Xây “điểm tựa” cho người nghèo
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 13:05 - 15/07/2016
Ước mong của người nghèo
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà mới, bà Nguyễn Thị Lý, xóm Na Chùa, xã Bá Xuyên, TP. Sông Công (Thái Nguyên) không giấu được xúc động: “Gia cảnh tôi rất khó khăn, được sự quan tâm của Nhà nước và anh em họ hàng nên mẹ con tôi có chỗ ở chắc chắn không lo bị dột mỗi khi trời mưa nữa, tôi chẳng biết nói gì, xin cảm ơn Đảng, Nhà nước.” Hoàn cảnh nhà bà Lý rất éo le, chồng mất sớm, một mình vất vả nuôi 4 con ăn học. Bản thân bà là công nhân Xí nghiệp Xây lắp 3 về nghỉ mất sức do bị tai nạn lao động. Cả nhà chỉ trông vào 4 sào ruộng, kinh tế khó khăn nên chưa dám nghĩ đến chuyện xây nhà. Thực hiện Quyết định 167 của Chính phủ, bà Lý được TP. Sông Công hỗ trợ tiền, ngân hàng chính sách xã hội cho vay ưu đãi cùng với sự giúp đỡ của anh em họ hàng, bà con lối xóm, gia đình bà đã có được ngôi nhà cấp 4 ba gian chắc chắn, thấm đượm nghĩa tình với tổng số tiền trên 60 triệu đồng.
Một trường hợp khác cũng ở TP. Sông Công đó là gia đình bà Nguyễn Thị Đàn, xóm Sơn Tía, xã Vinh Sơn. Hoàn cảnh gia đình bà Đàn hết sức khó khăn, nhờ chính sách hỗ trợ của Chính phủ, chung tay giúp đỡ của anh, em dòng họ và hàng xóm, gia đình đã xây được căn nhà vững chãi với trị giá 80 triệu đồng. Không giấu những giọt nước mắt hạnh phúc, bà bộc bạch: "Trước đây gia đình tôi phải sống trong căn nhà chật chội, xiêu vẹo, cũ nát nên lòng tôi cứ canh cánh nỗi lo mỗi khi mùa mưa đến. Nhận được sự giúp đỡ của Nhà nước và mọi người, chúng tôi đã xây được ngôi nhà chắc chắn, gia đình tôi mừng lắm!. Đây là sự động viên về cả tinh thần lẫn vật chất cho gia đình tôi phấn đấu vươn lên thoát nghèo”.
Với nguồn vốn vay ưu đãi nhiều hộ nghèo đã có cơ hội sở hữu những ngôi nhà khang trang.
Còn với chị Nguyễn Thị Hà, xóm Tân Hương, TP. Thái Nguyên, có được ngôi nhà mới khang trang là điều chị mơ ước từ lâu, nay mới trở thành hiện thực. Chị vui vẻ cho biết: Với một cặp vợ chồng khoẻ mạnh thì việc xây được một căn nhà mới khang trang cũng rất khó khăn, đối với những người khuyết tật như chúng tôi, điều đó còn khó gấp bội, bởi hai vợ chồng tôi đều bị khiếm thị, trong khi gia đình hai bên bố mẹ cũng rất nghèo. Thật không biết nói thế nào để cảm ơn Đảng, Nhà nước đã có chính sách giúp hộ nghèo như tôi có được ngôi nhà chắc chắn như bây giờ. Có nhà, khiến chúng tôi yên tâm hơn để lao động sản xuất vươn lên trong cuộc sống.
Thêm nhiều hộ nghèo được an cư
Nhằm thực hiện chương trình nhà ở hộ nghèo trong giai đoạn tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015 (Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg giai đoạn 2), với mục tiêu hỗ trợ nhà ở cho khoảng 311.000 hộ nghèo khu vực nông thôn toàn quốc. Mức vay tối đa 25 triệu đồng/hộ từ Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở. Lãi suất cho vay 3%/năm; thời hạn vay kéo dài 15 năm, trong đó thời gian ân hạn là 5 năm. Thời gian trả nợ tối đa là 10 năm bắt đầu từ năm thứ 6, mức trả nợ mỗi năm tối thiểu là 10% tổng số vốn đã vay.
Ông Vương Duy Mạnh, xã Song Phương, huyện Hoài Đức, Hà Nội cho rằng: "Với mức vay gấp 3 đợt trước, cùng với đó là thời gian cho vay kéo dài, đây thực sự là một niềm vui với những người nghèo đang cần sửa chữa, làm mới nhà ở. Nhờ có Quyết định này nhiều người nghèo được tiếp cận những chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước".
Bộ Xây dựng cho biết, theo số liệu báo cáo của các địa phương và kết quả tính toán tổng hợp, hiện có khoảng 510.000 hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2011 - 2015 có khó khăn về nhà ở. Trong đó có khoảng 345.000 hộ chưa được hỗ trợ nhà ở theo các chính sách hỗ trợ nhà ở khác; 15.000 hộ đã được hỗ trợ nhà ở theo các chính sách hỗ trợ nhà ở khác, nhưng nay nhà đã bị mất, sập đổ hoặc hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ do thiên tai, nhưng chưa có nguồn vốn để sửa chữa hoặc xây dựng lại; 150.000 hộ đã được hỗ trợ nhà ở theo các chính sách hỗ trợ nhà ở khác và đã có thời gian trên 8 năm nhưng nay đã hư hỏng, dột nát.
Theo tính toán của Bộ Xây dựng, nhu cầu vốn cần để hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo giai đoạn 2 vào khoảng 18.440 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương khoảng 4.620 tỷ đồng, ngân sách địa phương 320 tỷ đồng, vốn vay ưu đãi tương đương 7.500 tỷ đồng và dự kiến nguồn huy động từ cộng đồng và đóng góp của hộ gia đình khoảng 6.000 tỷ đồng. Việc thực hiện sẽ phân bổ theo năm, 2014 giải quyết hỗ trợ nhà ở cho 5% số hộ nghèo; liên tục trong các năm từ 2015 - 2017 là 25% mỗi năm và giải quyết nốt 20% còn lại vào năm 2018.
Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách Xã hội, trong năm 2015, đã có gần 2,4 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp trên 400.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 180.000 lao động từ chương trình cho vay giải quyết việc làm, trên 2.4 00 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp trên 102.000 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn (lần đầu) học tập trong năm; xây dựng gần 1,36 triệu công trình nước sạch, vệ sinh ở nông thôn; trên 5.300 căn nhà phòng, tránh bão, lụt cho hộ nghèo các tỉnh miền Trung và gần 2.500 căn nhà vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long...