CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:04

Xã hội hóa nhưng cần đảm bảo nguyên tắc không thương mại hóa giáo dục

Tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, kết quả lấy ý kiến Nhân dân về Dự án Luật giáo dục (sửa đổi) cho thấy sự quan tâm sâu sắc của các tầng lớp Nhân dân đối với dự thảo Luật, với trên 1 triệu lượt ý kiến góp ý.

Về phạm vi và nội dung lấy ý kiến Nhân dân, Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, Chính phủ đã tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về toàn bộ dự thảo Luật, nhưng có định hướng tập trung vào 11 nhóm vấn đề trọng tâm. Cụ thể, về quy định triết lý giáo dục; hướng nghiệp, phân luồng; chính sách cử tuyển; về đầu tư cho giáo dục, trách nhiệm của nhà nước; về nhà giáo; về người học; về chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa; về liên thông trong giáo dục; về thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học; về vấn đề tự chủ của cơ sở giáo dục; về cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục; về quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục và kiểm định chất lượng giáo dục; và về kiểm định chất lượng giáo dục.

Trình bày Báo cáo Một số ý kiến của Thường trực Ủy ban về Báo cáo kết quả lấy ý kiến Nhân dân của Chính phủ về Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết, Thường trực Ủy ban cơ bản tán thành các nội dung, quan điểm của Chính phủ về việc tập hợp, giải trình ý kiến của Nhân dân theo 11 nhóm vấn đề trọng tâm được đưa ra lấy ý kiến và xác định 9 nhóm vấn đề tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật như đã nêu trong Báo cáo. Thường trực Ủy ban cho rằng, các nhóm vấn đề được đặt ra và giải quyết đã cơ bản hướng đến việc thể chế hóa các quan điểm, định hướng của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; hoàn thiện môi trường pháp lý về giáo dục...

Nhìn chung qua báo cáo tổng hợp, đa số ý kiến của nhân dân đồng ý với các chính sách, quy định được đề xuất trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, việc nghiên cứu, tiếp thu cần được dựa trên cơ sở khoa học giáo dục, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đảm bảo phù hợp với thực tiễn Việt Nam để phục vụ việc sửa đổi Luật Giáo dục.

 

Bộ trường Phùng Xuân Nhạ cho biết, đã có hơn 1 triệu lượt góp ý cho Dự án Luật giáo dục (sửa đổi)


Thường trực Ủy ban nhấn mạnh một số vấn đề. Trong đó, nhất trí với việc không quy định triết lý giáo dục thành một điều khoản riêng mà sẽ thể hiện lồng ghép trong các quy định chung về mục tiêu, tính chất, nguyên lý và quan điểm phát triển giáo dục; đồng thời tinh thần triết lý giáo dục Việt Nam sẽ được thể hiện xuyên suốt trong các quy định khác của Dự thảo Luật này. Thường trực Ủy ban đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung thêm nguyên tắc, cơ chế liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo, ngành học, hình thức học để tạo cơ hội học tập cho mọi người.

Dự thảo Luật cần thể hiện rõ ràng và mạnh mẽ trách nhiệm của Nhà nước đối với sự phát triển của giáo dục. Đặc biệt đối với giáo dục bắt buộc, Nhà nước phải bảo đảm đầu tư đầy đủ, toàn diện. Việc xã hội hóa giáo dục cần có cơ chế rõ ràng để khuyến khích, nhưng cần bảo đảm nguyên tắc không thương mại hóa giáo dục. Đối với các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài ở bậc học phổ thông, cần có quy định quản lý về chương trình giáo dục phù hợp với văn hóa, lịch sử và truyền thống Việt Nam. Chính phủ cần có những quy định chặt chẽ, phân công phân cấp rõ trách nhiệm để chính sách cử tuyển được triển khai thực hiện bảo đảm đúng đối tượng, hiệu quả. Về chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến nhân dân về đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp dạy học để nâng cao chất lượng giáo dục.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự tích cực chuẩn bị của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như tán thành với nhiều nội dung giải trình tiếp thu trong báo cáo của Chính phủ và ý kiến của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; khẳng định Chính phủ đã lựa chọn đúng các vấn đề trọng tâm để tập trung lấy ý kiến Nhân dân. Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến về một số vấn đề như chính sách tiền lương đối với nhà giáo; vấn đề phân công công tác cho sinh viên tốt nghiệp sư phạm; chính sách không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở công lập; hỗ trợ đóng học phí đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục; cơ quan phụ trách giáo dục, đào tạo của các địa phương; quy định nhiệm vụ của các Bộ trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục; và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục.

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh