Sóc Trăng
Xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ
- Dược liệu
- 05:59 - 03/11/2023
Lắng nghe trẻ em nói
Tại buổi Đối thoại giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân tỉnh với trẻ em năm 2023 với chủ đề “Trẻ em tham gia xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em”. Các em thiếu nhi đã mạnh dạn đặt ra các câu hỏi xoay quanh các vấn đề mà các em đang quan tâm như về tuyên truyền phòng, chống tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước; giải pháp cho trẻ em tham gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; giải pháp ngăn chặn thực trạng thuốc lá điện tử xâm nhập vào các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông; định hướng cho trẻ em trong việc tiếp cận internet và các ứng dụng mạng xã hội, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; cách thức tố giác các loại tội phạm và khi tố giác các em sẽ được bảo vệ như thế nào; chính sách hỗ trợ đặc thù đối với trẻ em vùng sâu, vùng khó khăn; các hoạt động bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em…
Những câu hỏi của các em thiếu nhi đã được các Diễn giả trực tiếp trả lời và trao đổi với tinh thần thẳng thắn, dân chủ và trách nhiệm. Tại chương trình, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Sóc Trăng đã tặng 39 phần quà cho các em học sinh hoàn cảnh khó khăn, trẻ em tại điểm nuôi dạy trẻ mồ côi chùa Năng Nhơn, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh.
Chương trình Đối thoại nhằm tạo điều kiện để trẻ em bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của bản thân về những vấn đề mà các em quan tâm, đây cũng là dịp để các cấp, các ngành lắng nghe ý kiến của các em, trên cơ sở đó xây dựng các chính sách chăm sóc, giúp đỡ trẻ em, góp phần thực hiện tốt chương trình bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, nâng cao nhận thức của cộng đồng, gia đình, xã hội và bản thân các em trong việc tham gia xây dựng môi trường an toàn, thân thiện cho trẻ em.
Bà Trần Thị Hoàng Mỹ - PGĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Sóc Trăng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có 118.234/ 119.885 trẻ dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế, chiếm tỷ lệ 98,62%. Vẫn còn 1,38% tương đương với 1.651 trẻ chưa được cấp thẻ, trong số này có các trường hợp trẻ em theo gia đình đi làm ăn xa hoặc thuộc các gia đình không có nơi cư trú ổn định tại các địa phương. Trẻ em thuộc hộ nghèo, trẻ em người dân tộc thiểu số được quan tâm chăm sóc thông qua việc cấp thẻ bảo hiểm y tế kịp thời.
Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố phối hợp các ngành, đoàn thể vận động các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm trao tặng 5.935 phần quà, 509 suất học bổng, 20 xe đạp và các vật dụng như tủ, quần áo, ba lô, dụng cụ học tập, đồ dùng sinh hoạt, bộ tô tượng, tập, sách, sữa, gấu bông và hớt tóc miễn phí cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Các hoạt động Chương trình Dự án bảo vệ, chăm sóc trẻ em
Thời gian qua, công tác trẻ em trên địa bàn tỉnh luôn được sự quan tâm chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp của các sở, ngành, đoàn thể, địa phương. Nhiều hoạt động hỗ trợ trẻ em mang lại hiệu quả thiết thực, nhất là kế hoạch phối hợp liên ngành Phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2023 - 2030 và các hoạt động chăm lo cho trẻ em nhân dịp Tết Nguyên đán, Tháng hành động Vì trẻ em. Số lượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em sống trong hộ nghèo, cận nghèo được quan tâm chăm sóc tốt; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hưởng chính sách trợ giúp xã hội theo quy định; Quỹ Bảo trợ trẻ em góp phần tích cực trong việc chăm lo cho trẻ em khuyết tật, trẻ bệnh tim được phẫu thuật phục hồi chức năng, hòa nhập cộng đồng.
Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Sóc Trăng, trong 6 tháng đầu năm tỉnh duy trì mô hình xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em. Ngành LĐ-TB&XH tiếp tục hướng dẫn các địa phương triển khai các hoạt động khảo sát, đánh giá sự tác động, ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên, phân tích các nguyên nhân tác động đến công tác xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em để thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em. Có 100% huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức đánh giá và công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em theo Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tổng số xã đạt Tiểu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em là 58/109 xã, chiếm tỷ lệ 53,02%. Còn 51 xã, phường, thị trấn chưa đạt tiêu chuẩn, chiếm tỷ lệ 46,8% do chưa đạt chỉ tiêu 3 và 5 theo quy định do chưa đạt chỉ tiêu 3 và 5.
Ban Điều phối Dự án Phòng, chống đuối nước trẻ em tỉnh tiếp tục duy trì các hoạt động can thiệp phòng, chống đuối nước trẻ nhằm góp phần giảm số lượng trẻ em bị tử vong do đuối nước. Hỗ trợ 1.284 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ nghèo, trẻ em khuyết tật nhân dịp Tháng hành động vì trẻ em. Phối hợp Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, Ủy ban nhân dân thị xã Vĩnh Châu và Bộ Tư lệnh vùng 2 Hải quân triển khai thực hiện hoạt động “Hải quân nhận đỡ đầu con ngư dân”, qua đó có 05 trẻ em mồ côi ở Phường Vĩnh Phước và Phường 2, thị xã Vĩnh Châu được nhận đỡ đầu với số tiền 500.000 đồng/tháng/em, các em được nhận đỡ đầu nhận tiền hỗ trợ đến 16 tuổi. Phối hợp Bệnh viện Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh và Sở Y tế tổ chức khám sàng lọc bệnh tim cho trẻ em, có 180 trẻ được khám miễn phí trong đó có 25 trẻ được chỉ định phẫu thuật.
Phối hợp Tỉnh Đoàn, Sở Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban nhân dân thành phố Sóc Trăng tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 có hơn 500 đại biểu tham dự. Tổ chức Liên hoan “Búp sen hồng” lần thứ XXVI với chủ đề “Búp sen hồng trên sông Trăng” với hơn 1.320 em tham dự đến thừ 28 tỉnh, thông qua đó đã thực hiện Chương trình an sinh xã hội, trao các công trình nhà “Búp sen hồng” và học bổng cho thiếu thi có hoàn cảnh khó khăn; giao lưu nghệ thuật múa rom vong, biểu diễn nghệ thuật và giao lưu tại các huyện Trần Đề, Châu Thành, Thạnh Trị và thị xã Vĩnh Châu.
Đồng thời, triển khai thực hiện Hợp phần Bảo vệ trẻ em thuộc Dự án Bạn Hữu trẻ em tỉnh tại 6 xã của huyện Trần Đề và Long Phú. Tổ chức Hội nghị triển khai, Hội thảo quản lý trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và 03 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm dự án ở các huyện và xã điểm. Trung tâm Bảo trợ xã hội tuyển dụng 01 nhân viên công tác xã hội, thành lập Tổ công tác xã hội tại đơn vị. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Trần Đề và Long Phú tuyển dụng 02 nhân viên công tác xã hội để thực hiện dự án.
Thời gian tới, ngành LĐ-TB&XH tiếp tục triển khai các giải pháp Phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước. Phối hợp Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch xin phép dựng 12 biển cảnh báo khu vực nước nguy hiểm để phòng đuối nước cho trẻ em tại các xã, thị trấn thuộc huyện Long Phú. In ấn các sản phẩm tuyên truyền phòng, chống đuối nước trẻ em và tiêu chí ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em. Tổ chức các lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em cho cha mẹ và người chăm sóc trẻ em.
Tiếp tục thực hiện Chương trình hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Nâng cao năng lực cho cán bộ công an làm công tác điều tra thân thiện với trẻ em và người chưa thành niên các cấp; nhân rộng mô hình Tổ phụ nữ phản ứng nhanh phòng, chống xâm hại trẻ em cho lực lượng cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ chuyên trách các cấp và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên, hội viên nòng cốt của Hội Liên hiệp phụ nữ. Phối hợp Công an tỉnh và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Long Phú, thị xã Ngã Năm và thị xã Vĩnh Châu tổ chức 03 tập huấn cho 300 trẻ em về kiến thức phòng, chống xâm hại trẻ em; tập huấn kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em.
Thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030. Thực hiện có hiệu quả Đề án hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng và Đề án chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng. Tổ chức hội nghị tuyên truyền và tập huấn nâng cao kỹ năng về bảo vệ trẻ em, chăm sóc vì sự phát triển toàn diện của trẻ em trong những năm đầu đời cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em tại các địa phương.
Thực hiện Đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh vận động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số nhằm cải thiện tình trạng sức khỏe, dinh dưỡng của trẻ em thông qua khám chữa bệnh, hỗ trợ bữa ăn dinh dưỡng, đồ ấm cho trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học; hỗ trợ trẻ em được tham gia hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho trẻ em ở các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường huy động nguồn lực toàn xã hội để hỗ trợ cho trẻ em, nhất là trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trong dịp Tết Trung thu cổ truyền, phối hợp với Tỉnh Đoàn và các sở, ngành có liên quan xây dựng Kế hoạch phối hợp tổ chức chương trình tặng quà Tết Trung thu cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn và trẻ em lang thang, tạo điều kiện để tất cả trẻ em được vui đón Tết Trung thu, an toàn, ý nghĩa. Thu hút và định hướng trẻ em tham gia vào các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh, bổ ích, giáo dục văn hóa truyền thống của dân tộc, tạo không khí hăng hái, đoàn kết bước vào năm học mới.