WB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2018 sẽ đạt 6,8%
- Huyệt vị
- 13:45 - 06/10/2018
WB nhận định, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đạt kết quả tốt nhờ kinh tế toàn cầu khôi phục bền vững và những cải cách trong nước đang được thực hiện. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam ước tăng 7,1% (so cùng kỳ năm trước) trong nửa đầu năm 2018. Tăng trưởng GDP diễn ra đồng loạt, đứng đầu là ngành chế tạo chế biến với mức tăng vững chắc 13% nhờ sức cầu mạnh bên ngoài..
GDP tăng trưởng cao đi kèm với lạm phát ở mức vừa phải và vị thế kinh tế đối ngoại được củng cố. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn phần tăng bình quân 3,5%/ năm (thấp hơn chỉ tiêu 4% cho năm nay của Chính phủ), trong khi tỷ lệ lạm phát lõi xoay quanh 1,4% trong 7 tháng đầu năm 2018. Nền kinh tế đạt kết quả vững chắc nhờ cam kết của Chính phủ về ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng dựa vào khu vực tư nhân.
WB dự báo, triển vọng trong trung hạn của Việt Nam tiếp tục được cải thiện. Tăng trưởng GDP dự báo sẽ đạt khoảng 6,8% trong năm 2018 (so với 6,5% trong dự báo hồi tháng 4/2018).
Lý giải về điều này, ông Sebastian Eckardt - chuyên gia Kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam cho biết: “Mặc dù có nhiều rủi ro nhưng chúng tôi chưa thấy trong những chỉ báo có yếu tố gì ảnh hưởng tới tăng trưởng của Việt Nam. Đầu năm khi chưa có những con số thống kê của quý I/2018 và nửa năm đầu tiên thì WB dự báo phần còn lại của năm sẽ tăng trưởng chậm lại, nhưng thực tế đã tăng trưởng nhanh hơn với dự báo ban đầu”.
Ông Senbastian cũng nhận định, trong trung hạn nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải do sức cầu trên toàn cầu dự kiến chững lại theo chu kỳ. Do đó, nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ tăng trưởng chững lại ở mức 6,6% năm 2019 và 6,5% năm 2020.
Đồng thời, dự kiến lạm phát vẫn xoay quanh chỉ tiêu 4%, với điều kiện chính sách tiền tệ được thắt chặt phần nào nhằm đối phó với áp lực giá phát sinh do áp lực về giá đầu vào trong nước và tăng giá thương phẩm trên toàn cầu.
Cũng theo WB, về chính sách tài khóa, mục tiêu tiếp tục giảm bội chi đòi hỏi phải có một chiến lược tổng thể, nhằm nâng cao hiệu suất chi tiêu và duy trì bền vững tiềm năng thu trong trung hạn.
Bên cạnh chính sách kinh tế vĩ mô cẩn trọng là nhu cầu tiếp tục chú trọng cải cách cơ cấu sâu rộng, bao gồm cả những cải cách pháp quy nhằm xóa bỏ rào cản và giảm chi phí hoạt động của khu vực tư nhân, đầu tư cho nguồn nhân lực và hạ tầng chất lượng cao, tiếp tục cải cách nhằm nâng cao năng suất trong khu vực doanh nghiệp Nhà nước...
Theo WB, quá trình tái cơ cấu ngân sách vẫn đang được tiến hành nhưng chất lượng và tính bền vững vẫn cần cải thiện. Sau khi nợ công được ổn định vào năm 2017, ưu tiên vẫn là duy trì kỷ cương ngân sách.