CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:19

Xây dựng thương hiệu lúa gạo quốc gia: Không thể chậm trễ

Xuất khẩu gạo đối mặt nhiều khó khăn

Năm 2015, việc XK gạo được dự báo tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Tháng 1/2015, XK gạo chỉ đạt 312.000 tấn, trị giá 152 triệu USD, giảm 14,5% về lượng và 13% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Mexico là thị trường có tiềm năng nhưng từ tháng 1/2015, nước này chính thức đánh thuế nhập khẩu (NK) gạo 20% và lúa 9% để bảo hộ sản xuất trong nước.

Khó khăn về thị trường cũng là trở ngại rất lớn cho XK gạo khi mới đây, thị trường gạo số 1 của Việt Nam là Trung Quốc đã ký thỏa thuận mua 2 triệu tấn gạo của Thái Lan. Hiện nay, Thái Lan tiếp tục chuyển hướng sang gạo thơm giá trung bình, vốn là dòng sản phẩm chủ lực của gạo XK Việt Nam.

Bên cạnh đó, Ấn Độ nổi lên là một trong những nước XK gạo hàng đầu trên thế giới cũng đang giảm giá mạnh đối với phân khúc gạo cấp trung bình và thấp để cạnh tranh với gạo Việt Nam.

Để hoàn thành mục tiêu XK gạo năm 2015, để tháo gỡ các khó khăn về vốn, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đề xuất với Chính phủ cho phép các DN xuất khẩu gạo được vay vốn với lãi suất ưu đãi. Đồng thời, các khoản vay lưu động ngắn hạn để đầu tư hệ thống kho tàng và hệ thống chế biến trước đó, được đề xuất chuyển sang vay trung dài hạn nhằm cải thiện năng lực tài chính của DN.

Gạo Việt Nam xuất khẩu.

Gạo Việt Nam xuất khẩu.

Bộ Công Thương cho biết, trong năm 2015, bên cạnh việc tập trung vào các thị trường chính như Philippines, Malaysia, Trung Quốc, Việt Nam sẽ đẩy mạnh XK mặt hàng gạo sang thị trường châu Phi- một trong những thị trường rất tiềm năng của gạo Việt.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết: “Để chuẩn bị tốt cho việc này, nhiều biện pháp hỗ trợ DN xuất khẩu sang thị trường châu Phi sẽ được đẩy mạnh triển khai như hỗ trợ DN thành lập, mở kho gạo tại một số thị trường trọng điểm như Cameroon, Angola, Mozambique... để tiêu thụ trực tiếp.

Đồng thời, Bộ cũng sẽ triển khai nhiều đề án như Đề án đổi gạo Việt Nam lấy điều châu Phi, Đề án đẩy mạnh XK gạo sang thị trường châu Phi”...

Năm 2014, với nỗ lực hỗ trợ DN và nông dân, cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, gạo cấp thấp đã giảm trên 28% về lượng và tăng trưởng mạnh XK gạo thơm. Công tác điều hành XK gạo cơ bản đạt được các mục tiêu, góp phần tiêu thụ hết lúa gạo hàng hóa, mức giá được duy trì ổn định ở mức cao, có lợi cho người sản xuất.

Gạo Việt phải có thương hiệu mạnh

“Trong những năm gần đây, tình hình XK gạo của Việt Nam liên tục suy giảm mạnh, do vấp phải sự cạnh tranh gay gắt với các nước cùng tập trung vào XK gạo như Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan... Nhưng nguyên nhân sâu xa hơn được cho là do gạo Việt chưa có thương hiệu”-đại diện VFA thừa nhận.

Theo VFA, việc nâng cao giá trị và xây dựng thương hiệu cho hạt gạo cần bắt đầu từ khâu giống, rồi đến vai trò của DN trong việc tạo uy tín với các đối tác. DN phải chủ động tìm hiểu nhu cầu cụ thể của từng thị trường, từ đó đặt người nông dân trồng đúng loại lúa đó, giám sát việc trồng và đầu tư công nghệ xay xát, bảo quản sao cho ra được loại gạo chất lượng nhất.

Hiện nay, khó khăn lớn nhất với các DN xuất khẩu gạo là vốn. “Về năng lực tài chính, các DN hầu như không đủ vốn, chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng.

Trong 144 thương nhân xuất khẩu gạo, chỉ khoảng 20% có năng lực tài chính tương đối, 80% ở mức trung bình và yếu”- ông Trần Thanh Hải cho biết. Mới đây, Bộ Công Thương đã kiến nghị với Thủ tướng  xem xét dành nguồn kinh phí tối thiểu 30 tỷ đồng từ năm 2015 - 2020 dành cho các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường XK gạo.

Theo lộ trình, các thương nhân XK được quy định phải có vùng nguyên liệu tương ứng với lượng gạo XK trước đó. Quy mô tối thiểu ban đầu và lộ trình tối thiểu tăng dần vùng nguyên liệu của thương nhân giai đoạn 2015-2020 được xác định dựa trên lượng gạo XK trong giai đoạn 2011-2013 đối với từng thương nhân.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, VFA và các DN xuất khẩu tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Đề án thương hiệu gạo quốc gia theo hướng xây dựng và phát triển thương hiệu ở cả ba cấp độ: Quốc gia, vùng và địa phương. Trong bối cảnh như hiện nay, xây dựng thương hiệu gạo quốc gia là việc không thể chậm trễ.            

Thanh Nhung

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh