Xây công trình ở vùng lõi vịnh Hạ Long: Quá nguy hiểm!
- Huyệt vị
- 23:24 - 10/06/2016
Trách nhiệm ở Ban quản lý vịnh Hạ Long
Dù chưa được phê duyệt, Công ty TNHH Lê Hoàng Trường Sa đã xây dựng nhà điều hành quản lý và nhiều công trình liên quan trên đảo Bái Đông, vịnh Hạ Long. Trong khi, đây là đảo nằm trong vùng lõi Di sản Thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, chưa đủ điều kiện khai thác du lịch.
Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 7/6, KTS Trần Trọng Hanh - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học kiến trúc Hà Nội lo ngại: "Vịnh Hạ Long hiện nay đã bị xây dựng quá nhiều công trình, phá hủy toàn bộ cảnh quan của nơi đây.
Vừa qua, tôi có đi xuống vịnh Hạ Long, thấy họ vẫn cho xây cáp treo xuyên vịnh như vậy coi như phá vỡ toàn bộ cảnh quan khu vực đó. Nơi đây đã bị tàn phá quá nhiều, đã không còn bảo vệ được giá trị di sản. Giờ lại thêm một công trình khác được xây dựng trái phép tại vùng lõi di sản, đúng là nguy hiểm quá".
Cũng bày tỏ quan điểm với Đất Việt, KTS Ngô Doãn Đức - Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam cho biết: "Vịnh Hạ Long đã 2 lần được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, chính vì thế, phải tuân thủ các quy định ngặt nghèo của tổ chức trên.
Ngoài ra việc xây cất phải được quản lý và bảo vệ, người đầu tiên thay mặt cho quốc gia Việt Nam là Ban quản lý vịnh Hạ Long, đây là cơ quan có trách nhiệm trong việc gìn giữ tài nguyên thiên nhiên này, phải có pháp chế, có quy chế cụ thể".
Vịnh Hạ Long nhìn từ trên cao |
Theo ông Đức, việc xây cất các công trình trái phép nếu sai phần nào phải xử phần đó, rất cẩn trọng, không được tùy tiện, thậm chí địa phương cho phép mà ý kiến cộng đồng không đồng ý cũng phải xem xét lại, không phải di sản nằm trên địa bàn của tỉnh, thì tỉnh muốn làm gì thì làm. Vì đây đã trở thành tài sản của quốc gia, thậm chí của thế giới.
Hiện nay, vịnh Hạ Long có hơn 1900 hòn đảo tự nhiên, đảo Bái Đông lại là vùng lõi, nên càng phải tuân thủ nghiêm ngặt, trên thái độ trân trọng giá trị, không phải ham lợi nhuận trước mắt mà làm giảm đi giá trị thiên nhiên vốn có.
"Chúng ta đã khai thác nhiều hòn đảo từ đảo Cò, đảo Quan Lạn, tiêu biểu như Quan Lạn doanh nghiệp cũng xây dựng nhiều khu nghỉ dưỡng, mất đi nét nguyên sơ vốn có.
Không phủ nhận việc để tạo điều kiện cho khách thăm quan Hạ Long phải có những cơ sở xây dựng nhất định, nhưng tất cả phải được kiểm tra ngặt nghèo, bây giờ các doanh nghiệp tới làm rất nhiều, xây dựng hàng loạt các công trình, phá vỡ cảnh quan. Cho nên UBND tỉnh Quảng Ninh phải rất thận trọng với việc này.
Doanh nghiệp xây dựng trái phép, có văn bản yêu cầu tháo dỡ, thì nhất định phải phá dỡ nhanh chóng không được quanh co.
Trách nhiệm xử lý cũng như bảo vệ vịnh Hạ Long, Ban quản lý vịnh Hạ Long là đơn vị trực tiếp quản lý. Yêu cầu không được xây dựng, nếu không phá dỡ được thì nhờ pháp luật vào cuộc", ông Đức kiên quyết.
Hãy ứng xử với di sản ở đẳng cấp quốc tế
Đánh giá ở góc độ khác, theo ông Đức, đây là công trình được xây dựng trái phép để kinh doanh trục lợi cho một số người, mà làm ảnh hưởng tới giá trị suy giảm của vịnh Hạ Long là một vấn đề nghiêm trọng.
Thế nhưng, ngoài việc xây cất các công trình còn hàng loạt nhà hàng cũng vô cùng nghiêm trọng. Hiện nay, có hơn 700 nhà hàng trên vịnh Bái Tử Long, vịnh Tử Long, có nguy cơ gây ô nhiễm mặt nước, vì làm nhà nổi, phóng uế bừa bãi không xử lý ngầm.
Vì cái lợi trước mắt kinh doanh, mà họ ăn xổi ở thì, không gìn giữ di sản. Bằng mắt thường có thể thấy váng dầu và rác thải trên mặt nước cũng như trên bờ.
Ông Đức cho hay: "Vịnh Hạ Long là di sản thiên nhiên thế giới nên việc xây cất, làm nhà hàng, tổ chức tuyến du lịch, những việc con người động tới phải được tiến hành bài bản, tiến hành theo nghiên cứu tổng thể, không cục bộ.
Sẵn sàng tạo điều kiện cho khách đến thăm, hưởng thụ không gian đẹp này. Đồng thời không tác động làm tổn thất đến giá trị, bằng cách xây cất làm nhà hàng, những gì con người kinh doanh khai thác.
Vịnh Hạ Long cần được xác định là di sản nhân loại, phải kết nối toàn cầu thông qua quảng bá, và có ứng xử với di sản này với đẳng cấp quốc tế"