THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:18

Xây dựng cộng đồng thích ứng với thiên tai và biến đối khí hậu

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cho biết: Việt Nam là một trong 10 quốc gia bị ảnh hưởng nặng của thiên tai và thảm họa và đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất là đối tượng yếu thế, NKT. Trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước và Bộ LĐ-TB&XH đã có nhiều chính sách hỗ trợ NKT ứng phó với thiên tai và sau thiên tai, cùng với đó là các tổ chức quốc tế, cá nhân đã có nhiều hoạt động trợ giúp NKT ứng phó với thiên tai, thảm họa; cứu trợ, hỗ trợ kịp thời, nhất là đối với NKT nặng và đặc biệt nặng.

Các công tác ứng phó, cứu trợ, hỗ trợ được triển khai hết sức khẩn trương và nhanh chóng. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn một số khó khăn nhất định như: Năng lực cán bộ nhân viên chưa đáp ứng được kỹ năng, nhất là những kỹ năng trị liệu, phục hồi; hệ thống ứng phó, nhiều nơi trang thiết bị chưa đáp ứng được yêu cầu khẩn cấp; năng lực các cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng còn thiếu…

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi phát biểu khai mạc Hội thảo.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi phát biểu khai mạc Hội thảo.

Trước thực trạng đó, Thứ trưởng đề nghị cần xây dựng và nâng cao năng lực ứng phó, cứu hộ, cứu nạn; đề nghị các tổ chức, cá nhân hỗ trợ địa phương, cơ sở để nâng cao năng lực cấp xã; dự trữ nguồn lực; rà soát, chỉnh sửa, bổ sung và xây dựng tài liệu, hướng dẫn đào tạo, huấn luyện liên quan đến ứng phó thiên tai, thảm họa. Đặc biệt nhấn mạnh việc phối hợp giữa các đơn vị; quan tâm đến việc hỗ trợ liên ngành y tế, giáo dục, xây dựng tiếp cận đảm bảo công tác phòng chống và hỗ trợ sau thiên tai, thảm họa. Cùng với đó là cần lưu ý đến công tác truyền thông và điều phối trợ giúp cũng như việc kiểm tra, bảo dưỡng bảo trì các trang thiết bị cứu hộ cứu nạn để tránh các tình huống bất ngờ, gây khó khăn xử lý tình huống…

Theo ông Tạ Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng Quỹ hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam, sau 4 năm thực hiện dự án “Thúc đẩy phát triển hòa nhập của người khuyết tật và xây dựng cộng đồng thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình”, điều đọng lại là câu chuyện về sinh kế cho NKT, đặc biệt là phụ nữ khuyết tật thuộc diện nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số. Họ đã có thể tự chủ được nguồn thu nhập cho bản thân và gia đình ngày càng ổn định, vì vậy NKT ngày càng tự tin hơn, xóa bỏ đi những mặc cảm và hòa nhập cộng đồng, xã hội. NKT hoàn toàn có thể tham gia một cách chủ động và toàn diện vào phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu.

Sau 4 năm, dự án không chỉ đưa các xã ở huyện Nho Quan trở thành nơi có công trình công cộng thân thiện với NKT, đem đến sinh kế cho hàng nghìn NKT và gia đình mà còn góp phần thay đổi cơ bản một nhận thức đã ăn sâu vào định kiến rằng “NKT không thể làm gì trong thiên tai”.

Các đại biểu tham dự Hội thảo tại điểm cầu Hà Nội.

Các đại biểu tham dự Hội thảo tại điểm cầu Hà Nội.

Mô hình mà dự án xây dựng đã thay đổi toàn diện cách nhìn của cộng đồng và chính quyền về vai trò của NKT trong phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu, khi họ thấy NKT, đặc biệt là NKT nữ có thể tự quản lý được sinh kế của mình theo hướng bền vững và thích ứng với BĐKH, có thể chủ động tham gia lập kế hoạch phòng chống thiên tai và BĐKH cấp địa phương, thực hiện và giám sát thực hiện các kế hoạch ấy.

Trong mô hình này, các hợp tác xã may, bèo bồng hay nuôi ong do NKT và gia đình họ làm chủ đã được trang bị các kỹ năng cần thiết để có thể tự tin phát triển bền vững trong thị trường, kể cả sau khi dự án kết thúc. Hơn 1,5 tỷ đồng đã được trao để xây dựng và phát triển ba hợp tác xã. Nhiều hỗ trợ được trao bằng tiền mặt, tập huấn, kết nối thị trường, trang thiết bị sản xuất để sau ba năm thành lập, 133 thành viên của HTX đều đi từ không đến có thu nhập từ 800.000 đồng đến 3 triệu đồng/người/tháng, từng bước tự chủ về kinh tế cho mình và gia đình mình.

Quan trọng nhất, NKT khi tham gia dự án đã có không gian và tiếng nói của mình trong phòng chống thiên tai và thích ứng với BĐKH ở địa phương. Chị Đinh Thị Yến (thôn Nga 2, xã Cúc Phương, huyện Nho Quan) là NKT tham gia dự án từ đầu cho biết: “Nhờ dự án, tôi cũng như các bạn NKT khác không còn mặc cảm hay tự ti khi ra xã hội. Chúng tôi hào hứng tham gia, đóng góp ý kiến tại các buổi họp, hoạt động tại cộng đồng. Chúng tôi đã hiểu và biết được những rủi ro thiên tai có thể xảy ra ở địa phương và cách phòng tránh, chủ động chuẩn bị cách ứng phó, những địa điểm tránh trú an toàn mà dự án đã hướng dẫn, biết liên hệ với cá nhân, đơn vị có trách nhiệm khi thiên tai xảy ra. Các HTX may mặc, đan bèo bồng, nuôi ong cũng giúp chúng tôi tăng thu nhập, ổn định cuộc sống và thêm tự chủ”.

Bà Phạm Thị Hải Hà, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội phát biểu kết luận Hội thảo.

Bà Phạm Thị Hải Hà, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội phát biểu kết luận Hội thảo.

Các ý kiến tại hội thảo khẳng định trách nhiệm của cộng đồng và chính quyền trong hỗ trợ NKT hòa nhập và thích ứng trong phòng chống thiên tai và BĐKH. Các khóa tập huấn, trợ giúp tâm lý và pháp lý, hoạt động tạo thu nhập của dự án đã hỗ trợ trực tiếp cho hơn 2.500 NKT và gia đình ở huyện Nho Quan có một cuộc sống hài hòa ổn định và có tiếng nói mạnh mẽ trong cộng đồng.

Mô hình hay của Dự án về sự tham gia của NKT trong kiểm toán xã hội đã vinh dự được lựa chọn vào chung kết giải thưởng toàn cầu “Zero Project” – dành cho các sáng kiến hay trên toàn thế giới về khuyến khích sự tham gia thực chất của NKT vào cuộc sống và biến nguyện vọng, tiếng nói của họ thành hiện thực.

Phát biểu kết luận hội thảo, bà Phạm Thị Hải Hà, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) đánh giá cao những kết quả của dự án cùng các ý kiến tại hội thảo. Dự án đạt hiệu quả cao và có ý nghĩa đối với NKT, rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm. Đây cũng là một mô hình hay mang lại hiệu quả lâu dài nhất là về sinh kế, giáo dục, nghề nghiệp, đặc biệt khuyến khích tính chủ động đối với NKT trong ứng phó với thiên tai, dịch bệnh... Từ đó cần được nhân rộng.

Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ đề nghị xây dựng tài liệu và truyền thông rộng rãi về mô hình này đến các cơ quan chức năng và các tổ chức để học tập kinh nghiệm từ mô hình. Mong muốn các địa phương trong thời gian tới sẽ ứng dụng linh hoạt, cải tiến từ mô hình để phù hợp điều kiện địa phương, ứng phó đối với từng tính chất của thiên tai...

VÂN KHÁNH

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh