THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:00

Xã Phúc An (Yên Bái): Giàu lên nhờ đan '' rọ tôm ''

 

Với nguồn lợi thủy sản vô cùng phong phú, hồ Thác Bà đã tạo ra nhiều việc làm và thu nhập ổn định cho hàng ngàn hộ dân sống ven hồ từ việc đánh bắt tôm. Với phương thức đánh bắt tự nhiên, tôm trên hồ Thác Bà được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng thịt và giá trị dinh dưỡng. Hàng ngày, tôm theo thương lái đến các chợ trong tỉnh và về cả Hà Nội, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân..

.Nghề đan rọ tôm gắn bó với bà con trong xã cũng giống như việc trồng lúa, trồng màu, hay nuôi con gà, con lợn. Trồng cấy còn có thời vụ, nhưng đan rọ tôm thì quanh năm suốt tháng. Ngày nào họ cũng đan, chuẩn bị ra đồng tranh thủ đan, ngồi xem truyền hình đan, mưa đan, nắng cũng đan.

     Gia đình chị Hoa ở thôn Đồng Tâm vui vẻ cùng nhau đan rọ tôm

Dưới nắng xuân vàng rượm, mặt hồ Thác Bà phả đầy nhựa sống. Soi tỏ mỗi nếp nhà là hoạt động đan lát đầy tất bật của bà con. Đồng đất quê hương quả thực khéo kiến tạo nên những sản vật như thế.

Làng nghề nơi đây lưu giữ những giá trị tinh túy. Vào các năm 1975- 1976, cụ Trần Văn Thành (Thành Tin) là người trực tiếp mang nghề về địa phương, ông Thành Tin làm nghề chạy thuyền máy, quê gốc ở Hưng Yên. Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ rọ tôm ở địa phương phát triển mạnh, hàng tuần, ông cùng vợ rong ruổi đạp xe về tận Yên Khê, Vũ Ẻn, Phú Thọ mua rọ mang lên chợ Phúc An bán kiếm lời.

Cụ Thành Tin năm nay đã 76 tuổi người đầu tiên đưa nghề đan rọ về với Phúc An

Trước đây, rọ tôm được làm bằng thân cây tế và do làm bằng tay, không có khuôn nên cái thì to, cái thì nhỏ, hình dáng méo mó, khi vận chuyển lại dễ bị hỏng, khi sử dụng độ bền không cao, đánh được ít tôm, khi ngâm lâu trong nước rong rêu đến sinh sống bịt kín thân rọ, tôm ở trong đó lâu sẽ bị chết. Nhận thấy những nhược điểm của chiếc rọ tôm ở Phú Thọ, ông Thành Tin đã nghiên cứu, chế tạo ra chiếc khuôn rọ và dùng những cây giang, cây nứa có sẵn trong vùng làm nan.

Ngày qua tháng lại, chăm chút với từng sợi nan, sợi nứa trên tay khiến cụ thêm phần gắn bó và say mê hơn với nghề. Bởi vậy, cho dù tới lúc  đau ốm bệnh tật tưởng như không qua khỏi nhưng cụ vẫn không quên dặn dò các con, các cháu của mình dù có khó khăn thế nào cũng phải bám nghề, giữ nghề, đến giờ đã hơn 40 năm qua, cho dù tay chân bủn rủn nhưng cụ vẫn hàng ngày cầm chiếc rọ trên tay đan lát trong niềm say mê

Câu chuyện về cụ Thành có sức lay động mạnh mẽ tới đời sống của bà con nơi đây. Nghề đan rọ tôm nơi đây tiếp tục phát triển và nhanh chóng được nhân rộng khắp trong thôn ngoài xã.

Để tiếng thơm của nghề mãi được lưu truyền, phải kể đến vai trò của gia đình anh Sỹ, chị Mây, bà Phan, ở thôn Đồng Tâm, xã Phúc An(huyện Yên Bình, Yên Bái) với thâm niên về nghề đan rọ tôm. Qua quá trình truyền nghề và giữ nghề, hiện tại, cả thôn chiếm 80% lao động tham gia sản xuất mặt hàng này. Hơn nữa đây là nghề mà mọi người đều có thể tham gia, dễ làm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Được biết, nghề làm rọ tôm nơi đây có thể làm quanh năm, nhưng rầm rộ nhất là vào mùa nước. Mỗi khi nước từ các con sông dâng lên, các hồ, đập, ruộng lênh láng cá, tôm thì các sản phẩm rọ tôm lại "đắt như tôm tươi".

Người dân xã Phúc An đổ rọ  tôm vào buổi sáng sớm

Nghề đan rọ tôm không khó, người nào cũng có thể làm được. Đàn ông thì chẻ nan, phụ nữ thì đan, người khéo tay thì đan hom, người mới tập thì đan thân… Chẳng phải là công việc nặng nhọc, nên trẻ em bảy tám tuổi cũng đan được rọ tôm. Đi làm đồng về trong lúc chờ cơm, người ta cũng tranh thủ đan, buổi tối mọi người ngồi trước màn hình ti vi vừa đan vừa xem phim. Gia đình chị Đặng Văn Vinh, dân tộc Dao ở thôn Cầu Trắng, có 4 người thì tất cả nhà đều biết đan rọ tôm. Anh Vinh cho biết, mỗi tuần gia đình anh đan được 600-1000 rọ, anh chuyên vót nan đan hom còn vợ con anh đan thân. Giá mỗi rọ khoảng 3000đ- 4.500đ/rọ, mùa mưa giá cao hơn nhưng cũng chỉ được 4.500-5.500đ/rọ ( đối với những hộ gia đình đan rọ thâm niên ). Đấy là rọ đan bằng nứa để bắt tôm to, còn rọ đan bằng cây tế bắt tôm nhỏ thì giá thấp hơn. Đang vào mùa đánh bắt nên rọ tôm bán chạy, gia đình chị Nguyễn Thị Tươi, thôn Đồng Tanh, có 6 người, mỗi tuần đan chừng 1000-1200 cái rọ, Bình quân mỗi người một ngày đan được khoảng 40 chiếc rọ, giá bán bình quân 4.500 đồng/rọ, trừ chi phí nguyên liệu 1.000 đồng/rọ thì một ngày, mỗi người cũng có thu nhập khoảng 140.000 đồng.

Ngoài xã Phúc An, hiện nay ở huyện Yên Bình còn có các xã Vũ Linh, Xuân Lai, Yên Thành, Mỹ Gia, Cảm Ân,...cũng làm rọ, nhưng không phát triển bằng. Về chất lượng rọ, theo chị Trần Kim Oanh, cán bộ tư pháp xã đã có kinh nghiệm nhiều năm làm nghề đan rọ tôm, sản phẩm của Phúc An được người tiêu dùng ưa chuộng, vì rọ tôm to, bền, đẹp, rong rêu ít bám, nứa đan hom nhỏ, hom mảnh, tôm dễ vào và đánh được nhiều tôm hơn những chiếc rọ ở nơi khác làm. Các nhà buôn rọ đến từ các tỉnh có thủy điện và nhiều hồ đập lớn như: Sơn La, Tuyên Quang, Hòa Bình, Thanh Hóa… cũng đều thừa nhận điều chị Oanh nói. Hai lái thương buôn rọ lớn nhất ở xã Phúc An là  Mai Hiên và Ba Luyến cho hay, rọ tôm ở đây người ta mang lên tận hồ Na Hang của Tuyên Quang hay chở về tận hồ Hoà Bình rồi cả lên Sơn La nữa…...

Các xe ô tô chở rọ đi các tỉnh Hòa Bình, Tuyên Quang, Phú Thọ,... 

Đối với rọ tôm xã Phúc An, bà con xem chất lượng sản phẩm là yếu tố quyết định đầu ra. Vì vậy, nguyên liệu làm rọ được chọn lựa kỹ càng, cộng với kỹ thuật tay nghề và một số bí quyết nhà nghề… Sau khi chọn được những cây giang, cây nứa vừa ý đem vót thành nan, sau đó ngâm với nước một thời gian nhất định để tránh mối mọt rồi qua bàn tay khéo léo của con người tạo thành những sản phẩm vừa bền lại vừa đẹp.

Ông Nguyễn Văn Vấn, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc An cho biết: "Nghề đan rọ tôm của Phúc An đang trên đà phát triển, nhưng cũng có thời điểm có dấu hiệu mai một bởi sự xuất hiện của các phương tiện đánh bắt hiện đại đã trực tiếp làm giảm đáng kể giá trị của làng nghề đan rọ. Tuy nhiên, bà con nơi đây vẫn một lòng một dạ thủy chung với nghề. Hiện nay, UBND xã Phúc An đang tiếp tục hỗ trợ về cơ chế, chính sách để hỗ trợ làng nghề", Dẫu còn đó những khó khăn nhưng bà con nơi đây luôn tâm huyết, nỗ lực với nghề. 

Chia tay Phúc An - làng “rọ tôm” - bên tai chúng tôi vẫn còn văng vẳng điệu Sình ca đầy ý nhị của người Cao Lan nơi đây: “Ngồi đan rọ em cất tiếng hát/anh đi qua sao chẳng nỡ ghé vào/nước mắt dài nhưng bàn tay em thoăn thoắt/Vội vàng tìm anh theo những lóng đan.." .Cùng với lời ca là tiếng ra nan ti tách, nhịp lật lên, gài xuống của những “nghệ nhân” đan rọ tôm.

Mai Thêm

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh