THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 02:22

Xã hội hóa công tác khám chữa bệnh: Cần công khai, minh bạch

Một số hình thức xã hội hóa không đảm bảo công khai, minh bạch

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hệ thống y tế Việt Nam hiện nay đang dần được đổi mới và hoàn thiện theo hướng công bằng-hiệu quả-phát triển, bảo đảm an sinh xã hội.

7 năm qua, đã có 610 trong tổng số 760 bệnh viện từ tuyến Trung ương, tuyến tỉnh, tuyến huyện được đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Trong đó, có rất nhiều dự án lớn đã và đang triển khai như xây dựng cơ sở 2, cơ sở 3 và các tòa nhà điều trị mới tại hơn 20 bệnh viện tuyến Trung ương. Theo Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế), đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ cho ngành y tế đã có bước đột phá, thực hiện nghiêm việc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải. Nhiều bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh đã được đầu tư và hình thành được hệ thống bệnh viện vệ tinh tại hầu hết các tỉnh. Hầu hết các bệnh viện trung ương đều có công trình, hạng mục công trình hoàn thành đưa vào sử dụng.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, mặc dù đã có sự quan tâm của Nhà nước, nỗ lực cố gắng của ngành y tế và toàn xã hội, nhưng cơ sở hạ tầng của ngành y tế hiện nay vẫn chưa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Trong điều kiện nguồn vốn từ ngân sách nhà nước hạn chế, giải pháp huy động các nguồn lực từ xã hội để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, hợp tác về quản lý, nâng cao chất lượng của hệ thống y tế đang được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả khả quan. Hiện nay có 5 hình thức xã hội hóa hoạt động khám chữa bệnh, trong đó có một số hình thức không đảm bảo công khai minh bạch.

 

Chuẩn đoán hình ảnh là một trong những kỹ thuật bị lạm dụng nhiều nhất.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng: “Với hình thức liên danh liên kết để lắp đặt máy móc tại bệnh viện thì doanh nghiệp được hời, nhưng lại đang bị kêu là không minh bạch, lạm dụng, việc này nước nào cũng có. Theo tôi, bệnh viện cứ vay vốn ngân hàng để mua là tốt nhất, trong miền Nam nhiều bệnh việc thực hiện theo hình thức này và nhiều tỉnh không còn chấp nhận hình thức liên danh, liên kết nữa. Nguyên tắc xã hội hóa là tự chủ, tự chịu trách nhiệm, đúng pháp luật, công khai minh bạch, tránh lợi ích nhóm. Muốn vậy phải đặt bệnh nhân làm trung tâm. Trong bối cảnh cạnh tranh, nếu bệnh nhân quay lưng với bệnh viện thì bệnh viện không tồn tại được và việc liên danh, liên kết cũng không phát triển được".

Giá nhiều dịch vụ xã hội hóa tại bệnh viện cao hơn giá BHYT chi trả

Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận là làm thế nào để hoạt động khám chữa bệnh xã hội hóa được công khai, minh bạch để không còn tình trạng lợi ích nhóm hoặc bệnh viện tăng nguồn thu bằng cách lạm dụng xét nghiệm.

Đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, hiện nay việc thực hiện xã hội hóa hoạt động khám chữa bệnh tại nhiều nơi chưa được giám sát chặt chẽ. Giá nhiều loại dịch vụ xã hội hóa tại bệnh viện cao hơn nhiều lần so với giá mà bảo hiểm y tế chi trả. Việc thực hiện xã hội hóa hoạt động khám chữa bệnh hiện nay còn có kẽ hở cho việc lạm dụng xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh để tăng nguồn thu cho bệnh viện thông qua việc bác sỹ chỉ định quá mức cho phép.

Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam nói: “Ở Quảng Ninh bội chi Quỹ bảo hiểm y tế quá nhiều. Chúng tôi đã đi kiểm tra thì thấy có những bệnh viện như Uông Bí, Bãi Cháy chi cho xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh lên đến 30%, thậm chí 40%, thì còn đâu là tiền thuốc, công khám và các chi phí khám. Chi như thế là quá nhiều, bình quân cả nước chi cho xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh chỉ khoảng hơn 20% thôi. Như vậy, một số bệnh viện ở Quảng Ninh đã lạm dụng xét nghiệm mà không có ai kiểm soát việc chỉ định xét nghiệm đó có phù hợp hay không?”.

Ông Thảo cũng cho biết thêm: trong số hơn 2.000 máy liên danh, liên kết xã hội hóa tại các bệnh viện có gần 40% số máy không có đề án lắp đặt, tức là không đảm bảo đầy đủ tính pháp lý. Bên cạnh đó, hơn 60% máy xã hội hóa mà bệnh viện thuê hoặc mượn không thực hiện theo đúng quy trình của Bộ Y tế. Đây là lý do mà nhiều dịch vụ kỹ thuật chưa được cơ quan bảo hiểm xã hội phê duyệt chi trả, gây thiệt thòi cho người bệnh.

Từ thực tế vừa nêu, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị tăng cường quản lý nhà nước về xã hội hóa hoạt động khám chữa bệnh, từ việc quy hoạch lắp đặt đến chất lượng, giá cả các thiết bị y tế. Hiện các bệnh viện công được tự định giá các dịch vụ xã hội hóa nhưng cơ quan chức năng của Bộ Y tế cần kiểm soát xem giá đó có phù hợp không và cần định kỳ kiểm định chất lượng các thiết bị y tế xã hội hóa. Làm như vậy sẽ góp phần khắc phục tình trạng nhiều bệnh viện không chấp nhận kết quả xét nghiệm của nhau như hiện nay. 

THÁI AN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh