Sài Gòn lại có "cửa hàng" quần áo miễn phí cho người nghèo
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 14:46 - 10/05/2016
Ngót cũng đã gần 10 năm trước, khi những bình trà đá miễn phí được đặt ngay ngắn trên vỉa hè ở Sài Gòn, ít ai nghĩ rằng cái "dịch vụ 0 đồng" đi tiên phong ấy không những vẫn duy trì mà còn nhân rộng ra ngày càng nhiều ở mảnh đất nghĩa tình này.
Từ bình trà được người lao động trân quý và cảm kích, Sài Gòn lại cho ra đời thêm hàng loạt dịch vụ miễn phí về sau này. Dịch vụ này kinh doanh chỉ cần lấy tấm lòng làm vốn, bảo đảm "khách hàng" đông nườm nợp, mà ai được phục vụ cũng ấm lòng, cũng có thêm nghị lực để tiếp tục công việc của họ.
Mới đây, ở trước số nhà 1545 đường Nguyễn Hoàng (phường An Phú, quận 2) bỗng xuất hiện một "cửa hàng" quần áo di động, với tấm bảng in chữ đỏ to oành: "Quần áo từ thiện (miễn phí)". Bên dưới là dòng chú thích viết tay ghi lại thời gian "mở cửa" là trong hai ngày thứ 4 và thứ 7.
Biển hiệu với dòng chữ đỏ nổi bật bên vệ đường: "Quần áo miễn phí" làm ấm lòng những người lao động khu vực này.
Chú Ba là tên gọi thân mật của chủ nhân "cửa hàng" dễ thuơng này. Cũng như những người tốt thầm lặng trước đó ở Sài Gòn, họ luôn giấu mặt và tên tuổi, rất ngại xuất hiện trên truyền thông vì cho rằng hành động của mình cũng... thường thôi, cần gì phô trương!
Không có giá treo quần áo, chú Ba đóng tạm mấy thanh gỗ làm thành một "thời trang vỉa hè" giản đơn hết mức có thể. Chú đóng thêm mấy cây đinh nhỏ, để treo vài ba bộ quần áo đẹp nhất lên cho mọi người đỡ mất thời gian lựa chọn.
Chú Ba quê ở huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Chú vào Sài Gòn đã lâu nên xem những người dân nơi đây như bà con của mình. Thấy nhiều người lao động cái ăn còn không có, huống gì tới cái mặc, nên chú vận động quyên góp áo quần cũ rồi dựng một cái quầy quần áo trước nhà để ai có nhu cầu "sắm đồ" thì tìm đến.
Số quần áo được bày ra chỉ là một phần trong số đồ mà người ta quyên góp cho chú Ba. Nhưng phần vì không có chỗ trưng bày, treo đồ, phần vì sợ ai có lòng tham lấy một lúc hàng chục bộ quần áo mà không nhường cho người sau, nên chú Ba cất bớt, khi nào thấy thích hợp thì mới đem ra thêm.
Người đến lấy quần áo mang về đa phần không phải người Sài Gòn mà là dân tứ xứ đến đây mưu sinh, lập nghiệp, cuộc sống khó khăn trăm bề.
Thợ hồ, công nhân ở các xí nghiệp chế xuất hay xe ôm... là những người đến lấy quần áo nhiều nhất.
Trong số những người đến lấy quần áo, có người chỉ lấy 1,2 cái, có người đem theo bọc đồ riêng để lấy được nhiều hơn. Buổi trưa hôm ấy, tôi bắt gặp một người phụ nữ quê Phú Yên, chạy chiếc xe Cúp cũ kỹ dựng trước quầy quần áo của chú Ba, một tay cầm bọc nilon lớn, tay còn lại lựa quần áo bỏ vào. Thấy tôi, cô ngước lên nói: "Cô lấy quần áo về cho mấy đứa cháu ở nhà mặc, tội nghiệp tụi nó lâu rồi chưa có bộ đồ nào mới hết đó...". Thấy cô nói vậy, những người đang đứng cạnh bên lựa đồ cũng không ai phàn nàn gì, thậm chí còn phụ cô tìm mấy bộ quần áo trẻ em cho cô đem về.
"Ông xem cái đây tui mặc vừa không?", "Ê tui mua cái áo khoác này đi nắng là ngon à nha, hốt luôn" - Ờ, cánh đàn ông đi shopping chỉ thế này thôi, vừa vặn, tiện lợi là... hốt!
Mua một bộ quần áo có khi bằng cả một ngày công làm việc nên được "cho không biếu không" quần áo như thế này, người dân rất cảm kích.
"Cửa hàng" quần áo của chú Ba lúc nào cũng rôm rả nhộn nhịp, khách đến lấy đồ cũng nhiều, mà người đến cho đồ cũng không ít. Cứ cách vài tiếng lại có mấy bạn trẻ mang bọc quần áo cũ đến tặng. Chú Ba nhận đồ của những người từ thiện, cảm ơn rồi bày ra cho "khách" lựa tiếp.
Những bộ quần áo cũ của người khác lại là tấm áo mới của người nghèo.
Có những bộ quần áo còn rất mới nhưng vì không có móc treo đồ nên vẫn để ngổn ngang.
Những chiếc áo thun còn trắng tinh nhưng hình in trên áo bị bong tróc nên chủ nhân của nó đã bỏ lại cho người nghèo.
Mang về 2,3 bộ quần áo "cũ mà mới" thế này, ai cũng đều rất hạnh phúc.
Ngoài quần áo, chú Ba còn để riêng một rổ đựng giày, ví, túi xách cũ cho những ai muốn lấy.
Được lấy miễn phí nhưng những người lao động cũng chỉ lấy về vài bộ, nhà ai đông người thì tranh thủ lấy thêm cho con, cháu, còn lại họ vẫn muốn để cho những người khác có nhu cầu lấy quần áo.