CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:26

Cần xây dựng văn hóa đọc lành mạnh trong giới trẻ

 

Cơn sốt truyện ngôn tình trong giới trẻ

Thử gõ cụm từ “tiểu thuyết ngôn tình” lên các trang tìm kiếm như google, chúng ta có ngay được khoảng 11.100.000 kết quả chỉ trong vòng 0,57 giây. Từ các trang top 100 tiểu thuyết ngôn tình kinh điển, top 70 tiểu thuyết ngôn tình mới nổi, sex trong tiểu thuyết ngôn tình đến các fanpage dành cho những người yêu thích ngôn tình như: hội những người mê mẩn vì các chàng trai trong ngôn tình, các bài viết phê bình tiểu thuyết ngôn tình.

 

Cơn sốt truyện ngôn tình trong giới trẻ chưa có hồi kết


Cùng với sự phát triển không ngừng của Internet, tiểu thuyết ngôn tình đã len lỏi rất nhanh vào văn hóa đọc của giới trẻ Việt. Thực chất dòng truyện ngôn tình có nguồn gốc từ Trung Quốc và xuất hiện tại Việt Nam khoảng năm 2006, chủ yếu là tiểu thuyết, nhấn mạnh yếu tố lãng mạn trong tình yêu đôi lứa (tình cảm nam nữ một cách ủy mị) và những khát vọng thể xác của con người. Truyện ngôn tình đã phát triển thành một trào lưu, khiến giới trẻ chìm đắm trong những bộ tiểu thuyết ngôn tình đến không thể dứt ra được.

Bạn Đức Dương (cựu sinh viên ĐHQG Hà Nội) chia sẻ: “Khi “xin lỗi em chỉ là con đĩ” nổi đình đám, em đã “lùng sục” tìm bằng được cuốn sách ấy để đọc. Có những đêm trong ký túc xá, em đã đọc một mạch không thể dứt. Đọc đến sáng thì hết cuốn sách. Nhưng không thể dừng lại, có những lúc tâm trí em bị mê mẩn ám ảnh đến nhiều ngày sau, bởi những số phận của nhân vật trong cuốn sách ấy. Sau đó em tìm đọc thêm những truyện khác như “Vợ ơi anh biết lỗi rồi”… Cứ thế đến mấy năm sau em vẫn ngụp lặn trong những trang truyện và cảm xúc ngôn tình mà không dứt ra được”.

Tỉnh giấc mộng!

Chìm đắm trong ngôn tình người ta thường mơ về những hình mẫu không có thực. Những người không đủ bản lĩnh, tâm lý yếu đuối sẽ rơi vào một sự thất vọng trước những sự thật không giống với hình dung, nguy hiểm hơn nữa là dẫn đến chán chường, tự ti, mất niềm tin vào cuộc sống.

 

Cần xây dựng được văn hóa đọc lành mạnh cho giới trẻ


Cũng theo Đức Dương chia sẻ, “Khi ra trường nhìn lại, nhiều người bạn đã lao vào cuộc sống với những dự án kiếm tiền và học thêm để rèn luyện kỹ năng cho bản thân. Trong khi bạn bè đã vượt qua nhiều khó khăn trong cuộc sống để vươn đến những thành công mới, khi đó nhìn lại bản thân em thấy xấu hổ khi bao năm mình không có gì ngoài một khối tình cảm ủy mị và một hình tượng không biết bao giờ mình mới gặp được... Và chắc chắn sẽ không bao giờ gặp vì cuộc sống không có gì là hoàn hảo cả. Nếu có chắc chỉ gặp trong ngôn tình. Đi qua chặng đường dài em thấy may mắn khi đã dứt ra được nó”.

Trong xã hội hiện tại không biết còn bao nhiêu bạn trẻ vẫn đang mê muội trong thế giới ngôn tình như Dương đã từng mắc phải. Còn đối với những người làm công tác văn hóa, dường như họ đã nhận ra vai trò của việc định hướng về “văn hóa đọc” cho giới trẻ. Điển hình là những ngày Hội sách xuân, sách hè, sách cũ… đã thu hút rất nhiều người trẻ tham gia. Và ở đâu cũng vang lên những thông điệp như “nâng cao văn hóa đọc trong giới trẻ”, “ sách – tri thức và phát triển xã hội, “sách và khởi nghiệp”. Những lúc đó giới trẻ mới có dịp nhìn lại chặng đường của mình đi qua với những giai đoạn hoang mang, không biết cuốn sách nào là tốt cho mình.

 

Giới trẻ cần được định hướng để không lạc lối trong kho tàng sách 


Để tránh các tác động xấu của “cơn nghiện” truyện ngôn tình đòi hỏi giới trẻ cần được định hướng để chọn ra tác phẩm có nội dung phù hợp, chứa đựng giá trị nhân văn. Nói không với các thể loại ngôn tình thô tục, đi ngược giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, hình thành phương pháp đọc khoa học. Ngoài ra, các bạn trẻ nên tự rèn luyện bản thân qua các hoạt động xã hội, thể dục thể thao, tích cực trau dồi nhận thức và tăng cường kết nối cộng đồng. Từ đó, giúp bản thân có đủ kiến thức, bản lĩnh để hoàn thiện nhân cách, xây dựng sức mạnh tinh thần để ứng phó với khó khăn trong cuộc sống.

Muốn thị trường sách phát triển bền vững, xây dựng được văn hóa đọc lành mạnh cho độc giả cần có sự chung tay của cả xã hội. Các cơ quan chức năng tăng cường kiểm duyệt nội dung đăng tải trên các mạng truyện trực tuyến. Các nhà phát hành không vì chạy theo lợi nhuận mà cổ súy cho việc dịch, xuất bản sách ngôn tình tràn lan. Trong khi đó những người làm công tác văn hóa cũng cần đánh giá đầy đủ tác động của tiểu thuyết ngôn tình với cuộc sống, đề ra giải pháp chắt lọc giá trị phù hợp trong điều kiện tại Việt Nam.

Tuấn Anh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh