THỨ HAI, NGÀY 25 THÁNG 11 NĂM 2024 10:07

Xót xa với giấc mơ về ngôi nhà nhỏ cho vợ của người đàn ông 40 năm cứu người, vớt xác

Vợ ông là bà Nguyễn Thị Hinh, cả hai quen nhau từ năm 18 tuổi, sau đó được gia đình hai bên tác hợp. Đám cưới đơn sơ chẳng có nổi một cặp nhẫn nhưng hai vợ chồng ông bà đã đồng hành cùng nhau hơn 42 năm trong mái ấm nhỏ là chiếc ghe neo đậu dưới chân cầu Bình Lợi và cứu vớt hơn 400 mạng người trên sông Sài Gòn. Đối với vợ chồng ông bà, công việc vớt xác, cứu người dường như là định mệnh gắn chặt với cuộc đời họ.

Lúc mới cưới, bà Hinh nghĩ ông Ba Chúc chỉ làm nghề chài lưới chứ không ngờ ông còn đi giúp người ta vớt xác, cứu người tự tử. Vì vậy khi biết đây là công việc mà ông Ba Chúc theo cha làm từ khi còn nhỏ khiến bà Hinh rất sợ. Thậm chí bà còn thừa nhận, nếu như bà biết việc ông đang làm ngay từ đầu chắc hẳn bà đã không đồng ý cưới ông.

Xót xa với giấc mơ về ngôi nhà nhỏ cho vợ nghỉ ngơi sau hơn 40 năm lênh đênh sông nước cùng chồng cứu người, vớt xác - Ảnh 1.

Vợ ông là bà Nguyễn Thị Hinh, cả hai quen nhau từ năm 18 tuổi, sau đó được gia đình hai bên tác hợp

“Lúc đầu tôi cứu một người thì bà ấy không nói gì, nhưng khi tôi vớt thêm một cái xác thì bà ấy sợ. Bà ấy nói nếu biết trước thì dù có đưa bao nhiêu tiền bà ấy cũng không lấy tôi”, Ông Ba Chúc cười hiền.

Sau vài lần ông vớt xác như vậy bà Hinh cũng thấy quen dần và đỡ sợ hơn nên chấp nhận theo chồng lênh đênh trên sông nước, nguyện gắn cuộc đời mình cùng những việc mà chồng đang làm.

Thế nhưng cuộc sống chật vật trên chiếc ghe nhỏ không ít lần khiến bà Hinh rất tủi thân. Đặc biệt là khoảng thời gian sinh con, bà khóc rất nhiều vì kinh tế gia đình quá khó khăn, không đủ để chăm lo cho các con. Nhiều lúc bà Hinh chỉ muốn bỏ đi nhưng không nỡ để người chồng luôn thương yêu mình ở lại. “Ông ấy rất thương tôi, lúc nào cũng động viên tôi “ráng lên”. Chứ nếu chồng không thương thì chắc tôi sống không nổi thật”, bà Hinh nói.

Xót xa với giấc mơ về ngôi nhà nhỏ cho vợ nghỉ ngơi sau hơn 40 năm lênh đênh sông nước cùng chồng cứu người, vớt xác - Ảnh 2.

"Bà ấy nói nếu biết trước thì dù có đưa bao nhiêu tiền bà ấy cũng không lấy tôi”, Ông Ba Chúc cười hiền.

Cứ như vậy, dù bữa đói bữa no nhưng hai vợ chồng ông bà cũng đã đồng hành cùng nhau hơn 42 năm, vất vả nuôi nấng 5 con gái trưởng thành và có gia đình riêng.

Cuộc sống hiện tại của ông bà vẫn như vậy, lênh đênh trên sông nước. Ông Ba Chúc vớt xác thì bà Hinh phụ một tay, ông cứu người nhảy sông tự tử thì bà bất đắc dĩ trở thành chuyên viên tâm lý, tâm sự khuyên bảo họ. Cuộc sống chẳng mấy dư giả nhưng bà Hinh đã không còn suy nghĩ quá nhiều về những khó khăn trong quá khứ, bà hạnh phúc vì gia đình bây giờ vẫn vui vẻ, con cháu đề huề. Bà cũng cảm thấy thanh thản hơn và thoải mái hơn vì vẫn được cùng chồng làm việc tốt giúp người.

“Nhiều người nói làm không có lương rồi lấy gì ăn, nhưng tôi trả lời có ai mướn đâu mà có lương. Vợ chồng tôi làm vì lương tâm chứ không hề nghĩ gì đến tiền bạc. Đã nghèo thì cũng nghèo rồi, chúng tôi không tính toán vật chất gì cả, chỉ mong có thể cứu người, giúp người”, bà Hinh chia sẻ.

Xót xa với giấc mơ về ngôi nhà nhỏ cho vợ nghỉ ngơi sau hơn 40 năm lênh đênh sông nước cùng chồng cứu người, vớt xác - Ảnh 3.

Hai vợ chồng ông bà cũng đã đồng hành cùng nhau hơn 42 năm, vất vả nuôi nấng 5 con gái trưởng thành và có gia đình riêng.

Về phần ông Ba Chúc, biết vợ chịu nhiều thiệt thòi khi cưới ông, vì ông không nhà cửa cũng chẳng tiền bạc, thứ duy nhất ông có là chiếc ghe nhỏ cứu vớt bao nhiêu sinh mạng. Cũng vì vậy mà điều duy nhất ông có thể bù đắp cho vợ là tình yêu thương dành cho bà. Dù có khó khăn, vất vả thì bà vẫn luôn đồng hành cùng ông, chăm sóc cho ông và hỗ trợ ông hơn 42 năm qua.

Ước mơ duy nhất của vợ chồng ông Ba Chúc là có được một mái ấm trên cạn, để có nơi nghỉ ngơi đàng hoàng khi chẳng còn đủ sức làm công việc cứu người vớt xác trên sông này nữa.

“Ai cũng muốn đi làm tích góp tiền bạc mua nhà, lớn nhỏ gì cũng được. Nhưng số phận vợ chồng tôi với công việc này chẳng thể nào mua nhà được, ao ước cũng chẳng nổi nữa rồi”, bà Hinh chia sẻ đầy xót xa.

Nói vậy nhưng ông bà vẫn rất lạc quan, ông Ba Chúc còn cho rằng bây giờ chẳng thể tích góp được nữa thì biết đâu ông trời có thể cho hai vợ chồng ông tấm vé số độc đắc để có thể mua một căn nhà nhỏ cho vợ ông dưỡng già sau hơn 40 năm lênh đênh sông nước.

Dù không quá xa lạ với vợ chồng ông Ba Chúc và bà Hinh, nhưng mỗi lần nghe họ chia sẻ đều khiến MC Ốc Thanh Vân rưng rưng nước mắt cảm phục. “Tôi ngưỡng mộ cô chú vô cùng, không có từ nào có thể diễn tả được nghị lực và tấm lòng cao cả của họ, chúng vượt khỏi sự tưởng tượng của chúng ta”, cô nói.

Xót xa với giấc mơ về ngôi nhà nhỏ cho vợ nghỉ ngơi sau hơn 40 năm lênh đênh sông nước cùng chồng cứu người, vớt xác - Ảnh 4.

Chỉ một từ động viên “ráng lên” mà ông Ba Chúc dành cho vợ cũng khiến Ốc Thanh Vân cảm động vì ẩn chứa bao nhiêu nghĩa tình sâu nặng của vợ chồng.

Chỉ một từ động viên “ráng lên” mà ông Ba Chúc dành cho vợ cũng khiến Ốc Thanh Vân cảm động vì ẩn chứa bao nhiêu nghĩa tình sâu nặng của vợ chồng. Cô cũng hy vọng ước mơ về một mái nhà của vợ chồng ông có thể sớm thành hiện thực.

Tiến sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân cũng thừa nhận bản thân rất may mắn vì có thể ngồi trò chuyện cùng vợ chồng ông Ba Chúc. Với anh, điều kỳ diệu nhất là cả hai vợ chồng ông Ba Chúc đều đồng lòng thực hiện công việc này mà không cần ai đền đáp bất cứ điều gì. Anh tin, những điều mà vợ chồng ông bà đang làm sẽ giúp nhiều người nhận ra, giữa cuộc sống bộn bề tấp nập, vẫn còn có những con người bình thường đang sống một cuộc đời cao cả, sẵn sàng vì người khác.

PHA LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh