CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:23

Xây dựng đội ngũ lãnh đạo chủ chốt tại các doanh nghiệp nhà nước ngang tầm nhiệm vụ

Toàn cảnh hội thảo

Toàn cảnh hội thảo

Sáng nay 4/12/2021 tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức Hội thảo với chủ đề “Xây dựng đội ngũ lãnh đạo chủ chốt tại các doanh nghiệp nhà nước ngang tầm nhiệm vụ: thực trạng và giải pháp”.

Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước

Hội thảo nằm trong chương trình xây dựng Đề án “Xây dựng quy định về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước phù hợp với thể chế chính trị, cơ chế thị trường và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế”.

Đề án này được Bộ Chính trị giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng, nhằm thực hiện mục tiêu: “Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước trên nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế. Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội và bảo toàn, phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp” theo tinh thần của Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 03/6/2017 của Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước”.

Hội thảo nhận được sự quan tâm và tham gia của hơn 100 đại biểu trực tiếp tại điểm cầu Trung tâm Hội nghị quốc tế cùng hơn 300 đại biểu trực tuyến là các chuyên gia, các nhà khoa học; đại diện lãnh đạo một số ban, bộ ngành, viện, trường, doanh nghiệp nhà nước cùng đông đảo các cơ quan báo chí.

Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được nhiều báo cáo tham luận của các chuyên gia, viện, trường, doanh nghiệp nhà nước và bộ ngành đã góp phần làm sáng tỏ nhiều nội dung theo chủ đề Hội thảo…

Một số tham luận cũng thẳng thắn chỉ ra công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ còn một số tồn tại; tài liệu, khung chương trình chưa được quan tâm để chuẩn hóa.

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong

Đặc biệt công tác đánh giá cán bộ còn là khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể, thậm chí còn “chưa mang tính khích lệ, sẻ chia, tạo động lực” như ý kiến của TS Nguyễn Đình Cung- nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư;

Cũng như “cần tô đậm vào 4 yếu tố: bổ nhiệm – phân cấp – đào tạo -chịu trách nhiệm” theo ý kiến của Viện trưởng Viện Kinh tế (thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) Bùi Văn Huyền. Các quy định hiện hành chưa thực sự khơi nguồn cho đổi mới sáng tạo và dám nghĩ, dám làm vì còn có những ràng buộc trách nhiệm đối với từng việc cụ thể mặc dù vẫn bảo đảm bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Trong tham luận tại hội thảo, đồng chí Lý Quốc Hùng- Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Công Thương) đề xuất cần sửa đổi bổ sung các chế độ chính sách về tiền lương cũng như cơ chế khuyến khích đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước.

Bên cạnh đó cần có được khung chương trình đào tạo gắn với mô hình doanh nghiệp nhà nước. Đi cùng các chương trình đào tạo cấp cao về lý luận chính trị, quốc phòng an ninh, hội nhập kinh tế quốc tế cũng cần có các chương trình đào tạo cấp độ doanh nghiệp, gắn với mô hình doanh nghiệp nhà nước.

Chưa có quy định về tuyển dụng thi tuyển hay thuê nhân sự chủ chốt

Bên cạnh nhiều kết quả đạt được trong công tác cán bộ thời gian qua, nội dung của các tham luận và các ý kiến phát biểu đã tập trung vào một số vấn đề đặt ra trong công tác cán bộ như sau:

Một là, về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ tại doanh nghiệp nhà nước: Chủ trương, đường lối của Đảng về công tác cán bộ tương đã được quy định đầy đủ trong các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, quy chế; tuy nhiên, Đảng chưa ban hành quy định riêng đối với công tác cán bộ tại doanh nghiệp nhà nước.

Hiện nay, công tác cán bộ tại doanh nghiệp nhà nước được áp dụng theo áp dụng theo Nghị định số 159/2020/NĐ-CP, ngày 31/12/2020 của Chính phủ về quản lý người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Trong quá trình thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, vẫn còn có sự thiếu đồng bộ giữa văn bản pháp luật của Nhà nước với các quy chế, quy định của Đảng (như về quy trình quy hoạch, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp nhà nước; nguyên tắc lấy quy hoạch cấp ủy làm cơ sở cho quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý...).

Ngoài ra, trong bản thân các cơ chế, chính sách của Nhà nước còn chưa thực sự đầy đủ, chưa cụ thể và bao quát hết các trường hợp cần quy định liên quan tới công tác cán bộ lãnh đạo, quản lý tại các doanh nghiệp Nhà nước.  

4

Hai là, về công tác tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ: Chưa có quy định về tuyển dụng theo hình thức thi tuyển hay thuê nhân sự chủ chốt; mặc định các vị trí chủ chốt phải là Đảng viên, từ đó hạn chế nguồn cán bộ, thiếu linh hoạt.

Còn một số vướng mắc trong quy định về quy hoạch cán bộ, đặc biệt là quy định về quy hoạch tương đương đối với cán bộ đến từ các cơ quan, ban ngành khác nhau. Công tác điều động, luân chuyển cán bộ còn chưa phù hợp khi  bố trí công chức quản lý nhà nước chuyển sang quản lý DNNN …

Ba là, về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ còn một số tồn tại; tài liệu, khung chương trình chưa được quan tâm để chuẩn hóa.

Bốn là, công tác đánh giá cán bộ còn là khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể. Các quy định hiện hành chưa thực sự khơi nguồn cho đổi mới sáng tạo và dám nghĩ, dám làm vì còn có những ràng buộc trách nhiệm đối với từng việc cụ thể mặc dù vẫn đảm bảo bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Một số giải pháp triển khai hiệu quả, kịp thời công tác cán bộ giai đoạn tới

Kết luận tại Hội thảo, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong cho biết, các bài tham luận và các ý kiến phát biểu đã kiến nghị một số giải pháp để triển khai một cách có hiệu quả, kịp thời công tác cán bộ trong giai đoạn tới; đặc biệt như:

Thứ nhất, Cần nghiên cứu, đánh giá và xem xét quan điểm “…không bố trí, phân công các chức vụ lãnh đạo chủ chốt trong doanh nghiệp nếu không phải là cấp ủy viên cấp trên hoặc cùng cấp” trong quy định số 69-QĐ/TW của Ban Bí thư ngày 13 tháng 02 năm 2017. Đây là một vấn đề rất quan trọng, liên quan đến việc tháo gỡ cơ chế trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm nhân sự có chất lượng cao vào vị trí chủ chốt của doanh nghiệp nhà nước;

Thứ hai, Nâng cao vai trò của cấp ủy đối với công tác cán bộ trong doanh nghiệp nhà nước;

Thứ ba, Đẩy mạnh thí điểm cơ chế trong công tác tuyển dụng như tuyển dụng, bổ nhiệm thông qua thi tuyển cạnh tranh, công khai, minh bạch; cơ chế thuê tổng giám đốc, giám đốc điều hành, thành viên Hội đồng quản trị, tuyển cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước kèm theo phương án kinh doanh…

Thứ tư, Đổi mới trong công tác quy hoạch cán bộ, cần hướng tới những tiêu chí rõ ràng, minh bạch, khắc phục tính hình thức, dễ dãi…

Thứ năm, Tăng cường và đổi mới công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ doanh nghiệp nhà nước một cách thực chất và phù hợp với nhu cầu công việc của doanh nghiệp.

Thông qua ý kiến và tham luận của các bộ, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện một số Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước tại phiên thảo luận, trao đổi, tôi rất hoan nghênh các sáng kiến và các giải pháp mà các đồng chí Lãnh đạo Tập đoàn, Tổng công ty đã thực hiện ở đơn vị mình nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng đội ngũ lãnh đạo chủ chốt tại các doanh nghiệp nhà nước ngang tầm nhiệm vụ.  

Sau hội thảo, các ý kiến, kiến nghị và đề xuất của các bộ, ngành, doanh nghiệp nhà nước, chuyên gia và các nhà khoa học sẽ được Ban Kinh tế Trung ương cùng các cơ quan, tổ chức có liên quan tổng hợp, chắt lọc và tiếp thu để hoàn thiện Đề án “Xây dựng quy định về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước phù hợp với thể chế chính trị, cơ chế thị trường và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế” trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư vào năm 2022.

Thành Công

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh