CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:55

Xóa hình ảnh “Người Việt xấu xí”

 

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cho biết năm 2015, Việt Nam đón gần 8 triệu lượt khách quốc tế, hàng triệu người Việt Nam cũng đã ra nước ngoài du lịch. Bên cạnh những mặt tích cực, những hành vi, thói quen ứng xử thiếu văn minh của một số người đã tạo nên hình ảnh xấu xí về du khách Việt.

Đủ thói xấu

Theo ông Tuấn, đó là thói quen chen lấn xô đẩy không xếp hàng, lấy nhiều thức ăn nhưng không sử dụng hết, gây ồn ào, mất trật tự nơi công cộng… cho tới các hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng như lấy cắp hàng hóa trong siêu thị, lợi dụng du lịch để trốn ở lại hành nghề trái phép.

Nhấn mạnh thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Transviet Travel, chia sẻ những tật xấu của du khách Việt thì nhiều nhưng điển hình là ăn cắp vặt. “Một số báo đã phản ánh tình trạng người Việt ăn cắp khi đi du lịch đến các nơi như Nhật, Đài Loan và cả Thụy Sĩ... Theo quan sát của chúng tôi, các việc như “cầm nhầm” chăn trên máy bay, lấy đồ lặt vặt ở khách sạn khá phổ biến” - ông Đạt nói.

Chiến dịch nâng cao hình ảnh du khách Việt đã được Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức ngày 16/4 tại Hà Nội

Theo ông Đạt, thói hư tật xấu của người Việt còn thể hiện ở việc chụp ảnh khi không được phép, tham lam, đóng giả khách du lịch để trốn ở lại hành nghề bất hợp pháp. Singapore cũng đã từ chối cho nhập cảnh hàng trăm du khách nữ người Việt mỗi tháng vì nghi ngờ sang đây hành nghề mại dâm.

Hiện nay, tỉ lệ người Việt trốn lao động bất hợp pháp ở Hàn Quốc lên đến 32%. Vừa qua, báo chí Hàn Quốc và Việt Nam cũng nói nhiều đến vụ 46 du khách bỏ trốn tại đảo Cheju. Các công ty du lịch cũng thường xuyên phát hiện và từ chối những khách định lợi dụng việc đi du lịch để trốn ở lại Hàn Quốc, Hồng Kông, châu Âu…

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty du lịch Lửa Việt, cho rằng chính những thói hư tật xấu này đã dẫn đến hậu quả là người Việt bị coi khinh ở nước ngoài. Hiện nay, số quốc gia miễn thị thực cho Việt Nam, cả ngoại giao, công vụ lẫn phổ thông chỉ bằng khoảng 1/4 Singapore (45/167); thua Lào, Campuchia và Đông Tomor.

Phạt nặng du khách và công ty lữ hành

Những hành động làm xấu hình ảnh quốc gia ở nước ngoài đến thời điểm này vẫn chưa bị xử lý, người ăn cắp ở nước ngoài khi trở về vẫn nhởn nhơ như người vô tội. Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, vì pháp luật không đủ sức răn đe và không có tác dụng ngăn ngừa người vi phạm nên vấn nạn này ngày càng lây lan.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho biết thời điểm này, Việt Nam may mắn chưa bị “bêu riếu” như du khách của một số nước khác, song với tình trạng hiện nay thì việc này sẽ đến sớm.

Làm thế nào để xóa bỏ hình ảnh xấu xí của du khách Việt? Ông Nguyễn Tiến Đạt cho rằng trước tiên, các công ty du lịch phải triển khai cho khách về quy tắc ứng xử văn minh du lịch và tuân thủ pháp luật khi ra nước ngoài. Kế đó, đưa mục văn minh du lịch vào Luật Du lịch sửa đổi 2016, trong đó có chế tài xử phạt cả du khách và công ty du lịch vi phạm. Du Khách có thể bị cấm xuất cảnh trong một khoảng thời gian hoặc vĩnh viễn. Công ty du lịch vi phạm nghiêm trọng có thể bị rút giấy phép.

Ông Nguyễn Quang Vinh - Chủ nhiệm Khoa Du lịch, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội - đề xuất các công ty lữ hành có thể từ chối phục vụ hành khách có hành vi xấu như cách ngành hàng không đang áp dụng.

Xây dựng bộ quy tắc ứng xử

Ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết Tổng cục Du lịch đang hoàn thiện bộ quy tắc ứng xử đối với cả du khách, người dân và cộng đồng địa phương cũng như các doanh nghiệp du lịch để trình Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Đơn vị này sẽ phát động các chiến dịch nâng cao ý thức ứng xử văn minh khi đi du lịch, đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan như công an, hàng không và cơ quan chức năng nước bạn để thông tin và xử lý các trường hợp vi phạm. “Đây không chỉ ứng xử trong du lịch mà là văn hóa ứng xử của người Việt. Nếu bắt đầu từ du khách, các công ty lữ hành, các điểm đến… thì những thói quen xấu sẽ được xóa bỏ” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Người Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh