CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 12:26

Báo chí: Công cụ quan trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng

 

"Nếu như Đảng, Nhà nước luôn xác định báo chí là một lực lượng xung kích trong công tác tư tưởng của Đảng thì những vấn đề báo chí nêu luôn luôn có giá trị cho công tác lãnh đạo, quản lý của cơ quan Đảng, Nhà nước. Cái gì báo chí làm tốt, cái gì báo chí phản ánh tốt, đúng thì cần phải lắng nghe,  giải quyết như thế nào và phản hồi ra sao. Những vấn đề gì báo chí nêu, chưa làm được, chưa có kết quả cũng phải thông tin lại cho báo chí biết. Để làm sao những vấn đề của chúng ta nêu lên không rơi vào im lặng, không rơi vào quên lãng”.

(Bí thư TƯ Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng)


"Nhìn tổng thể báo chí chúng ta không cô đơn trong cuộc chiến chống tham nhũng. Chúng ta được sự khích lệ của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, được sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, được sự bảo vệ của đồng chí, đồng nghiệp, của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Nếu không có những yếu tố đó thì thật sự chúng ta không thể dấn thân vào cuộc chiến cam go như vậy".

(Phó Chủ tịch thường trực  Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi)

 

Ông đánh giá thế nào về vai trò của báo chí trong cuộc chiến chống tham nhũng thời gian qua?

- Qua thực tiễn phòng chống tham nhũng trong thời gian vừa qua, có thể nói ngoài vai trò khởi xướng, lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là vai trò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với tư cách là Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng thì vai trò thứ hai phải nói đến là vai trò của báo chí. Báo chí thể hiện vai trò của mình thông qua việc phản ánh các sự kiện, tin tức một cách trung thực, ở đây chính là những phản ánh của nhân dân, ý chí của nhân dân và các vụ việc xảy ra trên thực tiễn. Đó chính là công cụ về thông tin rất quan trọng để đấu tranh chống lại các hành vi tham nhũng, lạm dụng quyền lực trong xã hội. Rõ ràng, thời gian qua những vụ việc tham nhũng, lộng hành quyền lực chủ yếu được phát hiện từ kênh báo chí với sự hỗ trợ của nhiều tầng lớp nhân dân và cả sự chủ động, tích cực của đội ngũ phóng viên báo chí. Báo chí không chỉ được hỗ trợ về việc đưa tin mà còn hỗ trợ cả thông tin để xác minh điều tra trong quá trình phát hiện các vụ việc tham nhũng.

Theo ông, hiệu quả các vụ việc phản ánh trên báo chí đến đâu? Cụ thể là việc xử lý những thông tin mà báo chí đã nêu?

- Hiện nay, phản ánh các vụ việc tham nhũng thường được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước chú ý  quan tâm. Đối với những vụ việc mà báo chí đưa tin có căn cứ thường là cơ sở để lãnh đạo Đảng, Nhà nước có những chỉ đạo kịp thời trong việc xác minh, điều tra để xác định các hành vi tham nhũng. Rõ ràng, đây là kênh thông tin rất quan trọng, nó phản ánh đúng sự việc, đúng hiện tượng. Và  bản chất của sự việc đó có đúng hay không thì rõ ràng phải có vai trò vào cuộc của các cơ quan chức năng của nhà nước.

 

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân


Tuy nhiên, vì báo chí không có công cụ hỗ trợ như các cơ quan hành pháp nên nhà báo làm công việc này cũng phải đối mặt với rất nhiều nguy hiểm. Theo ông, làm thế nào chúng ta có thể bảo vệ nhà báo tốt hơn và để báo chí có thể tham gia nhiều hơn nữa vào cuộc chiến chống tham nhũng mà Đảng, Nhà nước đang phát động?

- Luật Báo chí đã quy định trách nhiệm, quyền hạn của nhà báo cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức cá nhân trong việc bảo đảm cho tác nghiệp của nhà báo. Và đồng thời quy định cả những cơ chế bảo vệ cho nhà báo. Nhưng cũng có những điều khoản ngăn cấm việc nhà báo lợi dụng quyền hạn, chức năng của mình để phản ánh sai sự thật, rồi cả những tiêu cực của báo chí khi cấu kết với những hành vi tiêu cực khác để một mặt che đậy hành vi tham nhũng, một mặt phản ánh sai sự thật...

Như vậy, rõ ràng về mặt pháp luật thì rất tường minh, nhưng trong hành xử của mỗi cá nhân, tổ chức thì không hẳn ở đâu và lúc nào cũng tuân thủ theo các quy định của pháp luật. Chính vì vậy, việc bảo đảm cho các nhà báo, các phóng viên được tác nghiệp theo đúng quy định của Luật Báo chí thì phải có cơ chế bảo vệ họ. Chẳng hạn như vụ PMU18 thì nhóm phóng viên phản ánh sự thật nhưng có sự bưng bít của một số cá nhân nhân danh tập thể đã làm cho tính liên tục trong việc đưa tin, bài của phóng viên bị cắt khúc. Và sau này người ta đã lạm dụng quyền lực để khởi tố nhà báo. Đấy là một hiện tượng phản ánh những tiêu cực trong việc lạm quyền để cản trở hoạt động của báo chí.

Nhưng ngược lại, vụ báo chí đưa tin về hàm lượng asen trong nước mắm truyền thống thì rõ ràng là báo chí, ở đây tôi không nói là hoạt động báo chí nói chung mà hành vi của một số phóng viên tiêu cực có sự tiếp tay của các nhóm lợi ích để chi phối sự thật, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng hóa lưu thông có nguồn gốc, có chất lượng mà đấy là hàng hóa truyền thống của nhân dân, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân cũng như thiệt hại cho nền kinh tế.  Hay vụ việc xử lý nhà báo ở Yên Bái mới đây...

Rõ ràng trong số những phóng viên vẫn còn những người chưa đủ phẩm chất, chưa đề cao sứ mệnh rất vinh quang của mình đó là phản ánh tin tức và đồng hành cùng với Đảng, Nhà nước trong cuộc chiến chống tham nhũng. Họ bị sa ngã, bị cám dỗ vật chất và bị quật ngã bởi đồng tiền. Việc này đòi hỏi các cơ quan quản lý báo chí, Hội Nhà báo và các cơ quan chức năng khác phải đồng hành với nhà báo để một mặt bảo vệ họ và mặt khác để ngăn chặn, xử lý kịp thời những hành vi tiêu cực.

Có ý kiến cho rằng, cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay không còn “vùng cấm”, ông nghĩ sao?

- Những vụ việc mà Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng vừa qua chỉ đạo các cơ quan bảo vệ pháp luật đưa ra truy tố, xét xử đã chứng minh quyết tâm phòng chống tham nhũng của Đảng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu là không có vùng cấm. Tuy nhiên, những vụ việc tiếp theo được đưa vào tầm giám sát của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng tới đây vẫn đang còn nằm trong quá trình xác minh, điều tra, cho nên việc tiếp tục đưa ra ánh sáng, xử lý các vụ việc tiêu cực nổi cộm sẽ trả lời cho công luận biết về tính khách quan, công tâm và không có vùng cấm trong cuộc chiến chống tham nhũng này.

Xin trân trọng cảm ơn ông!


Thực tế, hầu hết các vụ tiêu cực, tham nhũng lớn ở một số cơ quan Trung ương và địa phương được phát hiện, đưa ra trước ánh sáng công luận và xử lý đến nơi đến chốn đều có công đầu của báo chí. Như: Vụ “con bạc triệu đô” Bùi Tiến Dũng và tiêu cực lớn ở PMU18; vụ cán bộ lãnh đạo thị xã Đồ Sơn (Hải Phòng) chia chác hàng chục mảnh đất trị giá hàng tỷ đồng cùng bản án sơ thẩm “nhẹ như lông hồng”; vấn đề nhà công vụ biến thành nhà tư, vụ siêu lừa đảo Nguyễn Đức Chi cùng dự án Rusalka và những sự “ưu ái” khó hiểu từ lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa; vụ lừa đảo do Nguyễn Lâm Thái cầm đầu; vụ tham nhũng của cựu đại biểu Quốc hội Mạc Kim Tôn; vụ “ăn chặn” tiền cứu trợ ở Hương Sơn (Hà Tĩnh); vụ đề án tin học hóa các hoạt động hành chính (Đề án 112); vụ Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ; vụ vi phạm trong giải phóng mặt bằng cầu Thanh Trì (Hà Nội); vụ chạy hạn ngạch (quota) dệt may tại Bộ Thương mại; vụ trục lợi bảo hiểm xảy ra tại Công ty cổ phần bảo hiểm Petrolimex (PJICO); vụ Ban quản lý dự án đại lộ Đông - Tây và Môi trường nước TP . Hồ Chí Minh; dự án xây dựng cầu Bãi Cháy; vụ Vinashin...

Báo chí cũng có đóng góp lớn trong việc phát hiện và đưa ra xét xử  các vụ Dương Chí Dũng, Nguyễn Đức Kiên, Huỳnh Thị Huyền Như, Phạm Công Danh.

Và mới đây, từ vụ việc một chiếc xe sang gắn biển xanh ở tỉnh Hậu Giang mà báo chí phản ánh đã lộ ra hàng loạt sai phạm liên quan đến quá trình đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ trong vụ Trịnh Xuân Thanh. Hay ngay sau khi báo chí phản ánh về việc sở hữu khối tài sản “khủng” của một đồng chí lãnh đạo Bộ Công Thương và gia đình, Tổng Bí thư đã yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ...


CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh