Xuân ấm chốn non sâu
- Tây Y
- 06:48 - 23/01/2023
Vững lòng vượt gian khó
Khi mới thành lập (năm 2005), Tu Mơ Rông là huyện miền núi đặc biệt khó khăn với dân số gần 30.000 người, đồng bào dân tộc thiểu số trên 95%, chủ yếu là dân tộc Xơ Đăng. Những ngôi làng yên bình dưới thung lũng, ven núi hay lẻ loi giữa những tán rừng xanh thẳm như ôm ấp, chắn che cho bao phận người. Có một thời, nhắc đến vùng đất này còn gợi lên sự khắc nghiệt của thiên tai, “cái rốn lũ” của Tây Nguyên. Nhưng xuân 2023, cuộc sống đã dần đổi khác. Các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực được tập trung phát triển, đặc biệt là sản phẩm “Quốc bảo” Sâm Ngọc Linh và các sản phẩm dược liệu đặc hữu khác được chú trọng.
Nỗi ám ảnh cách trở cũng dần xóa nhòa khi những tuyến đường giao thông dẫn đến tận các thôn, làng vùng sâu, vùng xa đã được xây dựng. Lưới điện kéo đến từng nhà. 100% thôn có điện, không còn hộ đói. Giấc mơ ấm no trên chính quê hương dần được hiện thực hóa. Ði qua bao thăng trầm, anh A Phú và nhiều cư dân xã Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông) chia sẻ: Trước đây, cuộc sống bộn bề gian khó, bám lấy nương rẫy bằng các phương thức sản xuất thủ công, miệt mài đổ sức lao động nhưng thành quả không cao. Nhưng nay đã khác, người dân dần làm quen với phương pháp nuôi - trồng theo khoa học kỹ thuật, đặc biệt đã mặn mà với việc trồng cây sâm Ngọc Linh, mở ra hướng thoát nghèo bền vững. Xuân này hứa hẹn nhiều ấm áp.
Ngước nhìn những mầm xanh của khóm sâm Ngọc Linh, chị Y Diêm (xã Măng Ri) tự tin: “Nhiều nhà nghèo đều được hỗ trợ giống để trồng loại cây quý hiếm này. Việc chăm sóc và bảo vệ sâm cũng được cộng đồng người Xơ Đăng thực hiện tốt. Chẳng mấy chốc, cuộc sống rồi sẽ ấm no”.
Nhiều hộ dân khác ở các xã Tê Xăng, Ngọc Lây, Ngọc Yêu… vốn quen bốn mùa vỡ vạc, bồi đắp những thửa ruộng bạc màu cũng cho biết, Nhà nước hướng dẫn gì là nhiệt liệt thi đua làm theo, quyết từ bỏ mọi hủ tục lạc hậu. Trước kia, đâu đó trong những con hẻm nhỏ, những quán xá tạm bợ còn tình trạng uống rượu cồn đến mềm môi nhưng giờ không còn nữa.
Anh A Thanh (xã Ngọc Yêu) đúc rút, cứ bền bỉ sản xuất, sẻ chia kinh nghiệm cùng nhau thì làng này nối xóm kia đời sống sẽ tươi đẹp dần lên. Nhiều thời điểm, nơi đây mưa kéo về, nước tràn khắp nơi, sự khắc nghiệt như kéo đến tận cùng các ngõ ngách. Thế nhưng, không ai nhụt chí cả.
Trong hành trình tạo nên chuyển biến cho buôn làng, Tu Mơ Rông còn quyết tâm không để hộ dân nào “thiếu Tết”. Những gia đình khó khăn, hàng năm áp Tết, chính quyền địa phương thường động viên, tặng quà. Nhiều mạnh thường quân cũng đến để sẻ chia những món quà thiết thực.
Chăm lo thế hệ tương lai, giữ gìn những “đặc sản”
Cùng với lo “ấm cái bụng, chắc cái nhà”, những người Xơ Đăng cần mẫn và chân chất đã biết trang bị “con chữ” và sức khỏe cho con em mình, đồng thời giữ gìn nghề đặc trưng như: Dệt thổ cẩm, tạc tượng, cồng chiêng…
Nhiều người Xê Đăng ở xã Tê Xăng chung một quyết tâm bỏ tư tưởng “trời sinh voi, sinh cỏ”. Nhà nọ động viên nhà kia có con em đến tuổi đi học mầm non thì đưa đến trường ngay, khơi dậy sở thích trường lớp ngay từ khi trẻ thơ.
Sau những giờ lao động cần mẫn, những tiết học bổ ích ở trường, các nghệ nhân tạc tượng, đánh chiêng ở Tu Mơ Rông lại miệt mài bồi đắp tâm hồn cho giới trẻ, thanh thiếu niên, cộng đồng bằng những tác phẩm giàu giá trị nhân văn. Đó chính là những “đặc sản” tinh thần.
Nghệ nhân tạc tượng A Đoàn (xã Đắk Hà) bộc bạch, nghề này rất độc đáo, là “đặc sản” của chốn non sâu này. Thật ra, bây giờ gọi là nghề chứ trong ý nghĩ của chúng tôi, đó là công việc tự thân phải làm. Công việc ngấm vào máu từ lúc cất tiếng khóc chào đời. Không chỉ tạc những điều mình thích mà xuyên bao mùa mưa nắng, những thế hệ giữ nghề như A Đoàn còn rong ruổi khắp buôn sâu, rừng thẳm “chụp” lại những nét đẹp của Tây Nguyên vào ý nghĩ của mình rồi về tái hiện vào những bức tượng tạc.
A Đoàn bảo rằng, ánh mắt cháy bỏng đam mê của những nghệ nhân hát kể sử thi, dáng ngồi gõ chiêng của những người đàn ông lưng trần hay thần thái của những người phụ nữ vừa phát rẫy, vừa dỗ dành con… chính là những vẻ đẹp hồn hậu, phóng khoáng và nhân từ cần giữ lại. Nghệ nhân đưa tất cả nét đẹp này vào từng tượng gỗ. Mỗi bức tượng được tạc ra đều mang thông điệp cho hiện tại và tương lai. Như tượng “Người đàn bà chịu khó” muốn gửi thông điệp về nét đẹp thánh thiện và đáng kính nhất của phụ nữ Tây Nguyên, đó là cần cù và chịu khó. Lớp trẻ giờ ham chơi lắm, còn học đòi nhiều thói hư. Bức tượng này như lời nhắc nhở họ hãy quay về vẻ đẹp giản dị của mình.
Theo UBND huyện Tu Mơ Rông, các nét văn hóa đặc trưng luôn được bồi đắp, gìn giữ. Việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa gắn với thu hút đầu tư phát triển du lịch. Bên cạnh đó, để tạo ra những chuyển biến mạnh cho vùng sâu này, việc nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã và đang được triển khai; hình thành chuỗi giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh Chương trình OCOP. Phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 40 triệu đồng/năm; sản lượng cà phê đạt trên 2.470 tấn, mì đạt trên 28.220 tấn, sâm Ngọc Linh trồng đạt 1.210ha (trong đó, nhân dân trồng khoảng 40ha) và các dược liệu khác trên 860ha...