THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:14

Xác định đúng mốc tuổi nghỉ hưu - lời giải cho “bài toán” khó

 

Căn cứ vào tổng hòa các yếu tố kinh tế - xã hội, trên cơ sở thảo luận kỹ các định hướng và mục tiêu trong Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội khi Ban cán sự Đảng Chính phủ trình Ban chấp hành Trung ương xem xét thông qua Nghị quyết 28-NQ/TW, Chính phủ đề xuất điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62, nữ lên 60. Theo chúng tôi, đây là những đề xuất hợp lý và có căn cứ khoa học cũng như căn cứ thực tiễn.

- Thứ nhất, mốc tuổi nghỉ hưu này bảo đảm sự phù hợp với quy mô, cơ cấu, chất lượng của lực lượng lao động.

Việt Nam có quy mô, cơ cấu dân số đang thay đổi theo hướng tỷ lệ người trong độ tuổi có khả năng lao động giảm do tác động của quá trình già hóa dân số, tỷ lệ số người phụ thuộc đang tăng lên (44,4% vào năm 2019).

Lực lượng lao động tham gia thị trường lao động của Việt Nam trong những năm gần đây đang tăng chậm cả về số lượng và tỷ lệ. Số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê cho thấy cuối năm 2013 cả nước có 53 triệu lao động, cuối năm 2018 có 55 triệu lao động. Sau 5 năm chỉ tăng thêm có 2 triệu lao động, trung bình mỗi năm chỉ tăng thêm 400.000 lao động. Như vậy, lực lượng lao động Việt Nam không quá dồi dào như các đánh giá thông thường và sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu hụt trong tương lai. Theo dự báo, đến năm 2035, Việt Nam có số người bước vào tuổi lao động là 1,5 triệu, song có đến 1,26 triệu người bước vào độ tuổi nghỉ hưu, lực lượng lao động tăng thêm hơn 250 ngàn người. Từ năm 2040, Việt Nam sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động.

Vì thế, một trong những giải pháp quan trọng là hoàn thành lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu trước khi chúng ta đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động trong khoảng 20 năm tới do quá trình già hóa dân số.

 

Ảnh minh họa

 

- Thứ hai, mốc tuổi nghỉ hưu như đề xuất phù hợp với chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của người lao động Việt Nam.

Chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của người lao động Việt Nam ngày càng tăng và hiện cao hơn tuổi thọ trung bình của dân số thế giới (là 72 tuổi): tuổi thọ bình quân của Nam là 72,1 tuổi, của Nữ là 81,3 tuổi và cả hai giới tính là 76,6 tuổi.

So sánh với các nước trong khu vực, Việt Nam đang có tuổi nghỉ hưu tương đối thấp trong khi lại có mức tuổi thọ ở tuổi 60 khá cao. Cụ thể, Việt Nam có tuổi thọ ở tuổi 60 là 22,5 năm, trong khi tuổi nghỉ hưu bình quân theo quy định chỉ là 57, tuổi nghỉ hưu bình quân trên thực tế chỉ khoảng 53,5 (vào năm 2012), 55 (vào năm 2017) và đạt 56 tuổi (vào năm 2018). Nhìn sang các nước khác trong khu vực: Malaysia có tuổi thọ ở tuổi 60 là 19,5 năm, tuổi nghỉ hưu bình quân là 60; Thái Lan có tuổi thọ ở tuổi 60 là 21 năm, tuổi nghỉ hưu bình quân là 60.

Số liệu thống kê năm 2018 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cho thấy thể trạng sức khỏe của người lao động trên 60 tuổi của Việt Nam ở mức cao trên thế giới: chỉ số khỏe mạnh tuổi thọ ở tuổi 60 (HALE) của Việt Nam là 17,2, đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á (sau Singapore: 21), đứng thứ 3 ở Châu Á (sau Singapore và Nhật Bản).

- Thứ ba, xuất phát từ tổng kết kinh nghiệm, thông lệ của các quốc gia trên thế giới về xác định tuổi nghỉ hưu.

Tuổi nghỉ hưu của đa số các quốc gia trên thế giới là từ 60 trở lên đối với nữ, 62 trở lên đối với nam và đang trong xu thế tăng lên hơn 65 tuổi trong tương lai. Số liệu thống kê của  ILO về quy định tuổi nghỉ hưu của 176 quốc gia cho thấy: Có 54 quốc gia chiếm 30,7% quy định tuổi nghỉ hưu dưới 60; có 66 quốc gia chiếm 37,5% quy định tuổi nghỉ hưu từ 60 đến 62; có 9 nước chiếm 5,1% quy định tuổi nghỉ hưu từ 63 đến 64; có 38 quốc gia chiếm 21,6% quy định tuổi nghỉ hưu từ 65 đến 66; và có 9 quốc gia chiếm 5,1% quy định tuổi nghỉ hưu là 67.Tuổi nghỉ hưu của nữ phổ biến từ 60 - 62 chiếm 37,5%; Tuổi nghỉ hưu của nam phổ biến từ 60 - 62 chiếm 47,2%.

Mặc dù còn có khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa 2 giới, nhưng đây là mốc tuổi mà các quốc gia trên thế giới cho rằng là "bình đẳng" về thể chất, sức khỏe, tâm lý mỗi giới, điều kiện kinh tế xã hội và tương thích với công ước loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (Công ước CEDAW).  

Như vậy, mốc tuổi nghỉ hưu được các đề xuất là nữ 60 tuổi và nam 62 tuổi là mức thấp so với tuổi nghỉ hưu phổ biến của các nước trên thế giới nhưng bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, quy mô, cơ cấu, chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của người lao động Việt Nam.

- Thứ tư, việc nâng tuổi nghỉ hưu nam 62 tuổi nữ 60 tuổi là bước đi cần thiết, tránh việc phải điều chỉnh đột ngột lên mức quá cao trong tương lai, nhất là với lao động nữ.

Mục tiêu chung và lâu dài là tiến tới quy định tuổi nghỉ hưu của nam và nữ bằng nhau. Tuy nhiên, khi điều chỉnh, nhiều nước đang có tuổi nghỉ hưu nữ thấp hơn nam đã lựa chọn không qui định tuổi nghỉ hưu bằng nhau ngay, mà có lộ trình thu hẹp dần khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa các giới nhằm tránh gây tác động tiêu cực do phải điều chỉnh quá nhiều tuổi nghỉ hưu của nữ so với nam. Và lộ trình này sẽ giúp lao động nữ dễ thích nghi hơn trong quá trình điều chỉnh.

Có thể thấy, việc đưa ra đề xuất mốc tuổi nghỉ hưu 60 với nữ và 62 với nam đã được cân nhắc kỹ lưỡng, trên các căn cứ khoa học và cơ sở thực tiễn, có tham khảo kinh nghiệm các quốc gia trên thế giới nhằm đạt được sự hài hòa, phù hợp với quy mô, chất lượng dân số và trình độ lao động cũng như các vấn đề xã hội khác.

TS Dương Ngọc Ánh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh