THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:29

Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATVSLĐ: Chưa đủ sức răn đe

Nhiều doanh nghiệp sai phạm

Theo ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH), thông qua công tác thanh, kiểm tra cho thấy vẫn còn có nhiều doanh nghiệp vi phạm pháp luật về ATVSLĐ. Thống kê tại một số tỉnh trong giai đoạn 2013-2016 cho thấy, Hải Dương đã phạt 80 trường hợp với số tiền hơn 3 tỉ đồng; Đồng Nai phạt 213 trường hợp với số tiền hơn 6 tỉ đồng; ở TP. Hồ Chí Minh phạt 329 trường hợp với số tiền gần 6 tỉ đồng.

Các hành vi vi phạm chủ yếu là: Không tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động, không định kỳ kiểm định kỹ thuật an toàn đối với máy móc thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt, không xây dựng kế hoạch ATVSLĐ theo quy định, không thực hiện khám sức khoẻ định kỳ cho người lao động hoặc khám không đủ số lượt, không tiến hành đo lường các yếu tố có hại tại nơi làm việc, không trang bị phương tiện kỹ thuật y tế phục vụ ứng cứu sơ cứ khi xảy ra tai nạn, không thực hiện quan trắc môi trường tại nơi làm việc, không tổ chức đánh giá, kiểm soát yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc...

Không tiến hành đo lường các yếu tố có hại nơi làm việc là lỗi thường vi phạm

Hiện nay, công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATVSLĐ chủ yếu được áp dụng theo Nghị định số 95/2013/NĐ-CP và sửa đổi tại Nghị định số 88/2015/NĐ-CP, trong đó quy định xử phạt vi phạm hành chính trong ba lĩnh vực là lao động, BHXH, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, việc áp dụng Nghị định này đã bộc lộ nhiều bất cập, như: Một số hành vi vi phạm có mức xử phạt còn thấp, không đủ tính răn đe và không tương xứng với mức độ vi phạm; Thẩm quyền xử phạt của chánh thanh tra sở thấp, thời hạn kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính đến ngày ra quyết định xử phạt ngắn dẫn đến khó khăn cho đối tượng vi phạm khắc phục và thực hiện việc giải trình; Trang thiết bị, máy móc phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra ATVSLĐ còn thiếu, một số hành vi chủ yếu chỉ nhìn bằng mắt thường, do đó thiếu tính thuyết phục trong việc chỉ ra lỗi đối với doanh nghiệp; Một khó khăn nữa là việc mời người làm chứng khi lập biên bản vi phạm hành chính mà đối tượng vi phạm không ký biên bản tại các doanh nghiệp…

Trước những bất cập nêu trên, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng: Chế tài xử phạt chưa tương xứng với mức độ vi phạm về tai nạn lao động. “Cần phải tăng cường, xử ký nghiêm hơn nữa những hành vi vi phạm ATVSLĐ, hiện nay các hành vi này vẫn còn khác phổ biến, nguyên nhân là do chung ta chưa xử lý kịp thời, chưa nghiêm minh nên chưa phát huy được tác dụng răn đe”, ông Quảng nhấn mạnh.

Cần có chế tài đủ mạnh

Đại biểu Vũ Thị Minh Hòa, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai cho rằng: Thực tế cho thấy đã có doanh nghiệp không thực hiện quan trắc môi trường, hoặc có nhưng theo kiểu đối phó, thuê một đơn vị nào đó quan trắc rồi bỏ tiền ra mua kết quả. Khi đoàn kiểm tra đến, nhìn bên ngoài cũng đủ nhận ra sai rồi nhưng họ lại đưa bằng chứng mua được ra đổi đối phó, với những trường hợp này cũng cần có chế tài xử phạt.

Huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động (ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, bà Hòa cũng cho rằng, thẩm quyền xử phạt của chánh thanh tra sở là quá thấp, chỉ với 37,5 triệu đồng là rất khó. Bởi khi kiểm tra thường phát hiện doanh nghiệp vi phạm với mức phạt lớn hơn, nhưng muốn xử phạt lại phải đề xuất lên UBND tỉnh, điều này mất rất nhiều thời gian, gây phiền hà, cho nên cũng cần tăng thẩm quyền của chánh thanh tra sở.

Cũng đi sâu vào phân tích yếu tố làm giả mạo giấy tờ kiểm định, ông Phan Đăng Thọ, Phó Chánh thanh tra Bộ LĐ-TB&XH kể câu chuyện xảy ra tại Khu công nghiệp Fomosa (Hà Tĩnh), đó là việc công nhân chưa từng đi học nhưng vẫn có giấy tờ chứng minh đã học qua lớp tập huấn ATVSLĐ. Đây là điều vô lý, nếu không xử lý thì nó sẽ trở thành vấn nạn.

Dưới một góc độ khác, ông Thọ nhấn mạnh đến một số bất cập trong công tác xử lý vi phạm hành chính như: Việc huấn luyện không đúng nội dung, chương trình về ATVSLĐ, giảng viên không đảm bảo, không đáp ứng chuẩn về yêu cầu; Hoặc như doanh nghiệp không xây dựng niêm yết nội quy quy định đảm bảo ATVSLĐ phù hợp với từng loại máy thiết bị lao động. Một ví dụ điển hình như vừa rồi có hàng loạt vụ nổ nồi hơi như ở Thái Nguyên, Thái Bình, khi cơ quan điều tra vào doanh nghiệp mới thừa nhận chỉ dạy vài câu sơ sài cho người lao động mà thôi, tuy vậy hậu quả rất nặng nề.

Trả lời báo chí bên lề Hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết: Trong quá trình xử lý vi phạm ATVSLĐ, cơ quan, người có thẩm quyền luôn chú trọng đến công tác tuyên truyền, nhắc nhở, giáo dục các đối tượng vi phạm, để họ hiểu và tự giác chấp hành các quy định của pháp luật, với những vi phạm nhỏ thì có thể nhắc nhỡ lần đầu. Tới đây, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tập trung vào một số trọng tâm như: Tăng cường tuyên truyền, tập huấn chính sách, đồng thời xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn pháp luật về ATVSLĐ một cách kịp thời, đầy đủ; Rà soát Luật ATVSLĐ và Luật BHXH 2014 để bổ sung các hành vi vi phạm nhằm đảm bảo tính tuân thủ pháp luật của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Bên cạnh đó để sửa đổi các hành vi vi phạm đã được quy định trong Nghị định số 95/2013/NĐ-CP và Nghị định số 88/2015/NĐ-CP cho thống nhất với Luật ATVSLĐ và Luật BHXH 2014; Tăng cường biên chế cho hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các hành vi vi phạm pháp luật về ATVSLĐ nói riêng và pháp luật về lao động nói chung; Đồng thời tăng thẩm quyền xử phạt của người có thẩm quyền so với quy định hiện hành; Tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động (đặc biệt là các hành vi vi phạm chủ yếu) để đảm bảo tính răn đe đối với đối tượng vi phạm…

VĂN NGHĨA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh