/12/2021 về việc tặng quà cho một số đối tượng có công với cách mạng nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.
Theo đó, mức quà 600 nghìn đồng tặng người có công với cách mạng, gồm: Người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945 đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng 8/1945 đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng…
Mức quà 300 nghìn đồng tặng người có công với cách mạng, gồm: Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 80% trở xuống đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Thương binh đang hưởng chế độ mất sức lao động; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 80% trở xuống đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Người có công giúp đỡ cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Đại diện thân nhân liệt sĩ và người thờ cúng liệt sĩ (trường hợp liệt sĩ không còn thân nhân) cũng được nhận mức quà tặng 300 nghìn đồng.
Để không ai bị bỏ lại phía sau
Dù còn nhiều khó khăn do vừa tập trung phòng, chống dịch Covid-19, vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, nhưng TP. Hà Nội đã dành hơn 395 tỷ đồng tặng quà cho gần 915.000 đối tượng chính sách trên địa bàn Thành phố dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Tương tự, dịp xuân Nhâm Dần năm 2022, tỉnh Sóc Trăng cũng đã tổ chức thăm, tặng quà Tết cho người có công với cách mạng; chúc thọ người cao tuổi tròn 100 tuổi và tròn 90 tuổi; thăm, tặng quà Tết các cơ quan, đơn vị; tặng quà trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; tặng quà Tết hộ nghèo, hộ cận nghèo; tặng quà các cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập… Tổng kinh phí thực hiện trên 21,4 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương, địa phương, xã hội hóa.
Đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, TP. Hồ Chí Minh cũng đã dành khoảng 900 tỷ đồng chăm lo cho người dân đón Tết. Bên cạnh nguồn chăm lo Tết từ ngân sách Thành phố và Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hồ Chí Minh, còn có sự chung tay từ cộng đồng xã hội, các nhà hảo tâm, doanh nghiệp. Các quận, huyện và phường, xã cũng sáng tạo nhiều cách chăm lo. Cùng với tặng quà các gia đình chính sách, Thành phố có phần quà Tết trị giá 1,15 - 1,25 triệu đồng/hộ gửi tới các hộ nghèo, hộ vừa thoát chuẩn nghèo, cận nghèo (khoảng 58.000 hộ). Như vậy số hộ nghèo, cận nghèo được chăm lo Tết tăng hơn 26.300 hộ do đời sống người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Các trường hợp thuộc diện bảo trợ xã hội, người khuyết tật, người già trên 80 tuổi trở lên được nhận phần quà Tết 1,15 triệu đồng/người.
Tỉnh Cà Mau cũng chi gần 30 tỷ đồng hỗ trợ, tặng quà các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội khác trên địa bàn tỉnh. Người có hệ số mức lương dưới 2,34 đều có quà Tết. Trong dịp Tết, tỉnh tạm dừng một số hoạt động hoặc hạn chế số lượng tổ chức buổi họp mặt, thăm viếng các đối tượng, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Thay vào đó là tập trung chăm lo cho các đối tượng chính sách, người có công, hộ nghèo… trên tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau” và “ai cũng có Tết”.
Nghệ An cũng đã dành gần 78 tỷ đồng thăm, tặng quà người có công và đối tượng xã hội trên địa bàn tỉnh. Trong đó, quà tặng của Chủ tịch nước do ngân sách trung ương đảm bảo cho 89.913 người là trên 27,605 tỷ đồng. Thăm, tặng quà Tết của Chủ tịch UBND tỉnh; hỗ trợ hộ nghèo đón Tết, chúc thọ người cao tuổi do ngân sách tỉnh đảm bảo là trên 29,1 tỷ đồng. Tặng quà Tết (do ngân sách cấp huyện, xã đảm bảo) cho các đối tượng với kinh phí là hơn 21 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tỉnh trình Chủ tịch nước tặng thiệp mừng thọ cho 763 người tròn 100 tuổi; trình Chính phủ hỗ trợ trên 1.202 kg gạo cứu đói cho 19.259 hộ, 80.154 nhân khẩu bị thiếu đói. Trong đó, hỗ trợ gạo dịp Tết cho 18.372 hộ, 76.046 nhân khẩu với trên 1.140 kg gạo; hỗ trợ gạo do ảnh hưởng dịch Covid-19 đợt 3 năm 2021 cho 887 hộ, 4.108 nhân khẩu với 61.620 kg gạo.
Tương tự, TP. Đà Nẵng chi ngân sách gần 75 tỷ đồng tặng quà các đối tượng chính sách, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội. Người có công được nhận hỗ trợ ở mức từ 550.000 đồng đến 2,5 triệu đồng/người. Đối tượng bảo trợ xã hội, công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em nghèo được hỗ trợ từ 300.000 - 600.000 đồng/người…
Để góp phần ổn định đời sống nhân dân dịp Tết và giáp hạt đầu năm 2022, Bộ LĐ-TB&XH đã có công văn gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc trợ giúp xã hội dịp Tết. Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị các địa phương rà soát, tổng hợp số hộ, số khẩu có nguy cơ thiếu đói; chủ động huy động nguồn lực, trong đó có ngân sách địa phương để hỗ trợ kịp thời cho các hộ thiếu đói, nhất là các hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch thăm hỏi, tặng quà và trợ giúp xã hội trong dịp Tết; vận động các tổ chức, cá nhân và bố trí ngân sách địa phương chăm lo Tết cho đối tượng bảo trợ xã hội, người có hoàn cảnh khó khăn, người nghèo… bảo đảm ai cũng có Tết.
Một mùa xuân mới nữa lại về, không khí Tết Nguyên đán rộn ràng khắp nơi. Xuất phát từ mục đích chăm lo cho các gia đình chính sách, người nghèo có một cái Tết trọn vẹn, ý nghĩa, cùng với các hoạt động mừng Đảng, mừng xuân, việc chăm lo Tết cho nhân dân, đặc biệt là những hộ nghèo, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn được đã được Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp chăm lo để mọi nhà đều được đón tết ấm áp, trọn vẹn.