CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:58

Xem xét sửa đổi, bổ sung nhiều điều khoản về tiền lương, chế độ, thời gian làm việc

             Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho biết: Tháng 6/2016, Bộ LĐ-TB&XH đã có công văn đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng Công ty Nhà nước tiến hành tổng kết 3 năm thi hành Bộ Luật Lao động 2012. Đến thời điểm này, Bộ đã nhận được báo cáo tổng kết của 47 sở LĐ-TB&XH, 20 Ban quản lý, 13 Tập đoàn, Tổng công ty, Hiệp hội và 10 bộ, ngành. Hội nghị được tổ chức nhằm lắng nghe ý kiến các doanh nghiệp bốn tỉnh - đối tượng phải thi hành Bộ Luật Lao động, để hoàn thiện dự thảo Báo cáo tổng kết 3 năm thi hành Bộ Luật Lao động 2012.


Thứ trưởng Phạm Minh Huân chủ trì hội thảo

 Theo Thứ trưởng Phạm Minh Huân, Bộ Luật Lao động 2012 ra đời đã góp phần hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh các vấn đề quan hệ lao động, tiêu chuẩn lao động ở Việt Nam, tuy nhiên, nhiều quy định của Bộ Luật vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; một số Luật mới ban hành gần đây đã làm ảnh hưởng đến kết cấu và nội dung của Bộ Luật Lao động, vì vậy cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Bên cạnh đó, trong các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam tham gia gần đây như: Hiệp định Việt Nam - EU, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có đưa ra các cam kết về lao động căn cứ vào các Tiêu chuẩn lao động quốc tế của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). So với các tiêu chuẩn lao động quốc tế đó, Bộ Luật Lao động và các văn bản quy định chi tiết còn chưa hoàn toàn đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động là hết sức cần thiết để tạo hành lang pháp lý vững chắc, tuân thủ các tiêu chuẩn lao động quốc tế, điều chỉnh và xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và người lao động...


Có nhiều doanh nghiệp tham dự hội thảo và đóng góp ý kiến cho việc sửa đổi Luật lao động 

        Bộ Luật Lao động năm 2012 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2013. Ngay sau khi Bộ Luật Lao động được ban hành, Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện. Số lượng văn bản hướng dẫn thực hiện Bộ Luật Lao động là 29 Nghị định và 37 Thông tư. Một số nội dung được đề xuất sửa đổi, bổ sung lần này của Bộ Luật Lao động là: Tăng giới hạn làm thêm giờ; tăng tuổi nghỉ hưu; xem xét lại trình tự thủ tục đình công; giải quyết chế độ cho người bị nợ bảo hiểm xã hội; ưu tiên doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ.
 
          Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp đã tập trung thảo luận về những điểm chưa phù hợp của Bộ luật Lao động 2012; chia sẻ hạn chế, khó khăn khi áp dụng những quy định của Bộ luật này trong thực tiễn. Để khắc phục những điểm chưa hợp lý, các đại biểu đề nghị cần rà soát, sửa đổi một số nội dung không còn phù hợp, như: tăng cường các dịch vụ tư vấn pháp luật lao động miễn phí; đẩy mạnh các hoạt động đối thoại tại nơi làm việc; bảo đảm công tác huấn luyện vệ sinh an toàn lao động tại nơi làm việc; nới thời gian làm thêm giờ... Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH  tiếp tục xem xét sửa đổi và bổ sung nhiều điều khoản liên quan đến tiền lương, chế độ, thời gian làm việc, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững, nâng cao năng suất chất lượng, bảo đảm đời sống người lao động. Một số ý kiến cho rằng khi sửa đổi, bổ sung Bộ Luật này, các bộ ngành liên quan cần quy định bao quát đầy đủ các nội dung ngay trong Luật, tránh nhiều trường hợp phải đợi Nghị định và Thông tư hướng dẫn mới thực hiện được, gây bức xúc, khó khăn cho doanh nghiệp...

THIỀU VĂN LÝ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh