Xếp hàng chờ thi tiếng Hàn
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 00:23 - 09/10/2016
Sau hơn 5 năm tạm dừng, do tỷ lệ lao động Việt Nam tại Hàn Quốc bỏ trốn quá cao, kỳ thi tiếng Hàn lần thứ 11 theo chương trình đưa lao động sang Hàn Quốc làm việc (EPS) mới được Bộ LĐ-TB&XH và Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD) tổ chức.
Kỳ thi diễn ra trong 2 ngày 8 và 9/10, tại 4 điểm thi. Trong đó Hà Nội có 2 điểm (ĐH Công nghiệp và ĐH Lao động - Xã hội) với gần 10.000 thí sinh thuộc các tỉnh từ Ninh Bình trở ra. Tại TP. Vinh (Nghệ An) sẽ tổ chức thi tại ĐH Kỹ thuật công nghệ thành phố Vinh, với trên 7.600 thí sinh các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế. Khu vực phía Nam tổ chức tại ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh, với trên 3.000 thí sinh các tỉnh phía Nam.
Mặc dù đến 10 giờ mới chính thức thi, nhưng ngay từ sáng sớm đã có hàng nghìn thí sinh và người nhà đến điểm thi ĐH Lao động xã hội (Hà Nội) chờ đợi.
Tâm trạng vừa hồi hộp vừa lo lắng, thí sinh Nguyễn Văn Khánh, 22 tuổi, đến từ huyện Nam Sách (Hải Dương) bộc bạch: “Mình mới học tiếng Hàn được 4 tháng tại trung tâm ở Hải Dương. Đề cương bộ câu hỏi ôn thi 4.000 câu nhưng chỉ thi có 50 câu cũng khá là run. Tỷ lệ 1 chọi 10 thí sinh tương cao, nên mình phải cố gắng hết sức. Nếu trượt lần này, mình sẽ đăng ký thi lại lần sau”.
Dù đang làm việc tại một công ty Hàn Quốc với mức lương 7 triệu đồng/tháng, song Trần Thị Huệ Chi, 22 tuổi, quê huyện Quốc Oai (Hà Nội) vẫn quyết định tìm cơ hội mới tại Hàn Quốc để đổi đời. Chi chia sẻ: “ Ở quê mình có nhiều đi Hàn Quốc và đã xây được nhà, có được vốn làm ăn. Mình còn trẻ, muốn tìm hiểu thêm về đất nước Hàn Quốc và muốn có kinh tế khá hơn để giúp đỡ gia đình nên đăng ký đi lao động”.
Nhằm ngăn chặn và xử lý những hành vi gian lận, kỷ luật phòng thi được thắt chặt tối đa. Tại các địa điểm thi đều có lực lượng công an, lực lượng giám sát, cửa từ kiểm tra an ninh, máy quét để loại bỏ điện thoại di động, các thiết bị thu phát điện tử... trước khi thí sinh vào phòng thi.
Ngoài ra, mỗi phòng thi đều được bố trí một cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng công an và người Hàn Quốc, trực tiếp làm giám thị phòng thi.
Ông Woo Bong Woo, Cục trưởng Cục Nguồn nhân lực Hàn Quốc cho biết: “Để đảm bảo tính khách quan, việc ra đề, quản lý đề thi, bài thi và chấm bài đều do phía Hàn Quốc phụ trách. Đề thi được chuyển từ Hàn Quốc sang và bảo quản ở Đại sứ quán Hàn Quốc. Sau đó mới được chuyển đến các điểm thi. Ngoài ra, chúng tôi còn tăng cường 13 cán bộ và 47 tình nguyện viên người Hàn Quốc tham gia coi thi. Với sự chuẩn bị và phối hợp của phía Việt Nam, chúng tôi tin tưởng kỳ thi sẽ diễn ra minh bạch và thành công”.
Mặc dù đã khuyến cáo thí sinh không được mang các thiết bị di động vào phòng thi, nhưng ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH cho hay, vẫn có trường hợp thí sinh cố tình mang điện thoại vào phòng thi. Tại điểm thi ĐH Lao động -Xã hội giám thị cũng đã phát hiện trường hợp ném điện thoại lên tầng 2 cho các thí sinh và dùng chứng minh nhân dân giả. “Những thí sinh có hành vi gian lận trong quá trình làm bài sẽ bị hủy bài thi và bị cấm tham dự thi trong thời gian 2 năm. Đối với các trường hợp có sự khác biệt về các thông tin cá nhân (họ tên và ngày tháng năm sinh) giữa Giấy CMND/hộ chiếu và đơn đăng ký tham dự thi tiếng Hàn cũng sẽ bị loại, dù có kết quả thi đạt yêu cầu”, ông Tùng nói.
Sau kỳ thi, chỉ có 2.100 thí sinh có điểm cao nhất sẽ tiếp tục tham dự kỳ thi tay nghề. Những người lao động đạt kết quả xuất sắc trong kỳ kiểm tra tay nghề sẽ được giới thiệu để chủ sử dụng Hàn Quốc ưu tiên lựa chọn.
Nhiều thí sinh có mặt từ rất sớm để tham dự kỳ thi tiếng Hàn
Thí sinh rồng rắn xếp hàng chờ kiểm tra trước khi vào phòng thi
Do quá đông thí sinh đăng ký dự thi nên thí sinh phải xếp hàng kín sân Trường ĐH Lao động - Xã hội
Tất cả các thí sinh đều phải đi qua cửa từ và máy quét an ninh
Những chiếc điện thoại bọc giấy bạc và cao su đã bị giám thị phát hiện và thu giữ
Để chống gian lận trong thi cử, mỗi phòng thi đều có 1 giám thị người Hàn Quốc giám sát