CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:54

Xử lý dứt điểm nợ lương công nhân vệ sinh

Chiều 23.10, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến đã chủ trì cuộc họp với các đơn vị để nghe báo cáo giải quyết tình hình nợ lương công nhân vệ sinh của Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP (Citenco) và các công ty dịch vụ công ích (DVCI) quận - huyện.

Yêu cầu rút kinh nghiệm

Báo cáo về tình hình nợ lương, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết tình trạng này đã tồn tại nhiều năm qua, từ 2013 đến cuối 2017 mà nguyên nhân là TP ban hành đơn giá chậm. Đặc biệt là giai đoạn năm 2014-2015 có nhiều thay đổi trong đơn giá nên có những tác động, ảnh hưởng. Do đó, các quận - huyện áp dụng đơn giá gần nhất. "Việc ban hành đơn giá chậm này cũng do các sở - ngành tham mưu chậm. Riêng Sở Tài nguyên và Môi trường TP có sai sót trong tính đơn giá nhưng đã kịp thời đề xuất Sở Tài chính rà soát lại để điều chỉnh cho phù hợp" - bà Mỹ thừa nhận. Theo bà Mỹ, hiện TP đã chuyển cho Citenco hơn 50,5 tỉ đồng để thanh toán lại cho các công ty DVCI quận - huyện, giải quyết nợ lương trong 2 năm 2014-2015. Còn khoản nợ trong 2 năm 2016-2017 đang chờ Sở Tài chính thẩm định đơn giá.

Tiếp lời đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, ông Huỳnh Minh Nhựt, Tổng Giám đốc Citenco, cho biết sau khi nhận số tiền trên vào ngày 17-10, công ty đã làm việc với 11 đơn vị liên quan để tiến hành ký phụ lục hợp đồng. "Đến thời điểm hiện tại, công ty đã ký và chi trả cho quận 12, các đơn vị còn lại đang gấp rút làm" - ông Nhựt nói.

Nghe đến đây, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến chỉ đạo trong tuần các công ty DVCI quận - huyện còn lại phải ký ngay phụ lục hợp đồng để lấy tiền về thanh toán các khoản nợ. Ông Tuyến cũng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường rút kinh nghiệm trong việc cải tiến thủ tục, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền để quận - huyện xác định khung giá, giảm bớt thời gian và nợ tiền công ty, ảnh hưởng đến đời sống người lao động. Đối với phần nợ trong năm 2016 và 2017 do chưa có đơn giá, ông Tuyến đề nghị tuần sau Sở Tài chính phải trình UBND TP. "Phải xử lý dứt điểm nợ lương từ năm 2013 đến cuối năm 2017 trong tháng 10 này, không để kéo dài thêm" - Phó Chủ tịch UBND TP phụ trách đô thị nhấn mạnh lần nữa và yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm chỉ đạo trên.

Sắp tới đây, công nhân vệ sinh sẽ không còn phải chịu cảnh bị nợ lương kéo dài. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Không để thu nhập quá chênh lệch

Để xử lý dứt điểm tình trạng nợ lương do việc ban hành đơn giá chậm, ông Tuyến cho rằng ngày 22-10, UBND TP đã ban hành Quyết định 38 quy định về giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt và giá tối đa dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước thay thế cho Quyết định 88/2008. Theo đó, từ ngày 1-11, TP sẽ áp dụng mức giá thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt mới.

Với quyết định này, UBND quận - huyện căn cứ vào mức giá tối đa nêu trên để xây dựng mức giá chi tiết áp dụng cho các đối tượng trên địa bàn quản lý. Trong quá trình thực hiện, khi có sự thay đổi các cấu phần của đơn giá chi tiết (tiền lương, định mức, giá nhiên liệu và các yếu tố khác trong xây dựng đơn giá), UBND quận - huyện chủ động điều chỉnh giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt sử dụng nguồn ngân sách nhà nước áp dụng trên địa bàn quản lý cho phù hợp. Theo ông Tuyến, trước đây UBND TP đã ủy quyền việc phê duyệt đơn giá cho các quận - huyện để tạo sự chủ động. Nay với Quyết định 38 thì các quận - huyện càng có cơ sở để làm thuận lợi. Đối với băn khoăn của các quận - huyện về việc vẫn phải xin ý kiến sở - ngành trong việc phê duyệt đơn giá này nên nhiều trường hợp bị chậm, ông Tuyến nói rõ: "UBND TP đã giao cho quận - huyện chủ động thì các quận - huyện tự quyết, tự chịu trách nhiệm chứ không bắt buộc phải có ý kiến thẩm định các sở - ngành. Trường hợp quận - huyện nào gặp khó khăn, chưa rõ thì trao đổi với các sở chuyên ngành".

Bên cạnh đó, ông Tuyến đề nghị các đơn vị tăng cường khả năng kinh doanh trên tinh thần năng động, không chỉ thu gom vận chuyển rác mà có thể nhận phục vụ công viên, nhận trồng ươm cây xanh… Ông nói: "Linh động tăng nguồn thu để tăng thu nhập cho công nhân vệ sinh chứ chỉ trông chờ vào ngân sách rất khó. Do đó, các quận - huyện, sở - ngành phải tăng cường hỗ trợ các công ty DVCI như đầu tư trang thiết bị để tăng khả năng cạnh tranh để đấu thầu". Ông Tuyến cũng lưu ý các đơn vị không để thu nhập của công nhân vệ sinh giữa nơi này với nơi khác quá chênh lệch bởi "đã khó khăn mà còn thấy buồn lòng thì không nên".

 

Họ còn nuôi cả gia đình...

Ông Kiều Ngọc Vũ, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, cho rằng công nhân vệ sinh đã rất thông cảm với các cơ quan, đơn vị, các sở - ngành vì nhiều việc và đây là vấn đề khó khăn không thể giải quyết nhanh. Tuy nhiên, các cơ quan, đơn vị, sở - ngành hãy hiểu cho công nhân vệ sinh. Họ cần định mức, cần lương để nuôi sống bản thân và gia đình.

Là tổ chức đại diện cho người lao động, LĐLĐ TP đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường cùng Sở Tài chính sớm giải quyết thỏa đáng để công nhân vệ sinh an tâm làm việc, chăm sóc gia đình. "Việc này sẽ được tổ chức Công đoàn TP theo dõi cũng như hỗ trợ công nhân hết mình" - ông Kiều Ngọc Vũ nhấn mạnh. 

H.Đào

 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh