Xây dựng mô hình sinh kế bền vững từ nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm
- Bài thuốc hay
- 23:34 - 09/12/2020
Nhà ở ngay bên bờ sông Bồ, cứ vào mùa mưa lũ là đời sống của gia đình chị Nguyễn Thị Sảng (39 tuổi) cũng như hầu hết các hộ dân tại thôn Phò Nam A, xã Quảng Thọ nói riêng, toàn huyện Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) nói chung lại chịu ảnh hưởng không nhỏ. Đặc biệt, nước lũ dâng cao, ngập úng lâu ngày còn phá huỷ nhiều tài sản, vườn ruộng, mô hình sinh kế của người dân. Với đặc thù là vùng nông nghiệp, chuyên canh lúa nước và hoa màu, người dân vùng này luôn nơm nớp lo lắng mỗi khi có mưa to, lũ kéo dài. Không nói đâu xa, đợt mưa lũ nghiêm trọng từ giữa tháng 9/2020 đến nay đã gây thiệt hại gần như toàn bộ diện tích sản xuất rau màu của người dân các vùng thấp trũng như Quảng Thọ, Quảng Thành, Quảng An, Quảng Phước, Quảng Phú,..(thuộc huyện Quảng Điền). Ngay như gia đình chị Sảng cũng có hơn 3 sào ruộng khô chuyên trồng rau, củ quả các loại bị thiệt hại toàn bộ trong đợt "lũ chồng lũ" này.
Tuy nhiên, bên cạnh những bất lợi nói trên, thì việc sống ngay bên bờ sông Bồ cũng mở ra cho gia đình chị Sảng cơ hội xây dựng mô hình sinh kế bền vững, phù hợp, đó chính là mô hình nuôi cá lồng. Cũng như nhiều hộ dân khác tại thôn Phò Nam A, gia đình chị Sảng đã bắt đầu nuôi cá trắm lồng từ hơn 10 năm nay. Ban đầu do chưa có nhiều vốn nhiều, chị Sảng cũng chỉ nuôi 1 đến 2 lồng, sau đó từ các nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình đã mở rộng và hiện có 4 lồng, với hơn 800 con cá trắm thương phẩm và cá giống.
Chị Sảng cho biết, vào năm 2017, thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Quảng Thọ, chị biết đến nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Chị mạnh dạn bàn với chồng vay 50 triệu đồng về đầu tư mua lồng cá và cá giống. Chỉ một năm sau, tức đến năm 2018, gia đình chị đã trả hết số vốn này. Mới đây, gia đình chị Sảng tiếp tục vay thêm 30 triệu đồng từ nguồn vốn này tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quảng Điền để mua thêm một lồng cá mới.
Với 4 lồng cá hiện có, chị Sảng dành 3 lồng để nuôi cá thương phẩm và 1 lồng nuôi cá giống để gối vụ. Một lồng cá thương phẩm nuôi bình quân khoảng hơn 200 con. Từ thời điểm thả cá giống đến khi thả nuôi gối vụ rồi xuất lồng, người nuôi mất khoảng 2 năm chăm nuôi. Một lồng cá xuất ra thị trường đem về nguồn thu từ 40 - 45 triệu đồng, sau khi trừ các chi phí, người nuôi lãi khoảng 30 triệu đồng. Trong năm 2020 vừa qua, gia đình chị Sảng xuất được 2 lồng cá trắm thương phẩm, thu về hơn 60 triệu đồng, kết hợp các nguồn thu khác đem về tổng nguồn thu khoảng trên 100 triệu đồng. "Với người nông dân thì chủ yếu lấy công làm lãi. Mùa nhiều cỏ thì đi hái cỏ, mùa không có cỏ như hiện tại thì lá chuối, cây chuối thái ra thả cho cá ăn, đồng thời cho ăn dặm thêm bột chuyên dụng là được", chị Sảng cho biết.
Cũng vay vốn từ nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm như hộ chị Nguyễn Thị Sảng, nhưng ông Nguyễn Lai (65 tuổi, ở thôn Tân Xuân Lai, Quảng Thọ) lại đầu tư vào mô hình nuôi trâu đàn. Gắn bó với nghề nuôi trâu đàn đã hơn 13 năm nay, cùng với làm ruộng, vườn rau màu, đã mang lại nguồn thu ổn định để vợ chồng ông Lai đã nuôi dạy 6 người con khôn lớn, học hành đến nơi đến chốn. "Hiện nhà tôi có 7 con trâu, trong đó có 4 trâu mẹ, nghé. Bình quân mỗi năm xuất chuồng 3 nghé, mỗi con khoảng 20 triệu đồng", ông Lai cho biết.
Nói về nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, cả ông Lai và chị Sảng đều cho biết, đây là vốn vay ưu đãi có lãi suất thấp và rất phù hợp với người nông dân, người nghèo. Người dân cũng mong Nhà nước có thể nâng tổng số tiền cho vay cũng như đáp ứng đầy đủ hơn nữa nguồn vốn khi người dân có nhu cầu để họ có thể tiếp cận, đầu tư xây dựng các mô hình sinh kế phù hợp trong tình hình mới hiện nay.
Bà Hoàng Thị Thu Thuỷ, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Quảng Thọ cho biết, hiện có 343 hội viên phụ nữ xã Quảng Thọ tham gia vay các nguồn vốn ưu đãi để làm ăn, trong đó có hơn 100 hội viên vay vốn từ nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Từ các nguồn vốn vay này, nhiều hộ nông dân, hộ mới thoát nghèo xây dựng được mô hình sinh kế mang lại hiệu quả cao, phát triển sản xuất kinh doanh.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Vinh - Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Quảng Điền - cho biết, trong thời gian qua, đơn vị đã chuyển tải kịp thời nguồn vốn ưu đãi đến tận tay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác. Các nguồn vốn vay ưu đãi, trong đó có nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đã góp phần giúp người dân phát triển sản xuất kinh doanh, xây dựng mô hình sinh kế bền vững, qua đó có nguồn thu nhập ổn định, bảo đảm đời sống.
Đến nay, dư nợ cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm tại đơn vị đạt 24.841 triệu đồng, với 691 khách hàng còn dư nợ. Trong 11 tháng năm 2020, Ngân hàng CSXH huyện Quảng Điền đã cho vay 13.233 triệu đồng, góp phần giải quyết và tạo việc làm ổn định cho 310 lao động.
Theo ông Lê Vinh qua khảo sát của đơn vị, hiện nay, nhất là sau đợt mưa lũ vừa qua, nhu cầu vay vốn trong dân khá cao. Tuy nhiên nguồn vốn hiện nay chỉ đáp ứng được một phần nhỏ, tỷ lệ nguồn vốn chương trình này chỉ chiếm tỷ trọng 6,5% trong tổng nguồn vốn trên địa bàn. Vì vậy ông kiến nghị Trung ương bổ sung thêm nguồn vốn cho chương trình này; đồng thời cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm bố trí nguồn vốn địa phương ủy thác sang NHCSXH để cho người dân vay vốn làm ăn.
Lãnh đạo Chi nhánh NHCSXH tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tín dụng chính sách xã hội trong những năm qua luôn kịp thời đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách, đã tạo điều kiện cho hàng nghìn lượt hộ gia đình tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ nhằm phát triển sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, các hộ dân được tiếp cận nguồn vốn kịp thời nhằm tái thiết sản xuất sau lũ.