Theo ông Lê Thanh Hưng, Bí thư Huyện ủy Nam Trà My: Quảng Nam là tỉnh hội tụ đầy đủ các yếu tố để bảo tồn và phát triển cây dược liệu của cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Tuy nhiên, giá trị và nhu cầu sử dụng dược liệu ngày càng cao đã làm cho việc khai thác cạn kiệt, dẫn tới nguồn nguyên liệu tự nhiên gần như không còn nữa và đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Nhiều loại dược liệu quý có nguy cơ bị mất dần do sử dụng rừng và đất rừng để canh tác không hợp lý, khai thác bừa bãi, tự phát đã làm suy giảm nhanh số lượng và thành phần loài cây dược liệu.
Nam Trà My là một huyện miền núi cao của tỉnh Quảng Nam, độ cao trung bình so với mực nước biển là 800m, diện tích rừng tự nhiên chiếm trên 65% diện tích; khí hậu, đất đai rất thích hợp cho việc phát triển các loài cây dược liệu quí hiếm như: Sâm Ngọc Linh, Thất diệp nhất chi hoa, Lan kim tuyến, đương quy và một số rất nhiều loại cây dược liệu khác... Rừng tự nhiên của huyện còn nhiều, độ che phủ rừng cao, đặc biệt tầng đất mặt của rừng ít bị bào mòn nên rất thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, nhất là đối với cây dược liệu.
"Với những tiềm năng và thế mạnh đó, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam quyết tâm xây dựng nơi đây trở thành vùng dược liệu trọng điểm của Quốc gia vào năm 2030. Mục tiêu hướng đến là xây dựng được Vườn bảo tồn và phát triển cây dược liệu quốc gia nhằm bảo tồn những nguồn gen quý hiếm, cung cấp nguyên liệu, phát triển thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng; qua đó tạo sự lan tỏa ra các địa phương lân cận, tạo động lực hình thành các vùng nuôi trồng, chế biến dược liệu tập trung, quy mô lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nói riêng và khu vực miền Trung, Tây Nguyên nói chung", Bí thư Lê Thanh Hưng nhấn mạnh.
Về diện tích, Vườn dược liệu quốc gia được quy hoạch 240ha, nằm trên khu vực của 2 xã, Trà Nam và Trà Linh; trong đó có Trại sâm giống Tắk Ngo, thôn 2 xã Trà Linh đang bảo tồn gần 3ha cây sâm Ngọc Linh, với hơn 30 ngàn cá thể sâm Ngọc Linh. Ngoài ra, Trại sâm giống Tắk Ngo còn có hơn 50 loài cây dược liệu quý hiếm đang sinh sống và phát triển, trong đó phải kể đến các loại như: Đẳng sâm, đương quy, giảo cổ lam, Lan kim tuyến, Thất diệp nhất chi Hoa, chè dây, Ngũ vị tử… Về giao thông, Vườn dược liệu quốc gia nằm trên tuyến đường Tắk Pong-Tắk Ngo và nối dài theo tuyến đường Mang Lùng - Đắk Glay vì vậy rất thuận lợi cho việc lưu thông, vận chuyển cây giống, cơ sở vật chất cũng như sản phẩm sau này.
Việc trồng, phát triển các loại dược liệu được thực hiện dưới 2 hình thức, đó là: Người dân tại địa phương tham gia trồng phát triển cây dược liệu, diện tích dự kiến 50ha và doanh nghiệp đầu tư phát triển trồng cây dược liệu 118ha.
Người dân địa phương tham gia trồng cây dược liệu sẽ được nhà nước hỗ trợ về giống, lưới thép B40, thép gai để rào và một số nội dung khác theo cơ chế khuyến khích phát triển cây dược liệu tại Nghị quyết số 30/NQ-HĐND ngày 20/12/2016 của Hội đồng nhân dân huyện Nam Trà My; Nghị quyết số 202/2016/NQ-HĐND ngày 26/4/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam về “Cơ chế khuyến khích bảo tồn và phát triển một số cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2017 - 2025.
Đối với doanh nghiệp tham gia phát triển trồng cây dược liệu, Nhà nước hỗ trợ theo cơ chế Nghị quyết số 210/2013/NQ ngày 19/12/2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Để thực hiện hiệu quả dự án phát triển cây dược liệu trên địa bàn huyện, Bí thư huyện ủy Nam Trà My cho biết, huyện đã xây dựng các giải pháp then chốt như giải pháp về vốn và thị trường tiêu thụ. Đó là huy động mọi nguồn lực trong xã hội để thực hiện dự án; trong đó chú trọng kêu gọi nguồn lực của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để thực hiện các nội dung quan trọng như: Đầu tư trồng mới và chăm sóc các loại cây dược liệu; xây dựng các khu vực nghiên cứu cây dược liệu; khu tham quan… tại vườn dược liệu quốc gia; xây dựng các cơ sở chế biến sản phẩm dược liệu sau kha thác…
Đối với nguồn vốn của Nhà nước, thực hiện nội dung như: Hỗ trợ cây giống dược liệu cho nhân dân phát triển; hỗ trợ các loại vật tư thiết yếu như: Thép rào, lưới che nắng, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật,… Đối với người dân được huy động thông qua việc đóng góp công lao động, đất đai, vật tư, phân bón…để người dân phát triển vùng dược liệu.
Về thị trường tiêu thụ, huyện xây dựng hệ thống quảng bá tiếp thị thương hiệu. Hệ thống được hình thành nhằm thể hiện nổi bật vai trò quản lý của Nhà nước trong các vấn đề: Quảng bá về vùng dược liệu huyện Nam Trà My, Quảng Nam; quảng bá về các chiến lược chính sách khuyến khích phát triển dược liệu tại huyện Nam Trà My và của tỉnh Quảng Nam; kêu gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư tạ vùng Dự án.
"Hiện nay, tại huyện Nam Trà My đã thành lập Tổ xúc tiến đầu tư đóng vai trò giới thiệu và quảng bá; kêu gọi sự đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngòai tỉnh. Tiêu thụ dược liệu thông qua mua bán trực tiếp người sản xuất và người tiêu dùng, tiêu thụ dược liệu thông qua ngườ du lịch tại các trung tâm dịch vụ qua các điểm, tuyến du lịch trong huyện, tỉnh và trong nước, tiêu thụ dược liệu thông qua các đại lý tiêu thụ ở các trung tâm và thành phố lớn; tiêu thụ dược liệu thông qua các hợp đồng trực tiếp hay ủy thác với các nhà tiêu thụ dược liệu nước ngoài", Bí thư Lê Thanh Hưng chia sẻ.
Anh Hồ Văn Thà (trú thôn 3, xã Trà Nam, Nam Trà My) gieo ươm hạt sâm Ngọc Linh tại vườn sâm xã Trà Nam