THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:03

Xử lý không có “vùng cấm”, tham nhũng có xu hướng thuyên giảm

 

Nhiều vụ án tham nhũng lớn được phát hiện và xử lý nghiêm minh

Theo Báo cáo phòng, chống tham nhũng của Chính phủ, trong năm 2018, các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành 3.141 cuộc kiểm tra việc thực hiện, phát hiện 435 vụ việc vi phạm, số người vi phạm là 377 người, kiến nghị xử lý kỷ luật 85 người, kiến nghị thu hồi và bồi thường 87,4 tỷ đồng. Số người đã kê khai, công khai tài sản, thu nhập đạt tỷ lệ 99,8%; có 44 người được xác minh tài sản, thu nhập, phát hiện 6 trường hợp vi phạm. Đã có 29 người đứng đầu đã bị xử lý hoặc đang được xem xét để xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó 5 người bị xử lý hình sự, 21 người đã bị xử lý kỷ luật, 3 người đang thực hiện quy trình xử lý kỷ luật.

Cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã giải quyết 18.496 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đạt tỉ lệ trên 79,6%. Thông qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, khôi phục quyền lợi cho công dân 118 tỷ đồng, 102 ha đất; bảo vệ quyền lợi chính đáng cho 2.188 người, kiến nghị xử lý hành chính 261 cá nhân có vi phạm.

Về phát hiện và xử lý tham nhũng, theo Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, qua việc tự kiểm tra nội bộ phát hiện 19 vụ, 21 đối tượng (tăng 26,7% số vụ); qua hoạt động thanh tra đã phát hiện 67 vụ, 76 đối tượng tham nhũng và liên quan đến tham nhũng (tăng 52,2% số vụ); Qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện 34 vụ, 63 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng (tăng 100% số vụ). Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân đã thụ lý điều tra 378 vụ án, 770 bị can phạm tội về tham nhũng…

Ghi nhận những kết quả đạt được, Ủy ban Tư pháp – cơ quan thẩm tra báo cáo cũng đánh giá việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng đã có những chuyển biến tích cực. Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, nghiêm trọng, phức tạp, gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước, nhiều vụ vi phạm liên quan đến cán bộ cao cấp, sĩ quan cao cấp trong Công an, Quân đội, kể cả cán bộ đã nghỉ hưu… được phát hiện và xử lý nghiêm minh.Điều đó thể hiện nhất quán quan điểm “nói đi đôi với làm”, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” – báo cáo thẩm tra nhấn mạnh; đồng thời dẫn chứng Tổ chức minh bạch quốc tế cũng đã xếp hạng về chỉ số cảm nhận tham nhũng năm 2017 của Việt Nam là 35/100 điểm, tăng 2 điểm.

 

Vụ án Trịnh Xuân Thanh được đưa ra xét xử đã nhận được sự đồng tình của nhân dân 


Một điểm nữa đáng ghi nhận là công tác thanh tra, kiểm toán tiếp tục được tăng cường, tập trung vào các lĩnh vực có nhiều dư luận về tiêu cực, tham nhũng; đẩy nhanh tiến độ thanh tra, kiểm toán các vụ việc phức tạp, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Đơn cử như Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra và công khai kết luận thanh tra vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG; kiểm tra và công khai kết luận kiểm tra vụ việc liên quan đến khiếu nại về Khu đô thị mới Thủ Thiêm; cơ bản hoàn thành việc thanh tra, kiểm toán kết luận thanh tra, kiểm toán các dự án thua lỗ, thất thoát lớn… đã nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của dư luận.

Những kết quả đạt được trong công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua đã có tác động mạnh mẽ, cảnh tỉnh, răn đe, ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, góp phần làm trong sạch bộ máy Đảng và Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường an ninh - quốc phòng, đối ngoại.

“Tham nhũng vặt” gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp chưa được ngăn chặn hiệu quả

Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo của Chính phủ cũng chỉ rõ, công tác phòng chống tham nhũng còn một số hạn chế trong công tác tuyên truyền, giáo dục và phòng chống tham nhũng hiệu quả chưa cao; các biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa phát huy toàn diện. một số biện pháp hiệu quả thấp.

Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc (“tham nhũng vặt”) chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn nhiều hạn chế, yếu kém. Hoạt động thanh tra, kiểm toán phát hiện nhiều sai phạm kinh tế, nhưng việc phát hiện tham nhũng để chuyển cơ quan điều tra xử lý theo quy định pháp luật vẫn còn ít, chậm trễ. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng có tiến bộ đáng kể nhưng còn thấp hơn nhiều giá trị tài sản bị chiếm đoạt, gây thiệt hại…

Liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu, năm 2018 có  29 người đã bị xử lý hoặc đang được xem xét để xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó 5 người bị xử lý hình sự, 21 người đã bị xử lý kỷ luật, 3 người đang thực hiện quy trình xử lý kỷ luật. Điều này được đánh giá là chưa tương xứng với các vụ việc, vụ án tham nhũng bị phát hiện, xử lý, có dấu hiệu bỏ lọt việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu.

Ngoài ra, mặc dù Luật Phòng chống tham nhũng đã quy định người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu không được tham gia thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp, không được để người thân thích kinh doanh trong các ngành nghề thuộc lĩnh vực mình trực tiếp phụ trách... nhưng qua giám sát, phản ánh của dư luận, cử tri và báo chí cho thấy, việc thực hiện các quy định này còn chưa nghiêm, có biểu hiện “nhóm lợi ích”, móc ngoặc giữa khu vực nhà nước và doanh nghiệp tạo “sân sau”, “công ty gia đình”, dùng ảnh hưởng của mình để đấu thầu cho các dự án, thâu tóm đất công, cho vay sai nguyên tắc, rút tiền của nhà nước…

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh