THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:25

Xây dựng Luật lực lượng dự bị động viên là phù hợp với tình hình mới

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội


Sáng nay (11/6), sau khi các đại biểu thảo luận ở hội trường về dự án Luật Lực lượng dự bị động viên, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Luật này.

Đại biểu Lê Ngọc Hải (Quảng Nam) cho rằng, sau hơn 20 năm thực hiện Pháp lệnh về Lực lượng dự bị động viên đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, là cơ sở góp phần thiết thực xây dựng lực lượng vũ trang nói chung và lực lượng dự bị động viên nói riêng ngày càng hùng hậu, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, nhiều chủ trương, quan điểm mới của Đảng, quy định mới của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến lực lượng dự bị động viên chưa được thể chế, cụ thể hóa. Nhiều nội dung đang được điều chỉnh ở văn bản quy phạm pháp luật có tính pháp lý chưa cao, chưa được điều chỉnh hoặc điều chỉnh chưa đầy đủ; quá trình thực hiện đã bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc, chưa phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Theo đại biểu, việc xây dựng Luật là rất cần thiết trong điều kiện hiện nay.

Về cơ bản, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) đồng tình với cách đặt tên của điều luật, nếu luật này bỏ đi hai chữ "lực lượng" ở tên điều luật có lẽ sẽ bao kín toàn bộ nội dung của luật. Có nghĩa là chỉ còn là Luật Dự bị động viên.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) lại nhấn mạnh đến nguyên tắc xây dựng lực lượng dự bị động viên, theo đại biểu cần bổ sung thêm nguyên tắc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đăng ký, sắp xếp, huy động lực lượng dự bị động viên và tạo thuận lợi cho người dân.

Bà Thủy lưu ý, đối với đối tượng được sắp xếp vào lực lượng dự bị động viên thì được quyền biết và nhận thông tin về việc sắp xếp này để thực hiện nghĩa vụ của mình, có trách nhiệm đăng ký tạm trú, tạm vắng khi có thay đổi về chỗ ở để địa phương cập nhật thông tin, báo cáo trong tình trạng khẩn cấp, ưu tiên huy động lực lượng được sắp xếp tại chỗ và đang hiện diện trước, khi thiếu sẽ huy động thêm các đối tượng không được sắp xếp vào các đơn vị dự bị động viên tại chỗ nhưng đang hiện diện tại địa phương, không nhất thiết phải yêu cầu đối tượng quay trở về địa phương theo lệnh huy động trừ trường hợp có tình huống đặc biệt (như xảy ra chiến tranh, bạo loạn hay khủng bố).

“Điều này phù hợp với thực trạng chuyển dịch lao động lớn hiện nay và tạo thuận lợi cho công dân trong thời bình phù hợp với đặc thù của lực lượng dự bị động viên là quân trong dân, không thoát ly sản xuất, đồng thời huy động phải đảm bảo đúng chế độ, không nên chỉ bù đắp một phần như trong dự thảo luật”, đại biểu tỉnh Bến Tre nói.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre)


Giải trình ý kiến của các đại biểu về việc thay đổi tên gọi của dự thảo Luật, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch cho biết, theo Điều 66 Hiến pháp quy định nhà nước xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có lực lượng thường trực hợp lý, lực lượng dự bị động viên hùng hậu, lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp làm nòng cốt cho nhiệm vụ quốc phòng.

Điều 1, khoản 1 Điều 25 Luật Quốc phòng quy định quân đội nhân dân là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng bao gồm lực lượng thường trực và lực lượng dự bị động viên.

Điều 2, Pháp lệnh Lực lượng dự bị động viên quy định lực lượng dự bị động viên bao gồm quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật đã xếp trong kế hoạch bổ sung cho lực lượng thường trực của quân đội. Trong thực tiễn hơn 20 năm thực hiện Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên, các đơn vị địa phương không có vướng mắc gì về tên gọi, vì vậy Bộ Quốc phòng đề nghị Quốc hội cho giữ nguyên tên gọi như dự thảo.

Hai, về vị trí, vai trò, chức năng quyền hạn của lực lượng dự bị động viên. Có ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định vị trí, vai trò, chức năng, quyền hạn của lực lượng dự bị động viên vào dự thảo luật. Bộ Quốc phòng báo cáo như sau, lực lượng dự bị động viên là 1 thành phần của quân đội, vị trí, vai trò, chức năng, quyền hạn của lực lượng này thống nhất với vị trí, vai trò, chức năng, quyền hạn của quân đội đã được quy định tại Điều 66 Hiến pháp năm 2013.

Tại khoản 2 Điều 25 Luật Quốc phòng quy định quân đội nhân dân có nhiệm vụ, chức năng sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, thực hiện công tác vận động quần chúng, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, lao động sản suất kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội, tham gia phòng thủ dân sự, cùng toàn dân xây dựng đất nước, thực hiện nghĩa vụ quốc tế.

Vì vậy, ông Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh, Bộ Quốc phòng đề nghị Quốc hội cho giữ nguyên như dự thảo.

Về chế độ chính sách trong dự thảo Luật, ông Lịch cho hay, việc bảo đảm chế độ chính sách cho quân nhân dự bị và chủ phương tiện được huy động là nội dung quan trọng trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên. Quân nhân dự bị được biên chế về các đơn vị dự bị động viên được xây dựng huấn luyện, kiểm tra, sát hạch chiến đấu từ thời bình, bổ sung cho quân đội khi cần thiết.

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cũng cho biết, quy định bổ sung chế độ chính sách, nhất là điều chỉnh phụ cấp của quân nhân dự bị theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ bù đắp sức khỏe cho quân nhân dự bị, bảo đảm thu nhập cho lao động lực lượng dự bị động viên là cần thiết và phù hợp...

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh