CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:12

Đường mòn qua biên giới nhức nhối buôn lậu

Những con đường mòn trên vách núi

Theo Luật Xuất nhập cảnh thì mọi hoạt động trao đổi, mua bán hàng hóa của các thương buôn bắt buộc phải qua sự kiểm soát của lực lượng công an biên phòng và hải quan. Tuy nhiên, một đại bộ phận các con buôn sinh sống tại cửa khẩu vì muốn giàu nhanh nên đã tìm cách trốn thuế qua cổng kiểm soát bằng cách vận chuyển hàng lậu. Chính lòng tham của các chủ buôn đã “mở đường”, khai thông những con đường vượt biên trái phép trên các sườn núi.

Những đầu nậu buôn hàng lậu qua biên giới tìm cách kết nối và tạo mối quan hệ làm ăn với chủ đất đồi, là những người chủ của khu vực đồi ấy, họ thông thuộc địa hình, từ đó để quân cửu vạn của mình vận chuyển hàng qua lại hai cổng bên biên giới. Dần dần đường rừng cũng trở thành đường mòn, những con đường dài tối thiểu cũng hơn cả vài số trên vách núi treo leo. Phu vác hàng người này nối người kia, cứ thế “quen mui” mà theo đuôi nhau qua biên giới, tuồn hàng lậu về Việt Nam tiêu thụ. Những con đường vì thế cũng được đặt tên cho dễ nhận biết như đường “sau bãi”,đường “Lọ Bon”,đường “vách núi”, và  đường “sau cổng”.

Ngay từ chân đường mòn đã là những mỏm đá lởm chởm

Đặc trưng của xã vùng biên này là địa hình rừng núi nên việc phòng chống buôn lậu lại càng trở nên khó khăn, thêm vào đó người dân sinh sống tại đây dường như có quan niệm rằng việc “sang Trung Quốc lấy ít hàng về” là một cách kiếm sống không có gì là trái pháp luật cả.

Ban đầu chỉ một vài các “dây hàng” được tuồn qua biên giới bằng những con đường này, nhưng sau đó, như là sức lan tỏa, các hộ buôn bán từ lớn đến bé tại đây đều chuyển qua….buôn lậu!. Vì ham muốn kiếm được nhiều tiền hơn, thì những con đường ngoằn ngoèo, uốn lượn trên vách núi đá trơn trượt cũng không làm họ cảm thấy lo lắng cho tính mạng của mình. Những chủ lớn thuê người bốc vác đến cả vài chục người, còn người buôn nhỏ thì trực tiếp đi cõng hàng về bán lẻ.

Nói về độ nguy hiểm khi cõng hàng đi qua các con đường này thì mọi phu vác hàng ở đây không ai phủ nhận điều đó, đã từng có nhiều trường hợp các cửu vạn vì chạy bộ đội biên phòng đã trượt chân xuống vách núi, nhẹ thì gãy chân gãy tay, nặng thì đi cả tính mạng. Hỏi nhiều người làm công việc vác hàng qua biên giới, thì ai cũng biết là hành vi này là phạm pháp và rất nguy hiểm nhưng họ không còn cách nào khác. Họ bỏ ruộng đồng ở quê để  lên biên giới, không kiếm được thì tiền đâu mà sống.

Với họ, có việc kiếm sống đã là may mắn lắm rồi

Hầu hết, khi đêm đến, đặc biệt là sau 12h đêm, khi các chốt biên phòng đã nghỉ thì hoạt động buôn lậu mới rầm rộ. Mỗi người cửu vạn mang theo mình một chiếc đèn pin, họ nối đuôi nhau thành các hàng dài, di chuyển trên những con đường thân thuộc để sang nước bạn cõng hàng về. Không chỉ trai tráng khỏe mạnh, mà nơi đây từ người già cho đến phụ nữ, trẻ nhỏ đều làm cửu vạn. Người khỏe thì cõng trên lưng cả tạ hàng, từ yếm xe máy cho đến điện thoại di động, các loại linh kiện điện tử, máy bơm nước, quần áo,… Còn người già, phụ nữ nhẹ nhàng lắm thì  cũng gánh trên mình những bao hàng ít cũng 30-50kg.

Bất chấp cả tính mạng để “buôn lậu”

Trên đường cõng hàng từ “bên kia” về nước, lên đến những đoạn vách đá treo leo thì họ dỡ hàng xuống, chia nhỏ khối lượng hàng để dễ dàng cho việc di chuyển. Nếu chẳng may bị lực lượng chống buôn lậu tóm được, tùy thuộc vào loại hàng họ đang mang mà chọn cách đối phó. Nếu cảm thấy tẩu thoát được thì họ liều mình chạy xuống vách núi, còn không họ bỏ lại hàng và quay đầu chạy về phía Trung Quốc. Có nhiều trường hợp, sau khi các đối tượng buôn lậu bị các tổ kiểm soát chống buôn lậu bao vây, chúng sử dụng cả vũ khí “nóng” nhằm chống trả gây không ít khó khăn cho công tác chống buôn lậu ở vùng biên.

Hầu như các đầu nậu đều có “chim lợn” để theo dõi hoạt động của lực lượng chống buôn lậu. Những “chim lợn” này thường được trả công khá cao sau mỗi lần thông báo thông tin kịp thời. Đối với những “dây hàng” lớn, các chủ buôn còn đầu tư thêm cả một “hệ thống” đàn em, đa phần là những thanh niên có máu giang hồ, đứng canh dưới chân đồi và “rình” các chốt biên phòng. Chúng đầu tư cả các phương tiện thông tin liên lạc như bộ đàm để thông tin với nhau.

Con đường mòn chật kín những phu vác hàng 

Lí do nghèo khổ không đủ thuyết phục để giải thích cho hành vi buôn lậu của hàng loạt những người dân sinh sống tại đây. Một gia đình tại thôn Nà Han (xin được giấu tên) đã có “thâm niên” buôn lậu trong suốt 20 năm nay, và người đứng đầu trong dây hàng này chính là người ông của gia đình. Không những không khuyến khích con cháu trong nhà đi học, mà ông T lại khuyên các cháu đi bốc vác, đi làm cửu vạn cho…nhanh giàu. Ông T cũng là một trong những người đầu tiền vác quốc đi “khai thông” những con đường trên các núi đồi để người dân có đường đi cõng hàng. Vì vậy, ông thông thuộc hết tất cả những con đường ở đây, nên được những chủ nậu tin tưởng thuê để chỉ đường và trả tiền công theo tháng. Con cháu của ông, đứa bé nhất mới chỉ lớp 6, hàng ngày sau khi tan học về, ông giục cháu nhanh chóng lên đồi để thu tiền “thuế đường”. Không học hành, cũng không có vốn tự buôn bán, với những người dân lựa chọn vùng đất này để mưu sinh thì chỉ có dùng sức mình để kiếm sống chứ không còn lựa chọn nào khác.

Những bãi tập kết "đồ sộ" dưới đường mòn 

Nhiều năm qua, lực lượng biên phòng và hải quan đã làm các chốt chặn trên những con đường mòn, dựng cả các lán trại, tạo thành các chốt để ngăn chặn tình trạng buôn lậu. Thế nhưng những con buôn đối phó bằng cách tìm những đường mới, mở lối đi khác. Có thời gian,tình trạng buôn lậu bằng đường rừng “nở rộ”, khiến các cán bộ biên phòng phải huy động hết nguồn lực để ngăn chặn.

Các thủ đoạn buôn lậu, không chỉ riêng ở cửa khẩu Tân Thanh mà các cửa khẩu khác trong tỉnh đang diễn biến rất phức tạp. Đặc biệt, thời gian gần đây, nhiều đồi tượng đã sử dụng ngay con đường vận chuyển hàng lậu để chuyển ma túy, đặc biệt là ma túy đá vào Việt Nam, đồng nghĩa với việc các đối tượng buôn lậu này sẽ manh động hơn rất nhiều nhằm mục đích giữ hàng. Điều này gây không ít khó khăn cho các cán bộ quản lý cửa khẩu nơi đây. Nếu hoạt động quản lý cửa khẩu tại đây không có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành và chính quyền địa phương thì e rằng hoạt động buôn lậu tại đây sẽ còn dai dẳng mãi.

MINH YẾN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh