THỨ HAI, NGÀY 25 THÁNG 11 NĂM 2024 07:56

Xem xét điều chỉnh tên gọi hồ sơ đề nghị công nhận quần thể di tích, danh thắng Yên Tử là di sản thế giới

Văn bản số 6244/VPCP-KGVX của Văn phòng Chính phủ nêu rõ, sau khi xem xét đề nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và ý kiến của các đại biểu tại cuộc họp ngày 16/9/2022 tại Trụ sở Chính phủ về việc bổ sung, điều chỉnh tên gọi Hồ sơ khoa học Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử (thuộc địa bàn các tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương) đệ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp quốc (UNESCO) là Di sản thế giới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có ý kiến như sau:

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương tiếp thu ý kiến các đại biểu dự họp, thống nhất với các địa phương để quyết định việc bổ sung, điều chỉnh tên gọi của hồ sơ khoa học đề cử di sản thế giới phù hợp với phạm vi, ranh giới và tiêu chí đề cử; chủ trì, phối hợp với Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam và các cơ quan liên quan kịp thời thông báo việc điều chỉnh này tới UNESCO theo quy định.

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử

Đồng thời, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập trung chỉ đạo, hướng dẫn UBND các tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương tổ chức thực hiện các bước xây dựng hồ sơ khoa học đề cử di sản thế giới bảo đảm chất lượng, đúng Hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản thế giới và quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

* Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử là một hệ thống hơn 70 điểm di tích, được cấu thành từ 4 cụm di tích lịch sử quốc gia đặc biệt gồm: Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử (thành phố Uông Bí, Quảng Ninh), Khu di tích lịch sử nhà Trần (thị xã Đông Triều, Quảng Ninh), Khu di tích danh thắng Tây Yên Tử (Bắc Giang) và Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương).

Đây là những địa điểm có sự kết hợp hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên với các công trình kiến trúc, nghệ thuật có giá trị đặc biệt; cũng là nơi ra đời, hình thành và phát triển Trung tâm Phật giáo Thiền Tông thuần Việt do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập. Yên Tử gắn liền với sự ra đời, hình thành và phát triển của nhà Trần (1225 - 1400) và hình thành nên không gian tôn giáo, văn hóa đặc trưng của Thiền phái Trúc Lâm.

Tháng 1/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã giao Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương và các cơ quan liên quan thực hiện các bước xây dựng Hồ sơ đề cử "Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử" trình UNESCO xem xét, ghi vào Danh mục Di sản Thế giới theo quy định của Công ước Di sản Thế giới 1972 và pháp luật về di sản văn hóa.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam xây dựng Hồ sơ đề cử "Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử" trình UNESCO xem xét, ghi vào Danh mục Di sản Thế giới.

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương, trước đây hồ sơ có tên "Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử". Nay tỉnh Hải Dương đề nghị chỉnh sửa, bổ sung tên gọi của hồ sơ là: "Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Côn Sơn, Kiếp Bạc". Điều này phù hợp với vị trí địa lý, tên gọi theo địa danh của hồ sơ, đồng thời bảo đảm sự tôn trọng các giá trị khoa học lịch sử, văn hóa và địa lý. Việc bổ sung điều chỉnh không ảnh hưởng đến nội dung, nội hàm của dự thảo hồ sơ đã được 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương xây dựng; không ảnh hưởng đến tiến độ triển khai và là quyền của địa phương được UNESCO tôn trọng trên cơ sở các giá trị nổi bật, đặc sắc của địa phương…

PV

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh