World Cup trước giờ khai mạc: Ứng viên vô địch nào chắc thắng nhất?
- Văn hóa - Giải trí
- 16:29 - 14/06/2018
Lịch sử bóng đá tôn vinh các khoảnh khắc cá nhân hơn là những màn trình diễn tập thể của các đội bóng và những khoảnh khắc cá nhân đó có xu hướng ghi nhận dấu ấn của các ngôi sao tấn công.
Từ pha ngoặt bóng của Johan Cruyff tới động tác giả của Pele, từ pha slalom của Diego Maradona tới cú volley của Van Basten. Những khoảnh khắc được nhắc nhớ lâu nhất đều gắn liền với những pha xử lý thiên tài của các cầu thủ tấn công. Nhưng chưa bao giờ chiến thắng ở các giải lớn lại phụ thuộc gần như hoàn toàn vào việc các đội bóng có thể giữ sạch lưới hay không.
Phòng ngự tốt không phải là điều hấp dẫn nhất trong bóng đá nhưng ở các giải lớn thì đó là điều kiện tiên quyết cho thành công. Nghe thì có vẻ không có gì mới mẻ nhưng tầm quan trọng của việc chơi phòng ngự tốt, nhất là ở giai đoạn đấu loại trực tiếp của các giải lớn, là rất đáng ghi nhận.
Chỉ cần nhìn vào 4 đội vô địch World Cup và 4 đội vô địch EURO gần nhất là có thể thấy điều đó. Đội vô địch đã chơi tổng cộng 29 trận đấu loại trực tiếp trên đường tới chiến thắng. Các đội vô địch đã giữ sạch lưới tổng cộng 24 trận và có 5 trận khác họ chỉ để thủng lưới đúng 1 bàn.
5 bàn thua sau 29 trận thì có nghĩa là xác suất mắc sai lầm phải là rất nhỏ và dường như không có chuyện đội vô địch được phép để thủng lưới nhiều bàn trong cùng một trận đấu. Hy Lạp 2004 cũng như Tây Ban Nha 2008, 2010 và 2012 giữ sạch lưới một nửa số trận trong giai đoạn đấu loại trực tiếp.
Brazil chỉ để thua đúng 1 bàn trong lần vô địch World Cup 2002. Italy cũng chỉ thủng lưới 1 bàn ở giai đoạn loại trực tiếp của World Cup 2006. Đức thủng lưới 2 bàn ở cùng giai đoạn tại World Cup 2014 nhưng đó là những bàn thắng vào phút chót mang tính an ủi mà Algeria và Brazil ghi được. Ở EURO 2016, Bồ Đào Nha chỉ để thủng lưới 1 bàn ở giai đoạn đấu loại trực tiếp ở trận gặp Ba Lan.
Đó là những con số biết nói. Nếu tính cả thời gian đá 2 hiệp phụ của một số trận đấu thì phải tới 579 phút đội vô địch mới thủng lưới 1 bàn. Ưu tiên số 1 trong giai đoạn loại trực tiếp là giữ sạch lưới và vì thế chúng ta sẽ bắt đầu đánh giá của mình về các ứng viên vô địch World Cup 2018 từ hàng phòng ngự của họ thay vì hàng tần công.
Đầu tiên là Brazil. Hai World Cup gần nhất họ đều khởi đầu với tư cách ứng viên vô địch nhưng hồi 2010 họ bị loại ở tứ kết còn 4 năm sau đó họ bị chặn lại ở bán kết mà một trong những nguyên nhân là do phòng ngự không tốt. Họ thủng lưới 2 bàn trước Hà Lan, 7 bàn trước Đức. Như thế chúng ta thấy rằng, để thua nhiều hơn một bàn trong 1 trận đấu về cơ bản sẽ khiến bạn hết cơ hội chiến thắng.
World Cup năm nay Brazil thậm chí có nhiều vấn đề ở hàng thủ hơn so với 2 kỳ World Cup gần nhất. Sự vắng mặt của Dani Alves khiến họ phải chọn Danilo hoặc Fagner đá hậu vệ phải mà không ai tỏ ra thực sự đáng tin cậy. Ở cánh đối diện, Marcelo tấn công tuyệt vời nhưng cũng hay mắc lỗi phòng ngự đáng trách.
Chưa kể tốc độ của Thiago Silva ở vị trí trung vệ cũng bị đặt dấu hỏi và nếu ông Tite chọn một chiến thuật thiên về tấn công hơn với Coutinho ở trung tuyến thì hàng thủ của Brazil có nguy cơ bị đối thủ khai thác thường xuyên hơn nữa.
Tiếp theo là tuyển Đức. Trên lí thuyết thì hàng thủ của Đức cực mạnh vì nó được xây dựng trên nền tảng là 3 hậu vệ đang đá thường xuyên ở Bayern Munich gồm Mats Hummels, Jerome Boateng và Joshua Kimmich còn khung thành của họ được bảo vệ bởi một người Munich khác là Manuel Neuer.
Nhưng tình trạng thể lực của Boateng và Neuer khiến người ta lo ngại. Đức có xu hướng chơi phòng ngự dâng cao nên họ cần Boateng phải thật nhanh nhẹn mà Neuer vẫn phải đá như một libero hiệu quả để hỗ trợ cho một Mats Hummels kém năng động hơn. Nhưng không rõ họ có đủ tốc độ hay không.
Vị trí hậu vệ trái của Jonas Hector là mối lo khác. Anh được coi là một sự nâng cấp so với Benedikt Howedes nhưng lại hầu như không sử dụng được chân trái. Vị trí của Hector có thể bị đối phương khoét vào.
Tiếp theo là tuyển Pháp. Họ sở hữu những cá nhân nổi bật ở hàng thủ với cặp trung vệ chắc chắn, nhanh nhẹn Samuel Umtiti và Rafael Varane cộng với khả năng chồng cánh của Benjamin Mendy và Djibril Sidibe. Ở giữa sân, N’Golo Kante được coi là tiền vệ thủ hay nhất thế giới hiện tại. Điểm yếu của Pháp có lẽ là vị trí thủ môn do Hugo Lloris trấn giữ. Cũng cần lưu ý rằng bộ tứ phòng ngự đá chính của Didier Deschamps mãi tuần trước mới đá cùng nhau.
Tây Ban Nha sở hữu thủ môn hay nhất giải David de Gea cộng với cặp trung vệ cực kỳ ăn ý Sergio Ramos - Gerard Pique. Ở cánh trái Jordi Alba đã lấy lại phong độ cao còn ở cánh phải Tây Ban Nha sở hữu hậu vệ vào loại hay nhất giải Dani Carvajal.
Tuy nhiên, Tây Ban Nha lại đang gặp rối loạn vì vụ sa thải HLV 1 ngày trước khi World Cup khai mạc.
CÙNG CHUYÊN MỤC
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?
Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc