CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:56

Xóm ngụ cư ở bãi giữa sông Hồng: Những mảnh đời trôi dạt

Chạy dọc cây cầu Long Biên có một lối nhỏ dẫn xuống nơi mà nhiều người dân thủ đô vẫn quen gọi với cái tên "ốc đảo” giữa lòng thành phố. Nằm sâu trong những cánh đồng trồng chuối, trồng ổi, nơi ốc đảo này ít ai biết được đó cũng là nơi cư ngụ của 28 hộ dân với tên gọi là xóm Phao. Đa phần họ là những người có hoàn cảnh đặc biệt, lang thang, cơ nhỡ, không nhà cửa.

Căn nhà nổi rộng chưa đây 15 mét, được ghép lại bằng những mảnh gỗ, phao xập xệ nằm lênh đênh trên mặt nước sông Hồng là chốn nương thân của gia đình bà Hoàng Thị Hạnh (quê Hưng Yên) trong gần chục năm qua.

 

Những người dân xóm ngụ cư đa phần làm những nghề tự do, như bốc vác, gánh hàng thuê, xe ôm, thu mua đồng nát.


Cũng như 28 hộ dân khác tới sinh sống ở bãi giữa sông Hồng, bà Hạnh sau nhiều năm lang bạt kiếm sống, ở địa phương cũ đã cắt khẩu, không còn giấy tờ tùy thân chẳng biết đi đâu về đâu nên đành phải nương náu ở nơi xóm nổi này để sống qua ngày.

Hàng ngày, vào các buổi sáng bà Hạnh đi thu nhặt phế liệu bỏ đi trên phố, đêm đến trên chiếc xe đạp cũ kỹ bà lại chở một hộp xốp lớn, chứa đủ đồ nghề lên phố bán trà đá. Công việc của bà chỉ dừng lại vào lúc 2h sáng khi mà những ánh đèn đã tắt, dòng người trên phố thưa dần. Đấy là lúc bà Hạnh lại trở về căn nhà nhỏ trên bãi giữa sông Hồng. Ông Thắng chồng bà Hạnh làm bảo vệ cho một quán ăn trên phố, nhưng do chỉ còn một cánh tay, sức khỏe yếu dần nên thu nhập chẳng được là bao, chỉ đủ trang trải cuộc sống qua ngày.

 

Những người dân xóm Phao luôn đối mặt với cuộc sống bấp bênh


Theo bà Hạnh, cuộc sống lênh đênh sông nước cực khổ vô cùng, mọi sinh hoạt gia đình đều gói gọn trong mấy mét vuông, nhất và những mùa mưa lũ, sóng to gió lớn khiến ai nấy cũng đều thấp thỏm lo âu: “Ai cũng muốn được lên bờ sống cả, nhưng hoàn cảnh khó khăn không cho phép, nên đành chịu vậy”, bà Hạnh chia sẻ.

Ông Nguyễn Đăng Được, người đầu tiên đặt thuyền mưu sinh trên bãi sông Hồng và cũng là trưởng xóm Phao cho biết: "28 hộ trong xóm mỗi gia đình lại có một hoàn cảnh khác nhau, đến từ nhiều vùng quê khác nhau. Phần lớn dân cư ở đây làm những nghề tự do, như bốc vác, gánh hàng thuê, xe ôm, thu mua đồng nát... Ở đây mọi người  không có công ăn việc làm ổn định, lại chẳng được học hành đầy đủ cho nên chỉ biết đi nhặt ve chai phế thải hay đi làm thuê làm mướn thôi".

 

Cuộc sống lênh đênh sông nước, thiếu thốn đủ thứ, mọi sinh hoạt gói gọn trên bè nổi chỉ vài mét vuông


Những người dân xóm ngụ cư có sức khỏe một chút, hàng ngày ra chợ ngồi, ai gọi thì đi làm. Phụ nữ thì lên phố bán hàng nước. Những cụ từ 50 tuổi trở lên chỉ có một nghề duy nhất là nhặt rác. Đêm đêm, họ lang thang khắp thành phố Hà Nội nhặt chai lọ, giấy vụn để bán, đến sáng mới trở về căn lều để nghỉ ngơi.

Nhiều gia đình đã sống ở đây được 3 thế hệ, hầu hết vợ chồng không đăng ký kết hôn và những đứa trẻ sinh ra ở đây đều là con ngoài giá thú. Điều mà người dân ở đây lo lắng nhất là trẻ em không được đi học.

"Cuộc sống người dân xóm Phao chạy ăn từng bữa nên thiệt thòi nhất là những đứa trẻ  vì các thế hệ trước khi gặp nhau, lấy nhau không được pháp luật công nhận, các cháu thì phải theo mẹ hay bố để có giấy khai sinh để được đi học nên rất thiệt thòi", ông Được bộc bạch.

 

Xóm Phao là nơi cư ngụ của 28 hộ dân

 

Lo lắng cho những đứa trẻ của xóm lại thất học, ông Được cất công tìm hiểu từng hoàn cảnh một rồi lặn lội về địa phương xác minh lý lịch từng người. Có lý lịch, nguồn gốc, những đứa trẻ mới được đăng ký giấy khai sinh, mới được đi học. Bây giờ, tất cả những đứa trẻ sinh ra ở xóm ngụ cư này đều có giấy khai sinh và được đến trường, đi học như bao đứa trẻ khác...

Sau nhiều năm kiến nghị với các cấp chính quyền, cuối cùng UBND Ngọc Thụy đã cho phép người dân xóm Phao được sống tạm trú ở đây. 28 hộ dân bãi giữa vì vậy không còn phải bỏ chạy mỗi lần có lực lượng chức năng tới truy quét nữa. Mặc dù được cho phép tạm trú nhưng các hộ dân ở đây không thuộc bất kỳ một phường xã nào quản lý. Để giữ gìn an ninh trật tự, người dân đã tin tưởng và bầu ông Được là trưởng xóm.

 

Con đường nhỏ dẫn từ bãi giữ lên cầu Long Biên


Mấy năm trở lại đây, lại có thông tin Hà Nội sắp quy hoạch hai bên bờ sông Hồng khiến những người sống ở xóm Phao lúc nào cũng thấp thỏm lo lắng. 

"Chúng tôi di cư bất hợp pháp đến đây, không thuộc sự quản lý của phường nào, nên khi thực hiện dự án, chúng tôi chắc chắn sẽ phải rời đi nơi khác. Đã hơn 30 năm rời bỏ quê hương, chúng tôi cũng không thể quay về bởi địa phương đã cắt khẩu. Đó là còn chưa kể đến có những người còn quên mất nguồn gốc, xuất xứ của mình. Nếu không còn bãi giữa sông Hồng thì chúng tôi chưa biết sẽ đi về đâu, chắc lại lang thang. Những người khỏe mạnh còn có thể tiếp tục tha hương, còn người già, trẻ em, họ không thể lang thang mãi được", bà Thu một người dân xóm Phao lo lắng chia sẻ.

Ngày ngày những người dân trong xóm Phao vẫn tiếp tục len lỏi đến từng ngõ phố để kiếm sống, tuy nhiên đối diện với họ là một tương lại vô định. Những hộ dân ngụ cư trên bãi giữa sông Hồng như ông Được, bà Hạnh, bà Thu và tất thảy người dân ở xóm nổi này đều có một mơ ước nhỏ nhoi đó là có một chỗ để đi về, nhưng ai cũng hiểu để được lên bờ là một ước mơ xa vời lắm...

TUẤN ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh