THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:18

Xử nghiêm hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam

Theo đó, Cục Quản lý thị trường thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nội địa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hoạt động buôn lậu, sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam; tăng cường tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân kinh doanh, không vận chuyển, kinh doanh, buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam.

Xử nghiêm hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra hàng hóa.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng cũng tăng cường tuần tra kiểm soát, quản lý chặt chẽ, chốt chặn tại một số đường mòn trọng điểm, ngăn chặn tình trạng vận chuyển hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam qua biên giới, cửa khẩu; xử lý các đối tượng lợi dụng việc xuất, nhập khẩu để vận chuyển trái phép hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam; xử lý nghiêm các hành vi tàng trữ, lưu thông, bày bán hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam trên thị trường ở khu vực biên giới.

Ngành hải quan và ngành thuế chủ động thu thập và trao đổi thông tin, nắm chắc tình hình địa bàn để kiểm tra, kiểm soát, phát hiện các dấu hiệu nghi vấn, các hành vi sản xuất hàng giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu, nhập khẩu; kiểm tra chặt chẽ việc khai báo mã phân loại hàng hoá cho các mặt hàng nhập khẩu của doanh nghiệp, không để các đối tượng cố tình khai báo sai mã HS của nguyên liệu nhập khẩu để làm căn cứ xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu.

Ngành thuế kiên quyết không để các đối tượng lợi dụng hóa đơn quay vòng để hợp thức các loại hàng hóa nhập lậu, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp làm căn cứ xác định nguồn gốc nguyên vật liệu đầu vào trong nước để giả mạo nhãn mác, xuất xứ hàng Việt Nam.

Đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, Sở Công Thương tăng cường quản lý giám sát về điều kiện hoạt động thương mại điện tử các mô hình hoạt động kinh doanh dựa trên ứng dụng công nghệ số để kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam; tiếp tục thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động các doanh nghiệp, hộ kinh doanh không buôn bán, vận chuyển hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam.

Sở Thông tin và Truyền thông xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội; tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở in nhằm phát hiện hành vi in lậu, in tem nhãn, bao bì giả; kiểm tra việc thực hiện dán nhãn hàng hóa đối với các đơn vị sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thiết bị viễn thông, công nghệ thông tin trước khi phân phối sản phẩm ra thị trường; tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật liên quan và tác hại của việc sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân kinh doanh, người tiêu dùng trong việc lựa chọn sản phẩm.

Các cơ quan chức năng tăng cường quản lý về nhãn hàng hóa; quy định các tiêu chí về ghi nhãn hàng hoá "Made in Việt Nam" hoặc "hàng hoá Việt Nam chất lượng cao" hoặc tiêu chí ghi nhãn hàng hóa bằng tiếng nước thứ ba khi nhập khẩu hoặc quy định về việc đặt gia công, ủy thác sản xuất hàng hóa từ nước ngoài..., tránh việc các đối tượng lợi dụng để vi phạm và tạo thuận lợi cho các lực lượng chức năng trong quá trình kiểm tra, kiểm soát xử lý vi phạm.

Ngoài ra, Ủy ban nhân dân Thành phố cũng yêu cầu Ủy ban nhân dân các quận huyện tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động vận chuyển, sản xuất, buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam trên địa bàn.

KHÁNH VÂN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh