THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:37

Xã nghèo chuyển mình nhờ nông thôn mới

Động lực phát triển

Năm 2008 thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính, xã Đông Xuân là một trong 4 xã của huyện Lương Sơn (Hòa Bình) sáp nhập vào Thủ đô Hà NộiTrước khi sáp nhập, cơ sở vật chất và đời sống của nhân dân trong xã còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao (26,7%  năm 2008), thu nhập bình quân đầu người thấp chỉ đạt (5 triệu đồng/người/năm 2008), cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn.

Là xã trung du miền núi thuộc diện xa xôi nhất của huyện Quốc Oai, phần lớn diện tích đồi núi (chiếm gần 70%), với 1.354 hộ dân và 5.478 nhân khẩu, trong đó dân tộc Mường chiếm khoảng 78%.

Chương trình xây dựng NTM thực sự trở thành động lực cho sự phát triển của xã Đông Xuân.

Với điều kiện kinh tế, đời sống của nhân dân trong xã còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, lao động nông nghiệp cao. Nguồn thu của địa phương chủ yếu dựa vào nông nghiệp và điều tiết, hỗ trợ của cấp trên, trong khi đó kết cấu hạ tầng Đông Xuân cần phải đầu tư xây dựng nhiều. Bởi vậy, Đề án xây dựng NTM được xã xác định là điều kiện quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Ông Phan Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Đông Xuân cho biết, bắt tay vào xây dựng NTM, xã tiến hành đồng bộ, thực hiện các nghị quyết, quyết định, quy chế từ huyện và thành phố trong công tác xây dựng NTM. “Mới đầu xã chỉ đạt 4/19 tiêu chí. Xác định công tác này còn nhiều khó khăn nên cấp uỷ, chính quyền địa phương chủ động tích cực trong thực hiện các tiêu chí; rà soát vướng mắc, khó khăn và đề xuất với huyện, thành phố có chính sách đầu tư hỗ trợ, nhất là đối với các công trình cơ bản như: Đường giao thông nông thôn, cứng hoá kênh mương, nhà văn hoá, trường học, huy động sự vào cuộc, góp sức của cả hệ thống chính trị...

Sức sống mới trên quê hương Đông Xuân

Về Đông Xuân những ngày này có thể thấy sự phấn khởi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân khi những con đường bê tông nối dài vào tận thôn xóm, khu dân cư, những ngôi nhà cao tầng, người dân miệt mài lao động… ông Phan Văn Phú vui vẻ nói: “Đông Xuân có được sự thay đổi là nhờ sự đầu tư có trọng điểm của thành phố. Suốt 10 năm qua, xã được bố trí hơn 400 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo nền tảng phát triển sản xuất. Cùng với đó, nhiều chính sách ưu tiên hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế cũng được triển khai, bức tranh kinh tế - xã hội ở Đông Xuân đã có nhiều khởi sắc.

Đông Xuân đã thật sự chuyển mình khi thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng cao, đạt 39 triệu đồng/người/năm 2008), tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu, cả xã chỉ còn 6 hộ nghèo (chiếm 0,43% năm 2018), tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 16,4%/năm. Các công trình phúc lợi công cộng đều được xây mới, trường học đạt chuẩn quốc gia, cơ sở hạ tầng điện, hệ thống đường trục thôn và liên thôn được cải tạo và làm mới bê tông hóa đạt trên 85% theo các tiêu chí của Chương trình đang phát huy hiệu quả cao. Sản xuất nông nghiệp từng bước theo hướng hàng hoá và hiện đại hoá, đời sống của nhân dân được nâng cao; an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hoạt động thương mại dịch vụ phát triển đa dạng, từng bước thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế trên địa bàn, giải quyết việc làm cho người lao động.

 

 

Mô hình phát triển kinh tế từ cây nhãn muộn Đại Thành trên địa bàn xã

Trên lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nhờ có sự đầu tư, hỗ trợ của TP.Hà Nội, huyện Quốc Oai, xã Đông Xuân đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, chọn các giống lúa có năng suất, giá trị kinh tế cao để đưa vào sản xuất.

Công tác chuyển giao và đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp của địa phương đã được quan tâm, nhân dân được tiếp thu các kiến thức mới và ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh. Trên địa bàn xã đang triển khai nhiều mô hình kinh tế như nhãn chín muộn, bưởi diễn, chăn nuôi gà thả đồi, lợn mán, lợn rừng, dê... Từ các mô hình cho thấy nhân dân đã nắm bắt được khoa học kỹ thuật mới để áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi đồng thời nhạy bén với thị trường để đầu tư có hiệu quả, từng bước nâng cao thu nhập.

Vượt qua mọi khó khăn, thử thách với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của tất cả ban, ngành, đoàn thể; sự lựa chọn cách làm phù hợp, hiệu quả với từng tiêu chí, từng phần việc cụ thể nên đến cuối năm 2016 Đông Xuân đã thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM với 19/19 tiêu chí đạt... được công nhận đạt chuẩn NTM.

TUẤN ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh