THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:25

Xây dựng pháp luật: Không để xảy ra tình trạng “tham nhũng chính sách”, lồng ghép "lợi ích nhóm" trong văn bản pháp luật

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “tham nhũng chính sách”

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “tham nhũng chính sách”

Sáng ngày 3/11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV.

Hội nghị do Thường trực Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với các cơ quan Trung ương tổ chức theo hình thức trực tuyến từ điểm cầu Nhà Quốc hội đến các điểm cầu trong cả nước.

Bộ Chính trị đã thông qua Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (Đề án) do Đảng đoàn Quốc hội chuẩn bị và ban hành Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Hệ thống pháp luật cơ bản đầy đủ, đồng bộ

Phát biểu quán triệt và chỉ đạo tại hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đánh giá kết quả sau 15 năm thực hiện Nghị quyết chuyên đề về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 của Bộ Chính trị.

Theo ông, Bộ Chính trị đã nhận định, đến nay, nước ta đã có được hệ thống pháp luật cơ bản đầy đủ, đồng bộ, thống nhất. Tuy nhiên, so với thực tiễn phát triển của đất nước, hệ thống pháp luật vẫn còn hạn chế.

“Tính ổn định và khả năng dự báo trong một số lĩnh vực chưa cao; một số quy định chưa đồng bộ, thống nhất, khả thi, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, thậm chí còn có nội dung chồng chéo, mâu thuẫn”, Thường trực Ban Bí thư nêu.

Cạnh đó, công tác tổ chức thi hành pháp luật vẫn là khâu yếu, chưa gắn kết chặt chẽ với công tác xây dựng pháp luật. Việc chấp hành pháp luật của một bộ phận cá nhân, tổ chức còn chưa nghiêm….

Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội

Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội

Vì vậy Đại hội XIII của Đảng đã xác định hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển là một trong 3 đột phá chiến lược. Kết luận 19 của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV cũng nêu rõ mục tiêu, quan điểm, yêu cầu và nội dung thực hiện.

Nêu thêm một số ý kiến trao đổi, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, trong quá trình xây dựng pháp luật cần nhận thức, quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa - một Nhà nước thực sự kiến tạo khung khổ thể chế, pháp luật cho sự phát triển của đất nước, của dân tộc.

Quá trình xây dựng, ban hành luật phải thận trọng, chắc chắn, chuẩn bị sớm, làm tốt từng khâu, đặt yêu cầu cao về chất lượng, không chạy theo số lượng. Lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp và lợi ích quốc gia - dân tộc làm trọng tâm.

Cùng với đó, tăng cường giám sát, kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước; thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là người đứng đầu trong xây dựng pháp luật.

Không để xảy ra “tham nhũng chính sách”

“Chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “tham nhũng chính sách”, không được lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý Nhà nước trong văn bản pháp luật hoặc chỉ thiên về tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý Nhà nước, mà thiếu đồng hành với người dân, doanh nghiệp”, ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.

3b

Thường trực Ban Bí thư cũng đề cập đến việc tập trung xử lý, khắc phục ngay tình trạng văn bản luật tính dự báo yếu, thiếu ổn định, “luật khung, luật ống”, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.  

Không được để xảy ra tình trạng luật mới được ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung, xa rời thực tiễn, luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư... gây nên sự thiếu niềm tin của nhân dân vào luật pháp, lo ngại của các nhà đầu tư.

Từ thực tiễn luôn phong phú, sinh động, theo Thường trực Ban Bí thư, nhiều vấn đề luật pháp chưa thể theo kịp thực tiễn, quy định pháp luật xa rời cuộc sống, chưa đủ chế tài để xử lý hoặc xử lý không triệt để...

Bởi vậy, ông cho rằng, trong quá trình xây dựng pháp luật phải bám sát và đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn, giải quyết những vấn đề mới nảy sinh. Tuy nhiên, phải bình tĩnh, nghiên cứu, dự báo thấu đáo, khoa học những vấn đề của thực tiễn đặt ra, không nóng vội, chủ quan, chạy theo dư luận xã hội.

“Chỉ “những vấn đề cấp bách, đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh, có sự thống nhất cao thì mới xây dựng, ban hành luật; những vấn đề tuy cấp bách, cần thiết, nhưng là vấn đề mới, chưa đạt đồng thuận cao thì có thể quy định thực hiện thí điểm. Trước mắt, chưa triển khai xây dựng những dự án luật có nội dung phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau, cần có thêm thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng”, ông nói.

Ngoài ra, theo ông Võ Văn Thưởng, cần tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, tăng tính chủ động của các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong công tác lập pháp, giám sát việc thi hành pháp luật.

Các cơ quan hữu quan cũng phải phối hợp chặt chẽ, thực chất trong quá trình xây dựng pháp luật…

Thường trực Ban Bí thư đề nghị các cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu, nhất là các cơ quan Trung ương cần tập trung, sớm triển khai Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; đẩy mạnh hơn nữa sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương trong công tác xây dựng pháp luật.

Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh khối lượng công việc, nhiệm vụ lập pháp trong nhiệm kỳ XV của Quốc hội là rất lớn; trước mắt là tập trung thực hiện tốt công tác thể chế hóa, cụ thể hóa các quyết sách quan trọng được Đại hội XIII của Đảng chỉ ra, trong khi thời gian không nhiều, tập trung chủ yếu vào các năm giữa nhiệm kỳ và nhiều nhất là trong năm 2022 và 2023.

Do đó, các cơ quan, tổ chức, nhất là Chính phủ và các bộ, ngành, với vai trò, trách nhiệm là cơ quan chủ yếu đề xuất các chính sách, dự án luật, phải khẩn trương tổ chức nghiên cứu, chuẩn bị; các cơ quan của Quốc hội cần tăng cường theo dõi, đôn đốc, giám sát và phối hợp chặt chẽ trong quá trình thực hiện, bảo đảm chất lượng, tiến độ các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội.

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh