THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:32

WB: Năm 2035, nông dân Việt Nam sẽ thành trung lưu

Đứng ở ngã ba đường, không chuyển đổi sẽ không còn kịp nữa

Nông nghiệp Việt sẽ đóng góp 20% GDP, và Việt Nam lọt Top 20 nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới…
Báo cáo Phát triển Việt Nam 2016 với nội dung Chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam: Tăng giá trị, giảm đầu vào do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố sáng nay đã thể hiện bức tranh khát vọng, mong muốn của nông nghiệp Việt Nam đến năm 2035.

Trong báo cáo, các chuyên gia đều chung nhận định: Nông nghiệp Việt Nam đang đứng ở ngã ba đường, không chuyển đổi sẽ không còn kịp nữa.

Và một kịch bản nông nghiệp 2035 được phác ra mà nếu đi đúng hướng, nông nghiệp Việt Nam sẽ có một vị thế xứng đáng với kỳ vọng của Chính phủ và người dân.

Trong số các nền kinh tế mới nổi châu Á, năng suất lúa của Việt Nam chỉ kém Trung Quốc, xuất khẩu nông nghiệp Việt Nam cũng bùng nổ, đưa Việt Nam vào nhóm 5 nước xuất khẩu lớn nhất thế giới về các mặt hàng nông sản đa dạng từ tôm, cà phê, hạt điều, gạo và hồ tiêu.

Tuy nhiên, World Bank cho biết, thành tích về hiệu quả, phúc lợi nông dân và chất lượng sản phẩm của nông nghiệp Việt Nam không ấn tượng như thành tích về năng suất, sản lượng và xuất khẩu. Việt Nam còn thua kém các nước trong khu vực nếu xét về hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, lao động và nước. Năng suất yếu tố tổng hợp giữa thu nhập nông nghiệp và phi nông nghiệp ngày càng doãng ra và bất bình đẳng thu nhập tại khu vực nông thôn ngày càng tăng.

Báo cáo cũng chỉ ra tăng trưởng sản lượng nông nghiệp đạt được nhờ sử dụng ngày càng nhiều phân bón, hóa chất.

“Nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước ngã ba đường”, World Bank nhận định. Cụ thể, báo cáo chỉ ra ngành nông nghiệp đang bị cạnh tranh về nhân công, tài nguyên đất và nước bởi quá trình đô thị hóa, phát triển công nghiệp và dịch vụ. Chi phí lao động tăng làm ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh vốn dựa trên lợi thế về chi phí sản xuất thấp của nông sản thô.

World Bank cũng cho biết, nông nghiệp Việt sử dụng quá mức vật tư đầu vào và tài nguyên thiên nhiên đang trở thành vấn đề nóng bỏng. Một số vấn đề về môi trường đang cản trở năng suất lao động và vị thế cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Áp dụng các chính sách nhằm tránh rủi ro trong nông nghiệp

“Việt Nam đang đứng trước các cơ hội hứa hẹn cả trên thị trường trong nước và quốc tế, nhưng nếu muốn thành công thì các hộ nông dân và doanh nghiệp phải có khả năng tạo ra các sản phẩm có độ tin cậy, chất lượng, an toàn và bền vững”, World Bank khuyến nghị.

Theo kinh nghiệm các nước khác và căn cứ vào điều kiện và thành tích đã đạt được tại Việt Nam, ta có thể hình dung một “tổ hợp nông – lương” 15 – 20 năm nữa, nghề nông sẽ là nguồn sinh kế chính và trực tiếp, mang lại 25 – 30% tổng việc làm cho toàn bộ lực lượng lao động, đảm bảo một mức sống của tầng lớp trung lưu cho những hộ thuần nông và một mức sống cao hơn cho những người kết hợp lao động nông nghiệp với các nguồn thu nhập cao hơn từ các ngành công nghiệp, lao động chuyên môn khác.

Cùng với đó, WB dự báo, nông nghiệp trong vòng 15- 20 năm nữa có năng lực cạnh tranh cao: "Việt Nam sẽ nằm trong nhóm 20 nước xuất khẩu hàng đầu nông sản dùng làm nguyên vật liệu, các sản phẩm trung gian, các mặt hàng tiêu dùng có giá trị trung bình và cao, tận dụng được lợi thế về vị trí, điều kiện sinh thái đa dạng, năng suất cao và các khoản đầu tư giúp Việt Nam chiếm được vị thế cạnh tranh tốt trong chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực", WB nhận định.

Theo ông Phạm Tuấn Anh – Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, để hiện thực hóa kịch bản này, Chính phủ Việt Nam cần tăng kiến tạo, giảm chỉ đạo. Thị trường có những nguyên tắc riêng để tự chữa lành vết thương. Và những người dân cũng cần khoan dung hơn trước một vài sai sót và các trục trặc thị trường.

Báo cáo cũng khuyến nghị một số chính sách nhằm giải quyết những thách thức nói trên. Chính phủ có thể kết hợp một số biện pháp như nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường các biện pháp ưu đãi, hợp lý hóa cung cấp dịch vụ để qua đó khuyến khích và theo dõi phát triển nông nghiệp xanh, nâng cao hiệu quả hệ thống an toàn thực phẩm và bảo vệ người tiêu dùng.

World Bank cũng khuyến nghị Nhà nước nên xem xét áp dụng các công cụ chính sách nhằm quản lý rủi ro trong nông nghiệp tốt hơn, kiến tạo môi trường phát triển doanh nghiệp nông nghiệp.

NGUYỄN THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh