Xây dựng điện ảnh Việt Nam thành ngành công nghiệp văn hóa
- Văn hóa - Giải trí
- 15:06 - 09/12/2021
Tại Hội nghị - Hội thảo tổng kết 7 năm thực hiện Chiến lược phát triển Điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Bộ VH-TT&DL tại Hà Nội, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết, việc triển khai Chiến lược phát triển Điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 sau 7 năm đã mang lại một diện mạo nhiều thay đổi cho điện ảnh Việt. Phim Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng ghi nhận về nội dung và chất lượng nghệ thuật, đáp ứng yêu cầu đa dạng của thị trường điện ảnh. Số lượng phim truyện chiếu rạp của Việt Nam từ năm 2014 - 2020 đã đạt và vượt chỉ tiêu là 36 - 40 phim/năm. Nhiều bộ phim đóng vai trò quảng bá điện ảnh, thúc đẩy phát triển du lịch như: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh; Kong: Đảo đầu lâu - Kong: Skull Island...
Ông Vi Kiến Thành cho biết, 5 năm trở lại đây, bên cạnh dòng phim tài trợ, đặt hàng của Nhà nước, hoạt động sản xuất phim trong khối doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh, xuất hiện nhiều phim có doanh thu cao, đem lại tín hiệu khả quan cho công nghiệp điện ảnh như: Bố già, Hai Phượng, Cua lại vợ bầu, Mắt biếc, Em chưa 18, Gái già lắm chiêu, Lật mặt 48h...
Hệ thống rạp chiếu phim, số lượng phòng chiếu, đầu tư máy chiếu phim công nghệ kỹ thuật số hiện đại trong thời gian qua phát triển mạnh mẽ... Việc đầu tư trang thiết bị chiếu phim kỹ thuật số cho đội chiếu phim lưu động ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đáp ứng được khoảng 50% mục tiêu đề ra tại Chiến lược...
Một trong những mục tiêu trong thực hiện Chiến lược Phát triển Điện ảnh đến năm 2030 được Bộ VH-TT&DL tập trung là phát triển điện ảnh vừa là ngành nghệ thuật, vừa là ngành kinh tế. Đặc biệt, từng bước phấn đấu xây dựng điện ảnh Việt Nam trở thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo vị thế trên trường quốc tế.
Theo đánh giá của các chuyên gia và nhà quản lý, trong giai đoạn 2013 - 2020, điện ảnh Việt Nam đã có những thay đổi toàn diện, thể hiện rõ nét ở các nội dung xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách; xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật điện ảnh; sản xuất phim; phát hành - phổ biến phim; đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực; xây dựng cơ sở kỹ thuật đồng bộ và đổi mới công nghệ; hợp tác quốc tế trong phát triển điện ảnh.
PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam nêu vấn đề ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất phim Việt Nam, đồng thời đề cập đến những tác động của kỷ nguyên kỹ thuật số tới hoạt động của toàn ngành điện ảnh. "Để có môi trường chuyên nghiệp công nghệ cao, phải có sự phối hợp đồng bộ từ các phương tiện máy móc, thiết bị mới cùng trình độ của nguồn nhân lực... Để làm tốt điều này, phải cần đến định hướng chiến lược và sự đầu tư có bài bản của Nhà nước cho hoạt động công nghệ hiện đại ở tất cả các khâu sản xuất phim, phát hành và phổ biến phim, lưu trữ phim, đào tạo..."- ông Đỗ Lệnh Hùng Tú cho biết.
Trong khi đó, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát cho rằng, trong giai đoạn tới, muốn điện ảnh Việt Nam có tác phẩm đạt tầm cỡ thế giới, cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, phát hiện những tài năng. Theo bà Ngát, chúng ta phải tìm kiếm các tài năng trẻ để bồi dưỡng, tập trung mọi nguồn lực cho họ để sáng tạo, sản xuất phim. Nói đến một nền điện ảnh dân tộc, có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng, giáo dục thẩm mĩ, mang đậm bản sắc phải trông cậy vào lĩnh vực sản xuất phim. Sản xuất phim càng nhiều thì mới có phim hay, mới được khu vực và thế giới biết đến.
Theo Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Tạ Quang Đông, thời gian qua, nhìn chung điện ảnh Việt Nam đã cố gắng hội nhập với dòng chảy chung của điện ảnh thế giới. Tuy nhiên, điện ảnh Việt Nam vẫn còn một số hạn chế như chưa xây dựng được các cơ chế, chính sách phù hợp, đồng bộ để phát triển công nghiệp điện ảnh. Chính sách về đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động điện ảnh chưa thu hút được các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia. Đáng chú ý, vấn đề bản quyền trong lĩnh vực điện ảnh nói riêng và ngành công nghiệp sáng tạo nói chung ở Việt Nam những năm qua xảy ra rất nhiều vụ việc, tình trạng vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ còn khá nhiều.
Bên cạnh đó, đầu tư cho sản xuất phim còn thấp, việc sản xuất phim hiện phần lớn là doanh nghiệp tư nhân. Phim Nhà nước đặt hàng ngày càng ít về số lượng và hạn chế chất lượng. Việc quảng bá, truyền thông thu hút đầu tư cho sản xuất phim chưa hiệu quả. Hoạt động sản xuất và phát hành phim tại Việt Nam vẫn chưa bắt kịp với xu hướng công nghệ của thế giới.
Bên cạnh đó, điện ảnh Việt Nam thiếu đội ngũ nhân lực có khả năng tạo nên những tác phẩm điện ảnh có chất lượng đột phá, có tiếng vang trên trường quốc tế do công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đồng bộ cho nguồn nhân lực điện ảnh vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra, trong khi số lượng đội ngũ sáng tác, làm phim kể cả của điện ảnh và truyền hình mà chúng ta hay gọi là thế hệ vàng, nay đã lớn tuổi, mai một. Hoạt động hợp tác đầu tư quốc tế trong lĩnh vực điện ảnh chưa phát huy hết tiềm năng, giá trị và thế mạnh nội sinh. Kinh phí dành cho việc quảng bá phim Việt Nam ra nước ngoài còn hạn chế, chưa được coi trọng và thiếu tính chuyên nghiệp…
Kỳ vọng và tin tưởng điện ảnh Việt Nam sẽ phát triển, trở thành ngành dẫn đầu cho công nghiệp văn hóa, Thứ trưởng Tạ Quang Đông hy vọng, trong thời gian tới, những bất cập, tồn tại sẽ được tháo gỡ, tạo tiền đề để điện ảnh Việt Nam phát triển.