Xây dựng 1.380 ngôi nhà an toàn và tái sinh 1.386 ha rừng ngập mặn
- Dược liệu
- 23:34 - 17/01/2019
Thông tin được công bố tại cuộc họp Ban chỉ đạo dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” (GCF) diễn ra ngày 17/1, tại Hà Nội. Cuộc họp do Bộ NN&PTNT, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc và Bộ Xây dựng phối hợp tổ chức.
Bàn giao nhà an toàn cho người dân bị ảnh hưởng bão, lũ.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng biểu dương những nỗ lực của các thành viên Ban quản lý dự án và các bên liên quan trong việc hoàn thành kế hoạch triểm khai dự án trong năm 2018. Đến nay, dự án đã hỗ trợ triển khai xây dựng được 1.098 căn nhà an toàn, hỗ trợ trồng và phục hồi gần 200 hécta rừng ngập mặn; đồng thời triển khai thực hiện các khóa tập huấn cho hơn 15.000 cán bộ các cấp và người dân ở 100 xã về lập kế hoạch và đánh giá rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.
“Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vì những lý do khách quan và chủ quan còn mố vấn đề cần giải quyết. Tôi hy vọng, tại cuộc họp này, sau khi cập nhật tình hình thực hiện dự án, Ban chỉ đạo sẽ thảo luận và thống nhất những biện pháp giải quyết các khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án,” ông Thắng nói.
Về phía đối tác, bà Caitlin Wiesen, quyền trưởng đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết, GCF là dự án đầu tiên của Quỹ Khí hậu xanh ở khu vực ASEAN và Việt Nam đã đạt được những thành công quan trọng và mang ý nghĩa trên phạm vi toàn cầu.
Bên cạnh đó, dự án GCF cũng đã có những đổi mới trong các nội dung quan trọng như giám sát và đánh giá nhằm tăng cường lồng ghép giới và bảo đảm các yêu cầu an toàn xã hội.
Năm 2018, Dự án đã hoàn thiện việc xây dựng 1.098 nhà chống chịu bão lũ cho hơn 4,000 người (64% là phụ nữ); Trồng và khôi phục 199 ha rừng ngập mặn; Hoàn thành các lớp tập huấn về Quản lý và đánh giá rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng cho hơn 100 xã với hơn 15.000 lượt người (30% là phụ nữ) tham gia tập huấn và đánh giá; Dự án cũng đã có những đổi mới trong các nội dung quan trọng như giám sát và đánh giá nhằm tăng cường lồng ghép giới và bảo đảm các yêu cầu an toàn xã hội trong các hoạt động của dự án. Đội ngũ cán bộ dự án của UNDP và Chính phủ Việt Nam đã cùng phối hợp hiệu quả để đạt được mốc giải ngân đầu tiên là 2,5 triệu USD vào 30/6/2018. Nhờ đó nhà tài trợ GCF đã chuyển tiếp đợt tài trợ thứ hai kịp thời và qua đó Việt Nam đã chứng tỏ năng lực của mình trong việc thực hiện các dự án, đồng thời đây cũng là điểm mấu chốt để Việt Nam tiếp tục được nhận các dự án tài trợ từ Quỹ Khí hậu xanh (GCF) trong tương lai.
“Tôi hy vọng chúng ta có thể tiếp nối các thành công đã đạt được để hoàn thành các mục tiêu tiếp theo của dự án trong những năm tới,” bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh.
Năm 2019, bà Caitlin Wiesen đề 7 tỉnh dự án sẽ khẩn trương khẳng định việc bố trí vốn đối ứng cho 1.350 căn nhà chống chịu bão lũ và 1.386 ha rừng ngập mặn. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng của dự án. Đồng thời,đề xuất phương án thực hiện chi tiết và các giải pháp nhằm đảm bảo đạt được mốc giải ngân thứ 2 là 4,8 triệu USD vào tháng 7/2019.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện dự án năm 2018 và đề xuất các giải pháp để có thể triển khai thực hiện tốt kế hoạch năm 2019 cũng như các năm tiếp theo.Đại diện các tỉnh tham gia dự án cũng khẳng định cam kết bố trí vốn đối ứng cho 1.380 căn nhà an toàn chống chịu bão lũ và 1.386 ha rừng ngập mặn.
Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” do Quỹ khí hậu xanh tài trợ và với sự hỗ trợ của Chương trình phát triển Liên hợp quốc được bắt đầu triển khai thực hiện từ cuối năm 2017. Đây là dự án ô do Bộ NN&PTNT giữ vai trò chủ quản dự án, thực hiện chức năng điều phối chung và Bộ Xây dựng cùng với UBND các tỉnh Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Cà Mau là các cơ quan chủ quản tham gia quản lý, thực hiện và hưởng lợi từ Dự án.
Mục tiêu của dự án là tăng khả năng chống chịu của các cộng đồng dễ bị tổn thương vùng ven biển trước các tác động liên quan đến biến đổi khí hậu ở Việt Nam, thông qua: Nhà ở an toàn cho các cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương do bão lụt ngày càng gia tăng; tăng mạnh tỉ lệ che phủ rừng ngập mặn cung cấp khu đệm tự nhiên giữa biển và các cộng đồng ven biển...