THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:28

Xin xe đạp cũ - tặng lại cho người cần: Dự án hồi sinh xe giúp trẻ em nghèo của quản lý khách sạn

"Mình là Thắng, ở Hương Sơn, Hà Tĩnh. 3, 4 năm trở lại đây mình thực hiện nhiều chương trình tái chế - tái sử dụng đồ cũ, như xin sách giáo khoa cũ, laptop, máy tính, tivi, radio, xe lăn... của những người bỏ đi, không dùng đến rồi về sắp xếp, sửa chữa, phục hồi, làm mới rồi tặng lại cho các bạn học sinh."

Đấy là lời mở đầu của anh Trần Quyết Thắng trong một nhóm tái chế với ngỏ ý muốn xin những chiếc xe đạp cũ...

Hồi sinh xe đạp - tặng lại cho người cần

Vốn là một quản lý khách sạn nhưng do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ đầu tháng 4 nên công việc của anh Thắng bị ngưng lại, việc di chuyển đến các câu lạc bộ thể thao luyện tập cũng tạm dừng. Anh chuyển sang đạp xe cùng nhóm bạn; và tình cờ, trên những đoạn đường anh qua, anh có thấy những chiếc xe cũ nằm chỏng chơ ở các bãi rác. Anh cũng thấy những bạn nhỏ có hoàn cảnh gia đình khó khăn, phải đi bộ đến trường. 

Anh chợt bật ra một ý tưởng...

"Mình thích tái chế, tái sử dụng đồ cũ vì nó có thể không còn giá trị với người này nhưng sẽ là một tài sản đối với người cần. Hơn nữa, tái sử dụng còn có ý nghĩa về mặt môi trường và tiết kiệm... Vì sở thích, đam mê phục hồi đồ cũ nên mình luôn tìm kiếm thêm các ý tưởng. Đến đầu tháng 5 năm nay, mình tiếp tục nghĩ, thực hiện và phát triển ý tưởng hồi sinh xe đạp."

Xin xe đạp cũ - tặng lại cho người cần: Dự án hồi sinh xe giúp trẻ em nghèo của quản lý khách sạn - Ảnh 1.

Trước kia, anh Thắng cũng từng tham gia rất nhiều hoạt động thiện nguyện khi còn là sinh viên như: dạy học miễn phí, nhặt rác ở bãi biển, công viên, gom máy tính, sách giáo khoa cũ sửa lại tặng trẻ em nghèo… Anh tiết lộ, năm ngoái anh đã trao tặng được 2000 bộ sách giáo khoa cũ, 30 máy tính, laptop, máy in, rất nhiều truyện tranh, một số tivi và radio cũ cho những người cần.

Những chiếc xe đạp anh Thắng xin về hầu hết là đã bỏ đi, hư hỏng, một số khác anh Thắng tự bỏ tiền ra mua ở các bãi phế liệu. Ban đầu, khi mày mò sửa xe đạp, anh cũng mất rất nhiều thời gian tìm hiểu, thậm chí đã có chiếc xe anh sửa xong, được thay phụ tùng mới, sơn lại rất đẹp nhưng không chạy được vì thiếu mấy viên bi. Sau đó, anh đã phải mang xe ra tiệm sửa xe gần nhà, trực tiếp xem họ sửa và làm cùng họ. Đến tận bây giờ, anh Thắng vẫn giữ sự tỉ mỉ từng công đoạn, chính xác từng chi tiết khi sửa từng chiếc xe. Mỗi chiếc xe đều là món quà từ tâm huyết và từ tình cảm chân thật của anh Thắng gửi tặng đến người dùng.

Ảnh: Rebike For Kids

Anh nói, "trong công đoạn phục hồi, mình tháo rời toàn bộ những chiếc xe đó, giữ lại những gì còn sử dụng được; còn những gì hư hỏng thực sự mình gom lại rồi cho những người thu gom ve chai. Với những gì còn sử dụng được, mình tẩy rỉ sét, đánh bóng phun sơn và lắp ráp lại, dán tem nhãn và cuối cùng biến chúng thành những chiếc xe đạp như mới, đảm bảo an toàn và đẹp mắt." Mỗi chiếc xe sửa xong, anh Thắng đều mang đi tặng ngay.

Tâm huyết với từng chiếc xe

"Bị mẹ bỏ rơi từ lúc lọt lòng, mấy năm sau người bố lâm vào cảnh tù tội vì buôn bán heroin (7 năm). Năm nay Phương chuẩn bị bước vào lớp 6, chỗ dựa duy nhất của Phương là bà nội. Bà Thuyết 76 tuổi, một người đàn bà gầy gò ốm yếu, bà bị thoái hoá cột sống, đau xương khớp, đầu gối đi lại khó khăn.

Đã nhiều năm qua, tôi được tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh éo le, khó khăn, nhưng hoàn cảnh của bé Phương thực sự khiến tôi chạnh lòng.

4 giờ sáng bà Thuyết đã dậy đi bộ đến chợ Rạp cách nhà 1km phụ bưng bê ở quán phở, chủ quán trả công 20.000 đồng/buổi, chiều lau dọn bàn ghế cho các quầy bán thịt ở chợ, mỗi chiếc bàn được chủ sạp hàng trả cho bà 3.000 - 5.000 đồng. Thấy hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, hồi đầu năm ngân hàng có xây cho bà 1 căn nhà tình nghĩa, trước kia 2 bà cháu ở trong căn nhà tạm bợ chưa đầy 15m².

Ảnh: Rebike For Kids

Nói chuyện với Phương thì biết trước kia Phương cũng có 1 chiếc xe đạp nhưng đã hỏng, Phương bán phế liệu được 30.000 đồng rồi đưa cho bà. 2 năm nay em phải đi bộ tới lớp, vì trường cách nhà 3km nên nhiều khi phải chạy cho kịp giờ học. Cách ngày Phương mượn xe đạp nhà ông Kỳ hàng xóm để chở bà ra chợ phụ giúp xách nước lau chùi bàn ghế, hoặc buổi sáng chở bà ra chợ phụ bưng bê quán phở, nếu không mượn được thì bà phải đi bộ.

Phương nói ước mơ của em là có 1 chiếc xe từ lâu để chủ động chở bà đi làm, đến trường và làm 1 số việc khác bởi không phải lúc nào cũng có thể mượn được xe.

Khi tôi ngỏ ý muốn tặng em một chiếc xe thì mắt e sáng bừng, rạng rỡ nhưng vẫn tỏ ra nghi ngờ "Thật không chú?". Khi tôi nói về dự án REBIKE FOR KIDS cho Phương nghe, để có những chiếc như chiếc sắp tặng cho Phương chúng tôi phải tìm từ rất nhiều nguồn, xin ở nhiều nơi thậm chí phải tìm mua ở các bãi phế liệu, mang về tái chế, tu sửa, sơn phết làm mới chúng thì chiếc xe mới trông đẹp mắt, đảm bảo an toàn khi vận hành...

Hôm nay, chúng tôi mang 1 chiếc xe tới cho Phương. Bà Thuyết lẩm chẩm bước ra mân mê, trầm trồ "xe đẹp quá!" Phương ngồi lên chiếc xe đạp thử 1 vòng quay về, Phương khen nức nở xe đạp nhẹ lắm chú ạ, đi thích lắm ạ!"

Ảnh: Rebike For Kids

Phương là một trong số những trường hợp được team R4K - REBIKE FOR KIDS gửi tặng xe đạp cũ nhưng câu chuyện của cô bé đã lấy đi nước mắt của nhiều người. Anh Thắng kể, sau khi hoàn thành được những chiếc xe đầu tiên, dự án cộng đồng HỒI SINH XE CŨ TẶNG HỌC SINH ĐẾN TRƯỜNG đã ra đời với hy vọng anh và team R4K sẽ giúp đỡ được nhiều bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, giống như Phương.

Nhóm ban đầu bao gồm 15 người, mỗi người một nhiệm vụ. Ai nấy đều tập trung vào nhiệm vụ của mình; người đi xin xe, người vận chuyển xe về, người ở nhà sửa. Dự án được lan tỏa tại 5 địa điểm: Hà Nội, Sài Gòn, Lào Cai, Nghệ An, Hà Tĩnh để việc gom xe, mang xe đi tặng được thuận lợi hơn. 

Dự án sau đó đã thu hút được nhiều sự quan tâm, thích thú và ủng hộ. Rất nhiều người liên hệ cho xe, chia sẻ tiền bạc để mua sắm linh kiện thay thế; thậm chí, nhiều thợ sửa xe, bạn trẻ ở các nơi biết được dự án của anh Thắng cũng tình nguyện tham gia. Tính đến đầu tháng 8/2020, sau 3 tháng team R4K Hà Tĩnh với nhiều sự trợ giúp đã xin về được hơn 300 chiếc xe cũ, hỏng, phục hồi được hơn một nửa, và đã trao tặng hơn 70 chiếc cho các bạn học sinh.

Với mong muốn tiếp tục lan tỏa dự án để không chỉ giúp các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, mà còn giúp bảo vệ môi trường, anh Thắng hy vọng sẽ nhận thêm được những chiếc xe đạp cũ, hỏng. Những chiếc xe được hồi sinh như mới sẽ giúp các em bớt vất vả và có thêm niềm vui khi tới trường.


PV

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh