THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:55

Xử rap "nhảm" cần có công cụ phù hợp

Gần như cùng lúc, rapper Chị Cả đã nhận quyết định xử phạt hành chính 35 triệu đồng vì lưu hành bản ghi âm, ghi hình trái thuần phong mỹ tục.

  Gần đây, trên các nền tảng công nghệ truyền thông xuất hiện khá nhiều các bản rap có nội dung dung tục, xúc phạm tôn giáo, cổ xúy các hành vi phản đạo đức... Mới đây, nhóm Rap Nhà Làm gây bức xúc trên mạng xã hội, đặc biệt là cộng đồng phật tử về bài rap bị cho là có nội dung xúc phạm tôn giáo, báng bổ đạo Phật, xuyên tạc hình ảnh của Đức Phật. Trước áp lực của dư luận, nhóm này sau đó đã đăng tải lời xin lỗi trên mạng xã hội và gỡ bài gây bức xúc ra khỏi các nền tảng mạng. Tuy nhiên, bài hát vẫn được các tài khoản khác đăng tải.

  Cùng thời gian, một làn sóng chỉ trích nặng nề trên mạng xã hội đã nhắm vào bản rap Censored của Chị Cả vì những ngôn từ tục tĩu, nội dung phản cảm, cổ xúy loạn luân.

Rapper Chị Cả - tác giả ca khúc Censored đang gây tranh cãi trên mạng xã hội.

Rapper Chị Cả - tác giả ca khúc Censored đang gây tranh cãi trên mạng xã hội.

  Thật ra, những bản rap vừa "gây bão" dư luận không phải mới xuất hiện mà đã tồn tại khá lâu trên mạng. Như bản rap Censored của Chị Cả đã "trình làng" từ năm ngoái và đã từng gây tranh cãi trong dư luận. Thế nhưng cho đến giờ, khi dư luận lên tiếng phản đối dữ dội thì chủ nhân của những "sản phẩm" này mới bị xử phạt.

  Theo một số người làm nghệ thuật, tình trạng phổ biến các sản phẩm âm nhạc, trong đó có nhiều bản rap mang nội dung phản cảm, vô văn hóa đã tồn tại từ rất lâu, được phổ biến rộng rãi trong cộng đồng, nhất là giới trẻ. Người viết còn nhớ cách đây 20 năm từng xuất hiện một bản rap với nhiều lời lẽ chửi bới, kỳ thị địa phương được lưu truyền khá rộng rãi. Hồi đó chưa có mạng xã hội nhưng bản rap này cùng một số bản nhạc nhảm nhí khác vẫn được nhiều người trẻ phát tán. Điều đáng lo ngại là không ít "tác phẩm" đó đã trở thành "món ăn tinh thần" của một số người trẻ.

  Trước tình hình này, mới đây Cục Nghệ thuật biểu diễn đã có văn bản đề nghị Thanh tra Bộ VH-TT&DL kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân cung cấp các sản phẩm có nội dung vi phạm quy định pháp luật về nghệ thuật biểu diễn, vi phạm chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục trên các nền tảng mạng xã hội. Đại diện cơ quan chức năng cho biết, những vi phạm này sẽ không chỉ xử phạt hành chính, về lâu dài cần có chế tài quản lý chặt chẽ, rõ ràng hơn để tránh ảnh hưởng đến công chúng và nghệ sĩ.

  Đó là việc cần thiết để bảo vệ sự trong sáng, lành mạnh của văn hóa. Tuy nhiên, để tránh tình trạng bị lạm dụng, suy diễn dẫn tới hạn chế quyền tự do sáng tạo, cơ quan chức năng cần làm rõ một số khái niệm, như: Thế nào là "trái thuần phong mỹ tục", thế nào là "vi phạm chuẩn mực đạo đức xã hội"… Bởi đây là các khái niệm rất khó định tính, định lượng.

  Nếu không làm rõ được các khái niệm khá "mơ hồ" và có thể được suy diễn theo nhiều cách khác nhau thì việc xác định vi phạm cũng như khung hình phạt sẽ gặp khó khăn. Vì vậy, để xử phạt được những bản rap "nhảm" nói riêng, những "sản phẩm phản văn hóa" nói chung, trước hết cần phải có những công cụ phù hợp - những công cụ văn hóa chứ không chỉ là những mệnh lệnh hành chính.

BẢO KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh